Thy Nguyên: Tìm về những bình yên

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thật tinh tường khi cảm nhận về giọng điệu thi ca của Thy Nguyên: “Có một người đàn bà ngồi xuống, vấn tóc chậm rãi và bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện. Ngôn từ của chị giản dị, thành thật, chính xác, cảm xúc kìm nén nhưng da diết. Người đàn bà ấy có tên Phạm Thúy Nga - Thy Nguyên”. Chị là một nữ sỹ với tâm hồn lãng mạn, ngôn từ thi ca mới lạ trong sáng của dòng văn trẻ. Thy Nguyên dẫn lối độc giả qua những xúc cảm của một người phụ nữ từng trải, dạn dày sương gió cuộc đời.

Thi ca là cuộc đón đường không hẹn trước

Độc giả luôn có cảm giác rằng mạch nguồn sáng tạo trong người đàn bà thơ này luôn âm ỉ sục sôi như dòng nham thạch có thể phun trào bất cứ lúc nào. Vài hôm lại thấy chị post một bài thơ lên facebook. Đó là những lúc chị bộn bề với biết bao công việc nhưng vẫn dành góc nhỏ cho tâm hồn, yêu chiều từng câu chữ để giữ lấy những thăng hoa, ngẫu hứng giữa dòng đời bận rộn.

Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh sống và làm việc tại Hải Phòng. Chị là một tác giả trẻ thế hệ 8x  cùng với nữ sỹ như Phạm Vân Anh, Lữ Thị Mai, Thủy Hướng Dương, Võ Thị Nhung, Minh Đan... tạo những “cơn địa chấn nhẹ” trong thi đàn Việt Nam đương thời. Đến nay chị đã ra mắt 8 tập thơ, trường ca: Sân người, Cầm mưa, Phố đông người, Ga nổi, Đời đá, Người dưng, Phòng tam giác, Gửi.

Thơ chị thường tự do trong cảm xúc, với sự xuất hiện đậm đặc của thủ pháp so sánh, nhân hóa. Chị từng nói rằng: “thơ tôi là một phần cuộc sống của tôi, cái phần nếu không có thơ sẽ ít ai biết được”. Men theo con đường thơ ấy tôi nhìn thấy nỗi cô đơn đặc quánh, những nỗi buồn vui khó tránh khỏi của kiếp người trôi qua trái tim yếu đuối đàn bà và nhạy cảm thi sỹ: “Em khoét vào khoảng cách một thế giới nằm nghiêng/Thấy anh lấm tấm với biên bản thời gian ước lệ/Nhìn đâu cũng thấy anh hoán vị/Phía nào cũng có nhan để và ngày tháng ký riêng” (Giả thiết).

Thy Nguyên và những ấn phẩm của nhà thơ.

Tìm gặp Thy Nguyên trong thơ thấy chị giống con người thật của mình ở chỗ không khoa trương, không ồn ào. Nhưng con người thơ của chị lại buồn hơn con người thật ngoài đời rất nhiều: “Nắng tháng mười đổ dài xuống phố/Em bước phía nào cũng đẫm bóng mình/Thu mượn vàng để heo may dong dắt/Anh mượn em để nỗi nhớ leo tháng” (Mùa thu và thiếu phụ).

Thy Nguyên hiện là Trưởng phòng ở Trung tâm xét nghiệm ADN Hải Phòng. Chị gánh tròn nhiều vai trong gia đình nhỏ và chu toàn trong công việc. Nữ nhà thơ còn được giới văn sỹ kính nể bởi tấm lòng nhân ái trong các hoạt động thiện nguyện ngoài xã hội. Năm 2018, tôi gặp chị trong một chương trình truyền hình VTV: Thy Nguyên kể lại hành trình chị tham gia giải cứu em gái tên Linh cùng quê bị bán sang Trung Quốc đã 17 năm. Chị tích cực tham gia ủng hộ giúp đỡ trẻ em nghèo, nhận nuôi, chăm sóc; tặng quà những hoàn cảnh khó khăn...

Câu nói quen thuộc mà Thy Nguyên tâm niệm “Sống đã rồi hãy viết”. Thơ của chị giống như hương một loài hoa, rất khiêm nhường ẩn sâu trong đám lá, cần tri âm của những người đủ bình tĩnh trong cuộc kiếm tìm.

“Yêu Tuyên đến nảy mầm”

“Không biết các nhà thơ có duyên với Tuyên Quang hay chính Tuyên Quang tạo nên cái duyên kỳ diệu ấy để làm say đắm bao ngòi bút. Ai đã từng đến Tuyên Quang, dù chỉ một lần, đều khó có thể quên được mảnh đất nhỏ bé, nhưng chất chứa nghĩa tình này. Và với tôi cũng vậy, xúc cảm ngập tràn khiến từng câu từng chữ cứ ám ảnh tôi thôi thúc đi và viết”. Thy Nguyên từng trải lòng.

Bài thơ “Với Tuyên Quang” ra đời trong một lần tác giả đặt chân đến với Tuyên Quang. Và tác phẩm được lựa chọn đăng trên số Báo tết năm 2015 của Tạp chí Truyền hình Việt Nam tạo ấn tượng với cách nói mới, không theo vết mòn của tư duy thơ thường gặp, Thy Nguyên đã tạo được lối đi riêng: hấp dẫn, độc đáo.

Bài thơ gói gọn trong 4 khổ thơ nhỏ xinh, tất cả như dòng tự sự, cảm xúc của người con gái miền đất Cảng. Cảnh vật quen thuộc của quê hương xứ Tuyên như: đồi chè, sông Lô, cửa đền... được thi vị hóa bằng những câu thơ giàu hình ảnh: “…Nắng chói từ bạt ngàn chè em tắm/Miên man đập ngực sông Lô/Cỏ cây đợi nhau thoát xác/Men rượu chếnh choáng ngắm mưa/Trái trám biết đâu mai rụng/Ướt sũng chín bậc cửa đền”.

Ta như lạc bước trong hương sắc, bức tranh thiên nhiên được miêu tả một cách khác lạ đầy tâm trạng. Đó là chút tình, chút nghĩa của người con gái đã mến yêu Tuyên.  Để rồi “Cứ giả đò như nhớ nhầm vay mượn/Cứ giật lùi như xô đẩy tãi rêu”/Em là ai mà nghêu ngao gió bụi/Như kẻ gàn bầm dập dưới chiều”.

Tình yêu có nhiều cung bậc cảm xúc với những hành trình của hai con tim từ từ khẽ chạm vào nhau. Muốn được gần anh hơn, em “giả đò” để vô tình được gặp lại anh và yêu anh nhiều hơn nữa. Em sẵn sàng làm “kẻ gàn bầm dập dưới chiều” cũng chỉ để chứng minh tình yêu tha thiết, thầm lặng. Thế mới biết người Tuyên, đất Tuyên có sức hút thật diệu kỳ đến thế nào!

Dư vị thơ lắng đọng, những khao khát miền yêu lại tiếp tục trỗi dậy. Những câu thơ cuối được chắt lọc tinh túy, giàu sức gợi: “Em mót vị trà tìm anh về gạn đục/Trung du giấu Tuyên một lần phố mệt/Em một lần giấu anh yêu Tuyên đến nảy mầm…”. Quả thực, thơ ca là hành trình sáng tạo, thơ của Phạm Thúy Nga lôi cuốn người đọc với từ ngữ khác lạ, thú vị.

Rời xa Tuyên, trở lại với cuộc sống thực tại, dư vị về Tuyên vẫn còn đọng lại phảng phất khiến người con gái cồn cào trong nỗi nhớ. Tình yêu dành cho Tuyên là một tình yêu chân thành, thầm lặng nhưng mãnh liệt đầy khao khát. Bởi “Em một lần giấu anh yêu Tuyên đến nảy mầm”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục