Trước cách mạng tháng Tám, Nam Cao cũng như bao nhà văn hiện thực phê phán mơ ước được sống chết với nghệ thuật nhưng sau cách mạng, những lời thiết tha, thành kính nhất của ông lại được dành cho đoàn thể. Trong tác phẩm Đợi chờ, nhà văn đã viết: “Đoàn thể, đó là một cái gì đó rất thiêng liêng”. Ngày chưa có ánh sáng cách mạng soi đường, ông chỉ mong được viết, viết để sống thì giờ đây trong tâm trạng người công dân được giải phóng, điều khao khát hơn đối vơi ông là “sống đã rồi hãy viết”.
Nam Cao hòa vào dòng chảy cách mạng, theo cách mạng đi kháng chiến. Trong tác phẩm Ở rừng cho thấy Nam Cao đã tận tụy và hết lòng với công tác đoàn thể. Càng gắn bó với cách mạng ông càng khát khao cho ra đời một tác phẩm được bắt nguồn từ chính yêu cầu của đời sống kháng chiến, đó là một tác phẩm về sự chuyển biến của những văn sỹ trí thức như ông và sự đổi thay của người nông dân quê mình. Ông đã chuẩn bị về vốn sống và trước hết là “đôi mắt” là cách nhìn cho nghệ thuật bắt nhịp với sự vận động của các phong trào cách mạng. Quá trình say mê gắn bó với cuộc sống và hòa vào các hoạt động đoàn thể, đồng cam cộng khổ với nhân dân đã giúp ông khơi nhanh được nguồn sáng tác cho mình. Từ tuyên ngôn nghệ thuật của Đôi mắt như một sự kết nối của Giăng sáng, Đời thừa cho đến Đường vô Nam, đó là bước chuyển lớn từ chủ nghĩa hiện thực cũ đến chủ nghĩa hiện thực mới.
Tất cả những góp nhặt của ông cho từng trang viết để chuẩn bị cho một tác phẩm lớn về đề tài cách mạng luôn thôi thúc ở “con người mới” trong Nam Cao. Nhưng ông đã ra đi mãi mãi ở tuổi 36 với tư cách là một nhà văn - liệt sỹ trong chuyến về công tác ở vùng địch hậu Liên khu Ba vào ngày 30-11-1951.
Giáo sư Phong Lê đã khái quát và tập hợp những bài viết về sự nghiệp và con người Nam Cao giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn về giá trị của nghệ thuật phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và càng trân quý sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết