Chàng trai phong cầm
Nhạc sỹ Xuân Tứ. |
Nói về cơ duyên đến với con đường âm nhạc của mình, Nhạc sỹ Xuân Tứ chia sẻ: “Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được người anh trai truyền dạy những nốt nhạc đầu tiên. Bởi thế, đến năm 16 tuổi tôi đã sáng tác được ca khúc đầu tay “Nhớ xưa”. Bài hát nói về tình yêu đôi lứa, được nhiều bạn bè cùng trang lứa ở Trường THPT Tân Trào chuyền tay nhau”.
Tốt nghiệp THPT, ông thi đỗ Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn). Trong quá trình học ở đây, nhiều lần chàng sinh viên trẻ được đi giao lưu biểu diễn. Nhờ có năng khiếu âm nhạc đặc biệt của mình, ông đã lọt vào mắt xanh của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận. Tháng ngày đó, ông được các tiền bối dìu dắt và sau đó được mời về làm việc tại Đoàn Văn công Lục quân (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội).
Tại môi trường mới, ông bắt đầu làm quen và đam mê chơi một loại nhạc cụ mới mẻ, tân tiến, đó là đàn phong cầm hay còn gọi là Accordion. Ông từng chia sẻ, muốn chơi phong cầm không phải dễ, bởi nó nặng đến…18 kg, người Việt mình thể tạng bé nhỏ, người chơi đàn đeo phong cầm trên ngực với hai dây chằng trên vai. Vì thế bên cạnh chơi đúng kỹ thuật thì phải có sức khỏe tốt. Chơi Accordion cần có kỹ thuật cao, tay phải dùng chơi phần giai điệu với các phím Piano, tay trái chơi phần nhạc đệm (bass và hợp âm). Khi chơi ta kéo và đẩy Bellows để đưa hơi vào bên trong đàn, làm rung các lưỡi gà và từ đó tạo ra âm thanh.
Được hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, lại cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi, ông dần nâng cao kỹ năng chơi đàn và trở thành người chơi accordion khá cừ. Ông được bạn bè đồng nghiệp gọi với biệt danh mến thương “Chàng trai phong cầm”. Và tên tuổi của ông thực sự được biết đến khi chơi solo accordion bài hát của nhạc sĩ Văn Cao - Trường ca Sông Lô.
“Trường ca Sông Lô” được nhạc sỹ Văn Cao viết sau chiến thắng sông Lô năm 1947. Nhạc sỹ Xuân Tứ đã chơi nhạc với tất cả niềm tự hào về quê hương. Đó là tình yêu của người nghệ sỹ dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra, dòng sông tuổi thơ nơi mình từng gắn bó. Ông khéo léo đưa đẩy từng nốt nhạc theo dòng cảm xúc khi trầm lắng, lúc hào hùng: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa xã tàn thôn trang/Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa”.
Nhạc sỹ Xuân Tứ và người bạn đời giới thiệu những thành tích Quốc tế về đàn Accordion.
Vươn tầm quốc tế
Năm 1969, nhạc sĩ Xuân Tứ từng được cử đi thực tập tại Nhạc viện Quốc gia Sofia (Bulgari). Khi ấy, tình hình trong nước rất căng thẳng, quân dân ta đang phải “căng mình” trong chiến tranh, bởi thế, lứa sinh viên cùng đi học với ông đều cảm thấy trọng trách trên vai rất lớn. Chính vì thế, trong bài thi tốt nghiệp, nhạc sỹ Xuân Tứ đã chọn chủ đề “Miền Nam yêu quý” như một lời gửi gắm về quê nhà niềm tin, sự lạc quan vào thắng lợi phía trước.
Cũng trong khoảng thời gian học tập tại đây, ông đã được trường cử đi thi accordion quốc tế tại Klingenthal (Đức) và sau này ông đã sáng tác nhiều tác phẩm viết cho accordion. Trong đó có 4 tác phẩm được chọn đưa vào danh mục bài thi accordéon quốc tế. Năm 2005, nhạc sỹ Xuân Tứ vinh dự là người châu Á duy nhất được Tổ chức Accordion của Liên hợp quốc tôn vinh là nghệ sĩ
accordion xuất sắc của thế giới.
Để niềm đam mê âm nhạc của mình được lan tỏa, ông về nước công tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội (nay là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Dù ở cương vị giảng viên hay chức vụ lãnh đạo, ông vẫn nhiệt huyết đào tạo thế hệ trẻ thành danh ở bộ môn accordion. Điển hình như anh Lê Ngọc Thanh (Giải Nhất Accordion quốc tế Paris, năm 1987), Tuấn Anh (Giải Nhất Accordion quốc gia, năm 1990)…
Nhạc sỹ Xuân Tứ nhiệt huyết truyền tình yêu âm nhạc cho thế hệ trẻ.
Các con ông đều theo con đường âm nhạc và nổi danh trong lĩnh vực này. Trong đó, con gái ông từng tốt nghiệp Chỉ huy âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Mátxcơva (Nga), hiện đang giảng dạy tại Thụy Điển. Còn con trai ông chính là cố nhạc sĩ Xuân
Phương, là tác giả của ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Những tháng năm về hưu, ông vẫn miệt mài truyền thụ kiến thức cho người trẻ, cũng như biên soạn nhiều tài liệu giáo khoa cho sinh viên các trường âm nhạc trên cả nước.
Rời cương vị Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) từ năm 1995, thế nhưng PGS.TS, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Tứ vẫn vẹn nguyên niềm đam mê âm nhạc. Hiện nay, ông đã 93 tuổi thế nhưng trong căn nhà tại Khu Tập thể Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội), ông vẫn nhiệt huyết truyền “lửa nghề” cho thế hệ trẻ. Ông dạy 1 kèm 1 cho các học viên ở mọi lứa tuổi, có ngày tận 2 đến 3 ca.
Dù bận rộn công việc giảng dạy, sức khỏe giảm sút nhưng khi nhắc đến Tuyên Quang, đôi mắt người nhạc sỹ ấy long lanh, đầy hoài niệm. Ông vui vẻ nói: “Tuyên Quang mãi luôn là miền ký ức đẹp và bình yên nhất trong tôi. Mảnh đất đã cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc để thăng hoa cùng tiếng đàn phong cầm trong suốt hành trình tuổi trẻ và mãi về sau. Tôi dành tặng quê mình nhiều bản nhạc như: Bình yên quê mẹ, Tháng năm tuổi thơ, Hạnh phúc nhỏ… đó đều là tất thảy những nỗi niềm, tấm lòng người con xa quê nhớ về cội nguồn, quê hương”.
Gửi phản hồi
In bài viết