Tranh “ Chiều Phúc Ứng” của hoạ sỹ Đinh Công Mỹ.
Cố họa sỹ Phạm Mạnh Đức dấn thân vào nghiệp vẽ khi bước sang độ tuổi chín muồi và nhanh chóng định hình được phong cách nghệ thuật cho riêng mình. Những bức tranh đẹp của ông thường gắn với chủ đề cao nguyên vùng cao. Hình ảnh những người phụ nữ miền núi qua tranh của ông với nét vẽ mềm mại, dịu dàng. Tranh mang đặc trưng vẽ rất kiệm màu, đề tài giản dị, gần gũi. Xuyên suốt nhiều sáng tác của ông là hàng chục tác phẩm phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày, phong tục tập quán của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Đó dường như là nguồn sáng tạo bất tận của cố họa sỹ.
Hình ảnh bên chiếc đèn dầu, người mẹ Pà Thẻn và hai đứa con nhỏ cần mẫn vẽ những đường nét hoa văn lên tấm vải thổ cẩm trong tác phẩm Vẽ hoa văn; hai thiếu nữ Lô Lô chăm chút thêu thùa trong khung cảnh bao la nơi triền hoa tam giác mạch trong tác phẩm Thiếu nữ Lô Lô trên cao nguyên; cô gái Pà Thẻn trong bộ trang phục truyền thống chăm chỉ giã bột làm bánh trong tác phẩm Thiếu nữ Pà Thẻn. Cố họa sỹ Phạm Mạnh Đức khắc họa đến những nét đẹp lao động của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ mang vẻ đẹp toát ra từ bên trong đó là sự chịu thương, chịu khó, đức tính chăm chỉ, cần cù.
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm lấp lánh vẻ đẹp thủy chung, thương chồng yêu con, vun vén gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng được cố họa sỹ tái hiện thật sinh động, khiến người xem khó thể rời mắt được. Chúng ta hòa cùng niềm vui khi ngắm nhìn niềm hân hoan, hạnh phúc toát ra từ bức tranh Đợi. Bên mái nhà trình tường thiếu phụ người Mông ôm đứa con nhỏ mỉm cười đón chồng trở về sau ngày làm việc vất vả. Người mẹ dịu dàng, âu yếm đứa con nhỏ, cho con bú mớm những giọt sữa ngọt lành, yêu thương của mẹ trong Mẹ con.
Xem tranh của họa sỹ Nguyễn Công Mỹ, người xem sẽ bắt gặp những phong cảnh miền núi thân thuộc và tha thiết đến mức có thể chạm được đến nỗi nhớ. Hình ảnh người phụ nữ miền núi xuất hiện giữa không gian đất trời, đồi núi bao la, càng tôn vinh cho nét đẹp duyên dáng, cần cù, chăm chỉ. Đó là hình ảnh những cô gái Nùng quẩy quang gánh trở về nhà giữa triền lúa xanh mênh mang trong Chiều Phúc Ứng, Chiều Lâm Bình... cảnh hùng vĩ của rừng xanh, núi cao và bầu trời rộng đầy hy vọng đằng xa; hay là những nét vẽ tỉ mỉ, chi tiết, đẹp kỳ diệu trong Đón mẹ, Ngày xuân đi hội…
Những người phụ nữ khoẻ khoắn, vui tươi, tràn đầy sức sống trong các bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tất cả đều khiến người xem cứ muốn đứng mãi để cảm nhận trọn vẹn. Những khung cảnh ấy thật thân quen, gần gũi. Có lẽ vì thế, những bức tranh của ông được chọn treo ở triển lãm luôn được người xem chú ý và đánh giá cao.
Tranh “Ban đêm ở vùng cao” của cố họasỹ Mạnh Đức.
Thường trong tranh hoạ sỹ Công Mỹ không định tả mà chú trọng vào gợi tả; cái thần tình là có khi chỉ vài đường nét cũng làm bừng lên cái tình miền núi và dân tộc. Đến với Đi hội, ta bắt gặp hình ảnh cô thiếu nữ Dao Đỏ xinh tươi, mơ màng bên gốc mận trắng xóa, khuôn mặt thanh tú, e ấp đợi chờ người thương.
Đến với tác phẩm Cô gái Tày ta bắt gặp cô thiếu nữ Tày nền nã, duyên dáng với cây đàn tính được khắc họa riêng biệt trong khung cảnh mùa xuân rực rỡ màu hoa. Và ta bắt gặp hình ảnh đầy sức sống của những cô gái miền núi trong năm tháng thanh xuân của tuổi trẻ trong tác phẩm Ngày xuân đi hội.
Nhiều họa sỹ thường se duyên vẻ mềm mại của lụa với vẻ đẹp người thiếu nữ. Và họa sỹ Mai Hùng đã “se duyên” thật thành công khi khắc họa những bức chân dung bằng lụa.
Giới phê bình nghệ thuật thường nói rằng, họa sỹ mà vẽ chân dung chắc hẳn là người sống nội tâm và rất tinh tế để có thể đọc được những góc tâm hồn của nhân vật. Trong vô vàn cảnh biểu đạt, lối đi khác nhau, Mai Hùng lặng lẽ chọn cho mình dòng tranh lụa chân dung những bà cụ già miền núi. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, thông điệp riêng gửi gắm đến người xem.
Đó là những cụ già người Mông, người Dao gương mặt già nua với những nếp nhăn nhưng ánh mắt lúc nào cũng sáng rực, ánh bao niềm hy vọng trong Trầu vàng, Mùa đông... Hay gương mặt đầy suy tư, khắc khoải với những trăn trở, khát khao hoài vọng trong Tiêu bản 20xx… Mai Hùng thường tâm sự rằng: “Dù người họa sỹ có vẽ gì đi nữa, nghệ thuật phải luôn mang hơi thở từ thực tế cuộc sống.
Mỗi bức tranh là góp nhặt tích lũy trải nghiệm trong suốt hành trình của mình”. Dường như mỗi bà cụ già miền núi chất chứa nhiều xúc cảm, nhiều lắng đọng thời gian để họa sỹ Mai Hùng nặng lòng qua mỗi tác phẩm chân dung lụa. Từ đó gửi gắm nhiều thông điệp văn hóa cội nguồn ý nghĩa cho người xem. Đó là mong muốn giữ gìn giá trị văn hoá, nét đẹp truyền thống, từ trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán…
Nhiều họa sỹ thừa nhận rằng, vẽ về phụ nữ là con đường đã quá nhiều người đi, được khai thác thậm chí đã bão hòa. Nhưng là họa sỹ thì không ai có thể thờ ơ với mảng đề tài lôi cuốn này. Vẻ đẹp phụ nữ dân tộc thiểu số bước ra từ mỗi tác phẩm trong tranh của những họa sỹ nam xứ Tuyên với những cách biểu đạt khác nhau. Thế nhưng xuyên suốt là vẻ đẹp tâm hồn với tính cách thật thà, chịu thương chịu khó, vun vén gia đình và trân quý cội nguồn dân tộc…
Gửi phản hồi
In bài viết