“Chiến tranh và chiến tranh” là một chuyện lồng trong chuyện, kể về tiến sĩ Gyo. .rgy Korin, nhân viên lưu trữ ở một tỉnh lẻ xa xôi ở Hungary, tình cờ trong những tài liệu mà gã xử lý, bắt gặp một cảo bản cổ có nội dung kỳ lạ. Bị hớp hồn và như có một mối đồng cảm nhất định, Korin bán tống tháo tài sản, bỏ việc, tìm mọi đường sang New York, với sứ mệnh trên hết: xuất bản bản thảo ấy online, lưu trữ cho hậu thế, vĩnh viễn. Chuyến đi của Korin tạo nên một liên văn bản thú vị với nhân vật K. của Franz Kafka, anh hùng văn chương mà Krasznahorkai sùng bái. Và thế là Korin, một nhân vật độc nhất vô nhị trong lịch sử văn chương, nhạy cảm đến mức hoảng loạn, luôn mấp mé bờ vực tâm thần, dấn thân vào chuyến phiêu lưu đầy phi lý, tới trung tâm của thế giới.
Những sự kiện xảy đến trong đời Korin chính là tấm gương soi rọi số phận đồng điệu của người kể chuyện và câu chuyện được kể. Cuốn tiểu thuyết đã phá vỡ truyền thống của chuyện lồng chuyện, khi cho cả hai cùng phát triển, vừa cạnh tranh, vừa bổ sung, cùng nhấn mạnh một chủ đề: sự mong manh của tồn tại. Korin là nhân vật lúc nào cũng đang - trong - một - chuyện - kể: kể câu chuyện của mình, kể câu chuyện của cảo bản, cho bất cứ người nghe nào, như thể cận kề tận thế. Bằng chuyện kể mà Korin thoát ra được nhiều hiểm nguy trong đời, chuyện kể cũng là đích tới cuộc đời của Korin, và có phải, liệu cuối cùng, nó, có cứu thoát được gã, hay nhấn lại chìm vào những điên loạn, vốn từ đầu đã là một cuộc chơi nhìn thấy trước kết cục.
Ở cả hình thức lẫn nội dung, “Chiến tranh và chiến tranh” là một cuốn sách thách thức sự đọc và sự hiểu. Nó được phân thành tám chương, với dòng chảy ròng rã của các câu nhỏ, mỗi câu đánh số thứ tự, là một khối văn bản từ chối chấm dứt: được nối dài bất tận nhờ dấu phẩy, những câu văn dài dòng lảm nhảm, vắt từ trang này sang trang kia, phô bày tất thảy các hoạt động trong đầu Kori. Thác cuốn ngôn từ ấy, tạo ra một nhịp điệu xoay vần và âm nhạc đặc biệt, bởi, nó chuyển động vừa như loạt vòng tròn vừa li tâm vừa hướng tâm, vừa là mũi tên lao tới trước vừa kéo giật lùi lại. Ngôn từ, dưới ngòi bút đầy mê lực của Krasznahorkai, không khác gì hủy diệt, luôn tuôn trào đuổi rượt, tóm lấy độc giả.
Đúng như những gì Krasznahorkai nói: “Các nhân vật của tôi tìm kiếm không mệt mỏi và sẽ còn tìm kiếm trong một mê lộ, mê lộ đó không gì khác hơn là nơi họ mắc sai lầm và là nơi con người ta chỉ có thể có một mục đích duy nhất: hiểu ra sai lầm này và cấu trúc của nó. Họ trực tiếp đi tìm nguyên nhân sự bất an của mình, đi tìm phương thuốc chữa lành nỗi đau của mình, hay ít ra cũng để nhận ra rằng không có phương thuốc nào cho nỗi đau của họ”. Không ngừng quan sát và suy nghĩ, Krasznahorkai là người giúp ta hiểu ra, sự vận hành của thế giới được duy trì dựa trên việc liên tục đánh đổ những lý tưởng nó đã tạo nên, tương tự như ý nghĩa của khải huyền, và đừng tin vào cái gì cả, ngoại trừ cái đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết