Trân trọng giây phút đứng trên sân khấu
Tôi đã nhiều lần được chuyện trò với chị Minh Hằng và có ý định viết về chị và những cống hiến với nghệ thuật chèo nơi quê hương Tuyên Quang. Thế nhưng trước sau chị luôn khiêm nhường: “Sau bao năm cống hiến, khán giả và chèo đã nuôi dưỡng chị trở thành một người trưởng thành. Nhà báo hãy đợi chị nhận được vinh dự trở thành nghệ sỹ ưu tú. Đó cũng là cách chị tri ân, lời đáp từ đến khán giả và đồng nghiệp đã yêu thương mình”.
Và điều tiếc nuối nhất với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đó là chị Minh Hằng ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu nghệ sỹ ưu tú. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phong tặng danh hiệu cho các nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú trong nước. Và tên chị đã được xướng lên với biết bao xúc động, niềm tự hào!
Năm 1993, khi mới tròn 19 tuổi, chị Minh Hằng được tuyển vào làm diễn viên chèo của Đoàn Nghệ thuật chèo Tuyên Quang. Quê ở Đoan Hùng (Phú Thọ), chị bắt đầu cuộc sống xa nhà khi lên Tuyên Quang lập nghiệp với niềm đam mê của mình. Ở thời đó, tìm được một người có giọng ca hay, nhan sắc đẹp, lại sẵn sàng chịu khổ chịu khó theo nghề là điều không dễ dàng. Vì vậy chị Minh Hằng luôn được các đồng nghiệp, tiền bối đi trước trân trọng, quan tâm dìu dắt.
Cố NSƯT Phùng Thị Minh Hằng.
Ngày đó chị được thử sức đóng nhiều vai nữ chính với nhiều biến hóa đa dạng. Ví như trong Quan âm Thị Kính, khi thì chị đóng Thị Kính khi thì được nhập vai Thị Mầu. Chị từng bảo, Thị Kính nhìn thế thôi nhưng thực ra diễn khó hơn Thị Mầu. Ngoài nội tâm thì diễn ngoại hình cũng đòi hỏi khá khắt khe, động tác của chân, tay phải đúng chuẩn, không được dang rộng, cũng không khép nép quá.
Theo đuổi nghiệp chèo từ khi còn trẻ, chị Minh Hằng luôn cố gắng không ngừng để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các thế hệ tiền bối. Chị tự nhận ra rằng, để làm được diễn viên chèo phải hội tụ rất nhiều yếu tố, phải hát được, phải có kỹ thuật biểu diễn hóa thân vào nhân vật rồi phải biết về vũ đạo, phải học múa và nếu phải đóng vai chính thì phải có sắc phù hợp để lột tả được những nhân vật. Chính điều đó mới tạo được cái đẹp, cái độc đáo hấp dẫn của nghệ thuật chèo. Do đó chị luôn trân trọng phút giây biểu diễn trên sân khấu. Bởi đó là cơ hội để chị thể hiện nỗ lực, sự rèn luyện của mình.
Năm 2001, diễn viên trẻ Minh Hằng được vào biên chế chính thức tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh. Và từ đó, chị dành trọn đam mê, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Những vai diễn để đời
Nhắc đến chị, đồng nghiệp thường nói đùa rằng, có lẽ do “tổ nghề” đã chọn, chị và chèo sinh ra đã gắn liền với nhau. Ngót nghét với nghề gần 30 năm, NSƯT Minh Hằng đã trau dồi cho mình một giọng hát tuyệt vời, tạo nên hình ảnh và nét riêng nữ nghệ sỹ.
Chị hiểu rằng, chèo là loại hình nghệ thuật cao cấp, lại hội tụ đủ bốn yếu tố: ca, vũ, nhạc, kịch. Chèo là phải xem, phải nghe mới mê được bởi ca từ tác động vào sâu thẳm tâm hồn người, khiến người nghe có thể khóc, lại có thể cười ngặt nghẽo. Do đó, người nghệ sỹ lúc nào cũng phải biết nỗ lực học hỏi và cống hiến hết mình vì nghệ thuật.
Có lúc chị từng trải lòng, chị không bao giờ quên công ơn của các thầy cô đã dạy mình. Bởi với nghệ thuật chèo không phải dạy theo giáo án mà là sự truyền nghề. Học hát thì thầy hát trước trò hát sau, múa diễn xuất thì cũng vậy. Sau khi làm được đúng theo thầy cô lúc đấy mới tự mỗi người làm được ra những nét riêng trong vai diễn của mình.
Nhắc đến chị nhiều người thường nhắc đến vai diễn nàng Lưu Ba trong vở diễn Tiếng hát nàng Lưu Ba.
Một vai diễn của cố NSƯT Phùng Thị Minh Hằng.
Cố NSƯT Minh Hằng hóa thân thành công vào vai diễn nàng Lưu Ba. Đó là cô gái xuất thân trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ mất sớm, phải ở với anh trai và người chị dâu ích kỷ. Càng lớn Lưu Ba càng dịu dàng, xinh đẹp, tài hoa, hát hay nhất vùng. Mỗi khi nàng hát dòng sông như ngừng trôi, chim chóc như ngừng hót, gió núi như ngừng thổi.
Tài hoa là vậy nhưng Lưu Ba luôn bị vùi dập. Người chị dâu độc ác, ích kỷ, luôn bắt nàng lao động cực nhọc, cấm nàng ca hát và ép buộc nàng phải lấy người mà nàng không yêu làm chồng. Nàng đã tự giải thoát cho mình, bỏ nhà chồng ra đi để được tự do, mang tiếng hát cống hiến cho đời. Sau đó, nàng đã hát suốt 12 ngày đêm không nghỉ rồi kiệt sức hóa thành đá trắng… Trọn kiếp người, nàng đã dâng tặng tài năng cho đời.
Với sự nhập thân xuất sắc từ vai diễn này, chị Minh Hằng đã đoạt giải Bạc tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005.
Chị còn đoạt giải Bạc, tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 với vai diễn Bà Liễu trong vở diễn Nắng quái chiều hôm. Đây là vở kịch đề cập đến những vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay. Nhiều cảnh trong vở kịch bộc lộ những xung đột gay gắt tưởng như khó có giải pháp tháo gỡ, nhưng cuối cùng vẫn là màn “kết thúc có hậu” của sự hy sinh, lòng vị tha, chia sẻ những nỗi đau của con người. Vở kịch là bài học có ý nghĩa về việc phải “làm lại” khắc phục và trả giá cho những sai lầm, về xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững… Thông điệp về tính nhân văn được thể hiện bằng nghệ thuật kịch nói khi tái hiện những vấn đề mang tính xã hội của đời sống đương đại.
Cố NSƯT Minh Hằng từng là Tổ trưởng Tổ diễn viên sân khấu chèo, kiêm diễn viên thanh nhạc. Bên cạnh buổi diễn phục vụ công chúng trong tỉnh, đến với bà con vùng sâu, vùng xa, chị còn tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật lớn trong nước. Đó là những buổi diễn chào mừng đoàn khách nước ngoài, sự kiện quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, có buổi biểu diễn chào mừng Tổng thống nước Hoa kỳ Barack Obama đến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2016.
Trọn một đời, chị cống hiến hết mình cho hoạt động nghệ thuật, NSƯT Minh Hằng nay đã về với đất mẹ với biết bao sự tiếc thương từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Tài năng và sự cống hiến cho nghệ thuật chèo ở xứ Tuyên vẫn mãi luôn in đậm trong lòng công chúng.
Gửi phản hồi
In bài viết