“Không phải anh hùng nào cũng mặc áo choàng”
Ngay khi bộ phim “Lật mặt 7 - Một điều ước” chính thức công chiếu vào ngày 26-4 lập tức đã tạo được cơn sốt. Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều gia đình đã lựa chọn bộ phim trở thành “món ăn tinh thần”. Và kể từ đó đến nay bộ phim vẫn không ngừng “hot”, trở thành hiện tượng phòng vé suốt trong thời gian dài với mức doanh thu kỷ lục hơn 400 tỷ đồng.
Bộ phim lấy đi nước mắt nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, không phải bởi những tình tiết bi lụy, ngang trái mà bởi sự xúc động chân thực, chạm đến trái tim mỗi người, khiến họ nhớ đến người mẹ thân yêu của mình. Bộ phim là bản tình ca ngọt ngào về tình thân - ở đó mỗi khán giả đều nhìn thấy mình, thấy mẹ của mình ở trong đó.
Bộ phim là câu chuyện cảm động về đại gia đình bà Hai 73 tuổi - người mẹ một mình nuôi 5 người con khôn lớn. Khi trưởng thành, mỗi người đều có cuộc sống và gia đình riêng. Bất chợt, biến cố ập đến, khi bà Hai bị tai nạn chân nghiêm trọng. Bà Hai trong hành trình được các con bí mật “chia nuôi mẹ”, bà đến ở với mỗi người con một thời gian, từ đó chứng kiến hoàn cảnh của các con.
Bà có cơ hội để thấu cảm, tận mắt chứng kiến đời sống những người con của mình. Bị thương, bà Hai đến nhà các con để các con chăm sóc nhưng ngược lại, chính bà lại là người chữa lành những “vết thương” mà các con gặp phải. Chính vì vậy, phim mang đến thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, cách chúng ta yêu thương những người thân của mình.
Cái kết đẹp trong bộ phim Lật mặt - Một điều ước của đạo diễn Lý Hải.
Dõi theo nội dung phim, khán giả sẽ không ít lần rơi nước mắt và cảm nhận được hình ảnh của chính gia đình mình đâu đó trên hành trình đầy cảm xúc mà bà Hai trải qua khi đến sống nhà các con.
Đó là câu chuyện của gia đình người con trai Hai Khôn giàu có, bố mẹ quá bận rộn với sự nghiệp riêng mà lơ là những đứa con. Hay hoàn cảnh gia đình cậu con trai Tư Hậu ở làng chài ven biển nghèo khó, mưu sinh đầy gian khó, cận kề sinh tử. Câu chuyện về cô con gái Năm Thảo có cuộc sống nghèo khó, hai vợ chồng làm thuê cho ông bà chủ nhưng sợ mẹ lo lắng lại nói dối mẹ căn biệt thự là của gia đình mình. Câu chuyện anh Sáu Tâm làm cai thầu xây dựng, vất vả bươn bả nơi xứ người, biến cố xảy đến khi đội thợ để xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng.
Mỗi đứa con một hoàn cảnh riêng, bộ phim không lên án bất cứ đứa con nào mà đặt góc nhìn đầy cảm thông với những vất vả, cay cực. Bởi họ phải đối diện giữa cuộc đời, khắc họa rõ nét sự bất lực giữa mong muốn báo hiếu và nỗi lo thường nhật của họ. Và người mẹ đến vẫn như ngày các con thơ bé, mẹ giải quyết hết mọi mâu thuẫn trong gia đình của các con.
Điều tinh tế hơn cả về bà Hai được Lý Hải thể hiện trong Lật mặt 7 là việc “không phải anh hùng nào cũng mặc áo choàng”. Công cuộc gỡ rối cuộc đời giúp các con được bà Hai thực hiện âm thầm, mãi về sau các con và khán giả mới biết. Bà làm mọi chuyện không phải để được công nhận, được các con chú ý, mà đơn giản là một người mẹ muốn con mình hạnh phúc, bình an.
Chạm đến trái tim
Bộ phim đặc biệt bởi không có nhân vật phản diện, chẳng có ai là người xấu cũng như không có đứa con nào là bất hiếu, là ghét bỏ mẹ cha. Những nhân vật trong phim đều được khắc họa rất đời thường, có lúc vui nhưng cũng có lúc buồn, bực tức và vô tình tổn thương nhau. Thế nhưng cho đến tận cùng, họ vẫn là những con người thiện lương, sẵn sàng giúp đỡ nhau, vị tha cho nhau và không tiếc gì lòng tốt của mình cho người khác.
Thành công của Lật Mặt 7 thể hiện qua doanh thu, báo chí đưa tin bài, tương tác trên các nền tảng mạng xã hội, hiệu ứng của khán giả khắp cả nước. Tinh thần tích cực, tươi đẹp từ bộ phim đã lan tỏa đến mọi người.
Tại Tuyên Quang ngay khi phim được công chiếu thì luôn dành sự quan tâm của khán giả. Chị Lê Thị Hương Giang, Quản lý Rạp Chiếu phim Lotte Cinema, chi nhánh Tuyên Quang cho biết: “Lật mặt 7 - Một điều ước” là phim Việt được phân loại K (người dưới 13 tuổi được đi xem khi có người lớn đi kèm) phù hợp cho cả gia đình cùng thưởng thức. Tính từ lúc kỳ nghỉ lễ 30-4 đến nay, Rạp luôn dành nhiều suất công chiếu cho bộ phim tâm lý gia đình. Cụ thể là 10 khung giờ từ 9h sáng đến 23 giờ tối. Vào thời điểm cuối tuần, rạp gần như kín chỗ ngồi, còn ngày thường thì từ 40 - 60 suất xem/ngày.
Khán giả xếp hàng mua vé xem phim Lật mặt - Một điều ước tại rạp chiếu phim Lotte Cinema, chi nhánh Tuyên Quang.
Có mặt tại rạp chiếu phim, chúng ta mới chứng kiến được hiệu ứng tích cực của tác phẩm như thế nào. Đó là sau khi bộ phim kết thúc, nhiều khán giả vỡ òa cảm xúc, khóc thành tiếng trong sự xúc động nghẹn ngào. Nhưng cũng có những người ngồi lặng lẽ để những giọt nước mắt chầm chậm tuôn rơi, cảm thấu về người mẹ, người con của mình.
Chị Nguyễn Thị Hậu, tổ dân phố 3, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Mình khóc nhiều lần khi xem bộ phim này, quả thật mỗi người con đều thấy mình trong đó. Bây giờ chỉ muốn về ôm mẹ, hứa luôn yêu thương, chăm sóc mẹ thôi. Phim quá gần gũi, thực tế”.
Anh Bùi Quang Thắng, xã Nhân Mục (Hàm Yên) bày tỏ: “Mình được xem review nhiều về bộ phim Lật mặt 7 trên các nền tảng xã hội. Cuối tuần, cả gia đình xuống thành phố đi thăm nhà người quen, tranh thủ mình mua vé xem. Quả thực, bõ công đường xa thực sự. Cô con gái mình mới 7 tuổi thôi, xem mà cứ khóc rồi ôm lấy bố mẹ. Bộ phim chữa lành, mang đến ngọn gió tươi mát, giúp mỗi gia đình yêu thương, gần gũi nhau hơn”.
Bên cạnh ý nghĩa nhân văn mà tác phẩm điện ảnh này mang lại, người xem còn được du ngoạn cùng bà Hai theo chuyến hành trình đến thăm các con. Ở mỗi nơi có nhiều cảnh đẹp trên dọc dài đất nước Việt Nam, nếp sinh hoạt, nét văn hóa, nét ẩm thực độc đáo của mỗi vùng miền. Như Hà Nội, Làng chài Mỹ Tân, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Làng K’Long K’Lanh, Lâm Đồng, Đà Lạt…
Qua góc nhìn của Lý Hải, những khung cảnh thiên nhiên và nét văn hóa truyền thống lâu đời được thể hiện một cách chân thực và thu hút. Qua đó, mỗi người con đất Việt thêm yêu mến và trân trọng, tự hào quê hương mình. Đó chính là điểm cộng trong cách làm phim của Lý Hải.
Chủ đề về gia đình, tình mẫu tử và lòng hiếu thảo rất quen thuộc với các tác phẩm điện ảnh. Cũng vì quen thuộc nên nếu đạo diễn không đủ sáng tạo, tác phẩm của họ dễ bị khuôn mẫu và khó thu hút người xem. Lý Hải đã bắt đầu từ những điều giản dị, ấm áp, chầm chậm phác họa chân dung một người mẹ nhân từ “giống như mẹ của chúng ta” để kể khá duyên câu chuyện của mình mà chạm đến trái tim hàng triệu khán giả.
Gửi phản hồi
In bài viết