Cho tới nay, dù đã qua biết bao mùa hoa phượng nở nhưng bài thơ vẫn là tiếng lòng của biết bao người.
“Một tiếng ve gọi hè
Gọi bầu trời đầy nắng
Lấp lánh vành nón trắng
Che mắt ai đang cười”
Bài thơ mở đầu nhẹ nhàng, trong sáng và rất đỗi tự nhiên, khiến cho người đọc cùng trôi theo những dòng cảm xúc cùng tác giả. Đó là nỗi nhớ về “bầu trời đầy nắng” của mùa hè, với tiếng ve râm ran, với thấp thoáng bóng hình của người con gái xinh tươi.
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du từng viết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Dường như ở đây, tác giả cũng sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình giống như bậc tiền bối Nguyễn Du vậy. Tức cảnh thì sinh tình: “Thổn thức lắm ai ơi/Những đêm dài không ngủ/Ngoài kia cơn mưa nhỏ/Thương nhớ từng hạt rơi”. Quả thật, trong không gian, thời gian và thời tiết như thế, nỗi nhớ như càng gấp lên nhiều lần, càng “thổn thức”, khắc khoải và cô đơn biết bao.
Ở những khổ thơ tiếp theo, tác giả nói đến nỗi lòng mình trong hiện tại. Đó là “Mùa hoa phượng qua rồi/Để lòng ai lửa cháy/Một khoảng trời thơ dại/Có dễ gì nguôi quên”. Dù thời gian có trôi qua nhưng những ký ức, kỷ niệm về mối tình thơ dại của tuổi trẻ vẫn luôn đau đáu trong trái tim, khó có thể phai mờ. Đó là cảm giác hụt hẫng, bơ vơ “Tôi như chim lạc đàn” khi “Em đi không quay lại”.
Rồi bất chợt trong khuya vắng “tiếng đàn” ở đâu đó cất lên “bổng trầm”. Không hiểu tiếng đàn du dương ấy làm lòng người dịu lại hay càng khiến nỗi nhớ trở nên cồn cào, da diết hơn: “Ru ai đánh thức ai/Những đêm dài tĩnh lặng”. Đó dường như là câu hỏi không có câu trả lời.
Bài thơ “Thổn thức” chỉ có 4 khổ thơ, viết ở dạng thơ 5 chữ. Bài thơ như một lời tự sự, là nỗi nhớ, niềm thương của một người con trai đối với người con gái mình yêu. Mỗi khổ thơ, tác giả khéo léo đan xen giữa quá khứ và thực tại càng khắc họa rõ sự trằn trọc, vật lộn trong tâm trí của nhà thơ, một nỗi lòng “thổn thức” giống như nỗi lòng của bao người khi nhớ về những kỷ niệm của một mối tình thơ.
Gửi phản hồi
In bài viết