Những tập thơ đi cùng năm tháng

- “Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh), đó là tuyên ngôn một thời của thế hệ cầm bút tham gia kháng chiến. Thi ca xứ Tuyên cùng với sứ mệnh thiêng liêng của mình đã đồng hành cùng lịch sử để có những vần thơ đi cùng năm tháng.

Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đã xuất hiện lớp lớp thế hệ thi sỹ với nhiều tác phẩm đặc sắc. Các bài thơ ra đời từ trong kháng chiến vừa thấp thoáng chất tráng sĩ hào hoa, vừa thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, tràn trề sự lạc quan, sức trẻ như: “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi; “Núi Đôi” của Vũ Cao, “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân; “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm...

Theo mạch nguồn văn chương ấy, lớp lớp thế hệ nhà thơ xứ Tuyên cũng xông pha ra trận và thể hiện tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập qua nhiều tác phẩm thi ca. Đọc những dòng thơ ấy, độc giả trẻ hiểu thêm phẩm chất của một thế hệ tài hoa ra trận, cảm nhận sâu sắc hơn giá trị Hòa bình - Độc lập - Tự do.


Những tập thơ viết về người lính của tác giả xứ Tuyên.

Có nhiều người dân Việt Nam thuộc và yêu thích “Bài ca Trường Sơn” của cố tác giả Gia Dũng, với âm hưởng đầy lãng mạn, hào hùng. Tác phẩm như một lời hiệu triệu thôi thúc thanh niên lên đường giải phóng quê hương miền Nam. Gia Dũng - người con ở Thái Bình, sinh sống tại Tuyên Quang. Từ Tân Trào ra đi chiến đấu, người nghệ sỹ ấy đặt trái tim mình vào trái tim dân tộc để cống hiến tuổi thanh xuân cho hòa bình của đất nước. Ông đã thay mặt lớp lớp thế hệ Việt Nam viết nên xúc cảm, hào khí xung trận “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”: “Đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân/Đi ta đi những trai làng Phù Đổng/Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!...” Chất lãng mạn bay lên cùng tuổi trẻ. Đó chính là sức mạnh của cả một dân tộc, được dồn tụ, hun đúc từ truyền thống anh hùng.

Những chi tiết trong thơ vừa ước lệ vừa mang tính khái quát rất cao. Quá khứ hào hùng được cài vào sứ mệnh cao cả mà thấm đẫm cảm xúc, tinh tế. Các khổ thơ như những toa tàu, kết nối, tương tác cho ý thơ sáng lên hình ảnh của Việt Nam: “Trường Sơn ơi/Trên đường ta qua không một dấu chân người/Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/Dừng ở lưng đèo, mà nghe suối hát/Ngắt một đóa hoa rừng cài trên mũ ta đi”...

Bài thơ không những tiếp thêm sức mạnh dân tộc cho người ra trận mà còn là điểm tựa cho cả quê hương về niềm tin chiến thắng. Từng ý, từng lời như được chắt lọc hồn cốt, tinh thần quật khởi, thần tốc Việt Nam. Hơn 40 năm trôi qua, tác phẩm vẫn in đậm trong mỗi người. Để mỗi khi lời bài thơ được cất lên, thế hệ trẻ hôm nay lại càng tự hào, càng trân quý giá trị hòa bình của dân tộc.

Những chàng trai, cô gái hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc trở thành hình tượng bất tử trong thi ca. Họ mang theo tình yêu và lòng nhiệt huyết tuổi đôi mươi và “gánh đất nước những ngày đạn lửa” - trọng trách thật thiêng liêng, lớn lao! Chiến trường ác liệt, mưa bom bão đạn và cả những cung đường hiểm trở, gian lao được Nguyễn Hữu Dực khắc họa chân thực, rõ nét: “Những đoạn ngầm đá khô, những đoạn ngầm đầy nước/Tay lái giằng méo mặt lúc vượt lên...” (Cô gái và đoạn ngầm).

Con đường gồ ghề, chông gai với hố bom đạn sâu hoắm như thử thách những người chiến sỹ lái xe. Gian nan, hiểm nguy là thế nhưng người lính vẫn luôn tự tin vững bước vì nơi đó họ có những người đồng đội luôn kề vai sát cánh. Hình ảnh những cô gái mở đường thân hình mảnh mai, bé nhỏ bất chấp hiểm nguy đứng chỉ huy cho đoàn xe cứ ám ảnh tâm trí người trai trẻ: “Chiến dịch vào sâu theo những đoàn xe/Những đoàn quân rầm rập ra tiền tuyến/Biết bao lần những cung đường đã chuyển/Trong tâm trí tôi vẫn nhớ một đoạn ngầm”.

Từng là một cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn, Phạm Thúy Mơ luôn khắc khoải kỷ niệm chiến trường xưa. Tác giả tái hiện khí thế hừng hực của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với lòng tự hào khôn nguôi: “Em là cô gái xung phong/Ba lô con cóc hành trang bên mình/Chung chiêng tăng võng giữa rừng/Tay chòng, tay cuốc mở đường xe qua” (Chị tôi). Một thuở Trường Sơn như thế! Nơi mà các cô gái thanh niên xung phong mười tám, đôi mươi hồn nhiên, yêu đời và thật dũng cảm. Họ sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân góp sức đánh thắng kẻ thù xâm lược. 

Các nữ thanh niên xung phong bước vào trang thơ là những cô gái vô danh, được gọi tên chung là “em”. Tuy không tên gọi thậm chí không một lần rõ mặt nhưng các cô mãi để lại ấn tượng khó quên.  Phải chăng, nữ thi sỹ Phạm Thúy Mơ đã cố ý mờ hóa tên tuổi của các cô để tô đậm phẩm chất cao đẹp của người nữ thanh niên xung phong? Các cô, các chị đã hóa thân thành tên gọi chung để đất Việt hôm nay được bay lên trong bát ngát mùa xuân: “Em xung phong đứng bên đường/Lấy mảnh dù trắng dẫn đường cho anh.../Bến phà Linh Cẩm đang chờ/Ngã ba Đồng Lộc đứng trơ giữa đường/Mười cô thiếu nữ sẵn sàng/Hy sinh mình để thông đường xe qua” (Ký ức Trường Sơn).

Thi ca xứ Tuyên viết về người lính, ca ngợi khí thế hào hùng của dân tộc tựa như dòng chảy cảm xúc không bao giờ vơi cạn. Còn đó rất nhiều tác phẩm gợi lại một thời để nhớ, một thời tuổi trẻ quên thân mình vì trách nhiệm với Tổ quốc như: “Chút ngày xưa ơi” của Nguyễn Trọng Hùng, “Anh bưu tá vùng cao” của Nguyễn Ngọc Hiệp, “Đón bạn” của Cao Xuân Thái... Mỗi câu chữ, dòng thơ là nén tâm nhang thể hiện lòng thành kính, trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục