Lê Cường và những điệu múa dân gian

- Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường, quê gốc Gia Lâm, Hà Nội, sinh ra và lớn lên trên quê hương Tuyên Quang. Ông tốt nghiệp Khoa Biên đạo múa trường cao đẳng Nghệ thuật Việt Bắc, trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội với tấm bằng loại xuất sắc.

Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường.

Bao nhiêu năm gắn bó công tác tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh ông đều dồn hết kiến thức, kinh nghiệm và niềm đam mê của mình để cống hiến cho nghệ thuật múa. Sau khi về hưu với chức vụ nguyên quyền Giám đốc Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, ông lại tích cực tham gia Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Hiện nay ông vẫn giúp các sở, ban, ngành, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, địa phương của tỉnh dàn dựng, biên đạo các tiết mục múa, chương trình văn nghệ đặc sắc.

Ngoài những điệu múa hiện đại, Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường rất mê những điệu múa dân gian truyền thống. Ở Tuyên Quang mỗi dân tộc thiểu số lại có những điệu múa khác nhau, mang đặc trưng riêng. Để hiểu thông các điệu múa này ông tích cực đi điền dã, xem đi xem lại bà con biểu diễn nhiều lần. Do nắm chắc được ý nghĩa các điệu múa, phong tục, tập quán của các dân tộc mà Lê Cường có những biên đạo múa gần gũi, rõ ràng, toát lên được bản sắc riêng. Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường tâm sự “Để xây dựng tác phẩm múa Nhịp điệu tang sành của dân tộc Cao Lan thành công ông cũng mất rất nhiều công sức.

Qua nghiên cứu hàng loạt điệu múa cổ ở Yên Sơn, Sơn Dương nơi có đông đồng bào Cao Lan sinh sống ông mới tổng hợp, so sánh, phân tích. Bởi múa là nghệ thuật biểu diễn khá cụ thể nhưng lại trừu tượng, thông qua ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, hành động để biểu đạt điều muốn nói. Việc xây dựng một tác phẩm không chỉ những điệu múa đơn lẻ, rời rạc, mà phải sâu chuỗi thành một câu chuyện có nút thắt nút cởi với thông điệp chính. Nhịp điệu tang sành vẫn giữ được nét khỏe khoắn, rộn ràng, song cũng có những biến tấu, cách điệu của người biên đạo. Nhờ vậy tác phẩm đã giành Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2015”.

Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường cũng rất thích các điệu múa của người Dao. Người Dao thường múa trong lễ cấp sắc, múa màng. Cùng với nhạc cụ của người Dao, ông khéo léo xây dựng tác phẩm “Gọi mùa về”. Khi xem tác phẩm khán giả thấy được nét văn hóa người Dao được toát lên trong từng điệu múa. Vì người Dao luôn khát khao về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no nủ. Lê Cường đã “bắt mạch” được thông điệp đó, đưa vào tác phẩm của mình và giành giải C Hội thi múa dân tộc Việt Nam năm 2016. Đối với dân tộc Mông ông còn có tác phẩm “Hoa núi”, dân tộc Tày có tác phẩm “Bình minh ngày mới”, dân tộc Lô Lô có “Múa tế trời”, dân tộc Pà Thẻn có “Múa lửa thiêng”…

Tác phẩm múa Dao “gọi mùa về” do Lê Cường biên đạo.

Không chỉ biên đạo các tiết mục múa quy mô nhỏ mà Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường còn thể hiện tài năng biên đạo tác phẩm mang bản sắc dân tộc thiểu số có quy mô lớn. Ông biên đạo múa thành công tại nhiều lễ hội, trong đó tiêu biểu có Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình. Mới đây nhất ông dàn dựng, biên đạo múa, làm tổng đạo diễn cho nhiều chương trình nghệ thuật trên địa bàn tỉnh: Kỷ niệm 90 năm thành lập MTTQ Việt Nam, 70 năm Quốc hội Việt Nam, 10 năm huyện mới Lâm Bình. Chuẩn bị tới đây Lê Cường lại tiếp tục xây dựng chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Hiện nay, Nghệ sỹ ưu tú Lê Cường đang nung nấu một tác phẩm múa về đề tài chống Covid-19. Ông bảo, văn nghệ sỹ thời nào cũng phải là chiến sỹ trên các mặt trận bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đem điệu múa cổ vũ cái hay, cái tốt để cuộc sống thi vị hơn.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục