Nhật ký thời chiến

- Không phải nhà văn chuyên nghiệp, đơn giản chỉ là một người lính kể lại những hồi ức của bản thân mình trong suốt thời gian tham gia quân ngũ, nhưng bằng giọng kể chân thành và những kỷ niệm như vẫn còn tươi mới, cuốn hồi ký “Hồi ức lính” của tác giả Vũ Công Chiến đã đem đến cho bạn đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Sách được Nhà xuất bản trẻ phát hành năm 2016.

 

Là chàng trai Hà Nội, cũng như nhiều bạn bè cùng lứa thời ấy, ngày anh nhận được “giấy gọi đại học cùng lúc với giấy gọi nhập ngũ”. Gác lại ước mơ của tuổi trẻ, những thanh niên lớn lên khi đất nước còn chiến tranh đều xác định mục tiêu, lý tưởng cho mình, đó là có thể hy sinh tất cả để đất nước được hòa bình. Những câu chuyện dọc đường hành quân huấn luyện cho đến lúc được trực tiếp tham gia chiến đấu đã được tác giả kể lại một cách tỉ mỉ, chân thực. Trong đó có hình ảnh đẹp của tình quân dân, của tình đồng đội, sự quả cảm của những con người sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Nhưng tác giả cũng không nói giảm, nói tránh về những sự thật chưa đẹp, đó là có người lính còn đảo ngũ, còn ứng xử chưa đúng với đồng đội của mình. Bởi đơn giản, các anh là con người bằng xương bằng thịt, cũng sợ cái chết, sợ khó khăn, gian khổ, quan trọng là người nào đủ bản lĩnh để vượt qua, đứng vững và chiến đấu. Đó chính là tinh thần của người lính “Cụ Hồ”.

Trong kỷ niệm của anh còn có hình ảnh những người vợ, người mẹ và những người con gái mà anh yêu quý, trân trọng. Biết mẹ buồn khi hay tin mình ra chiến trường, bởi anh đã “đem theo cả cuộc đời mẹ ra trận”, vì vậy anh luôn nỗ lực, cố gắng và tin tưởng vào ngày chiến thắng sẽ được về với mẹ, với gia đình nhỏ của mình để được làm một con người bình thường như bao người khác. Đặc biệt, ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, anh cũng biết yêu, biết để ý đến những người con gái đẹp, nhưng vì chiến tranh chưa hẹn ngày trở về nên đành gác lại tình cảm cá nhân để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhất là không để ai phải buồn, phải chịu thiệt thòi khi mình có thể không trở về.

Hơn 6 năm trong quân ngũ, là bộ đội Trường Sơn, tham gia chiến trường Nam Lào, Mặt trận B3 Tây Nguyên, Đắk Lắk, Vũ Công Chiến đã được rèn luyện để ngày càng trưởng thành, rắn rỏi và chín chắn hơn. Rời quân ngũ, anh đã viết tiếp ước mơ của mình, đi học đại học và trở thành Kỹ sư điện tử, làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam. Và những câu chuyện anh kể đã chứng minh rằng “Quân đội thật đúng là trường học lớn. Nó rèn luyện con người ta rất khắc nghiệt. Nhưng khi đã vượt qua rồi, tôi thấy mình thêm tin yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái và vị tha hơn, sẵn sàng hy sinh vì người khác”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đọc “Hồi ức lính”, mỗi người sẽ hiểu hơn về một thế hệ “mãi mãi tuổi 20”, để trân trọng hơn sự hy sinh, mất mát của cha anh và nỗ lực hơn trong ngày hôm nay.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục