Sách quý về văn hóa dân tộc Tày ở Tuyên Quang

- Kỹ sư Tống Đại Hồng, nguyên Giám đốc Điện lực Tuyên Quang, hội viên Hội VHNT tỉnh vừa xuất bản 2 cuốn sách quý về văn hóa dân tộc Tày: Văn quan làng và Phong tục lấy rể kế thế của người Tày ở Tuyên Quang.

Là người làm báo từng nhiều năm đi viết bài vùng đồng bào dân tộc Hà Tuyên, tôi có may mắn nhiều lần tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Tày, do đó hiểu đôi chút, mê đôi chút về văn hóa của đồng bào Tày. Nhưng cầm bút viết về nó, tôi bất lực vì vốn hiểu và viết của mình về văn hóa dân tộc này gần như bằng không. Thế mà ông kỹ sư điện này lại có kiến thức khá rộng, lớn về dân tộc này, khiến tôi vì nể và khâm phục. 

Cuốn Văn quan làng là cuốn sách viết về hát quan làng trong lễ cưới của dân tộc Tày, đây là nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của người Tày.

Trao đổi với Tống Đại Hồng về tục hát này, ông cho biết toàn bộ thủ tục về nghi lễ đón dâu, như việc mời nhà trai vào nhà, mời nước, mời trầu, nộp đồ lễ, xin dâu, mời rể vào lạy tổ tiên nhà gái, mời rượu, mời cơm, xin dâu ra cửa... cho đến khi đưa dâu về nhà trai,... đều được diễn bằng thơ thất ngôn thông qua một giai điệu đều đều, mượt mà, bình dị, dễ hiểu gọi là hát quan làng.

Ngoài hát về những nghi lễ như vậy, hai bên hát quan làng của hai họ tiếp tục hát đối đáp, ghẹo nhau bằng thơ qua những tục lệ xin mở cổng, chăng dây chắn đường, xin nước rửa chân, xin vào nhà... khiến đám cưới vui, sôi động và ấm cúng hơn lên.

Hãy xem họ hát bài về mở cửa:

“Tôi xin trình các nàng thanh cao
Xin thưa gái má đào giữ cửa
Cửa người bằng gỗ Ngõa
Khóa người khóa khuy đồng
Tay mở không không được
Dao cậy trước không xong
Đưa tiền cho má hồng ngọc nữ
Các nàng xem thông sự ra sao
Nếu được hãy mở cửa vào giúp trước
Đủ thiếu cũng xin được cảm thông
Cho tôi được vào trong bái tổ mà thôi”.

Vui thật! Cửa bằng thân cây gỗ Ngõa mềm oặt, nhưng khóa lại bằng đồng là hai thứ trái ngược nhau, chỉ cần lấy mũi dao nậy một cái là ra, ấy thế mà các chàng trai vẫn không thể vào bái tổ được, muốn vào phải đưa tiền cho các nàng đang chặn cửa nhà gái thì mới vào được, quả là lạvà hay.

Phong tục lấy rể kế thế của người Tày là tục nhà gái chủ động trong việc cưới hỏi. Sau hôn nhân chú rể ở nhà bên vợ, con sinh ra lấy họ của mẹ và tiếp tục thừa tự cho gia đình. Đây là phong tục có tính nhân văn sâu sắc, khác hẳn tục ở rể của người Kinh. Nó giúp cho các gia đình người Tày sinh con một bề dẫu là con gái vẫn có người phụng dưỡng cha mẹ già và thờ cúng tổ tiên. Phong tục này từ xa xưa đã giúp người Tày không mắc cảnh cố sinh con trai đâm ra khổ sở vì nheo nhóc, hoặc hắt hủi con dâu, khiến đôi vợ chồng phải bỏ nhau để người chồng đi lấy vợ khác.

Tác giả Tống Đại Hồng bên góc sáng tác.

Trong lấy rể kế thế, nhà gái phải tự tìm hiểu thông tin hoặc nhờ mai mối cung cấp thông tin. Nếu được nhà trai đồng ý, thì nhà gái mới làm tiếp các bước như mai mối, dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ dẫn cưới, lễ đón rể và hát quan làng.

Lễ đón rể của người Tày lạ lắm, thành phần đi đón rể gồm quan làng lớn, quan làng xếp, ông đón rể, một thanh niên đi phụ ông đón rể, cô dâu, phù dâu, đại diện nhà gái.

Lễ vật đón rể gồm 120 cái bánh chưng, 24 bánh dầy to bằng cái khay đựng ấm chén. Một dậu hoa bên trong có một túi trầu, có tiền gói bằng vải đỏ. Một con lợn vía khoảng 10 kg. Một gánh gồm một sọt nhỏ trong đó có một gói cơm nếp, 2 con gà chín đặt một bên còn một bên là chè thuốc, trầu, cau.

Nhà gái mang một cái áo cô dâu để khi đón rể thì luồn vào một cái áo của chú rể, mang theo khăn hồng vắt vai cho anh hoặc chị chú rể chưa lấy vợ hoặc lấy chồng. Khi đến nhà trai, nếu nhà gái thấy nhà trai có các cô gái đẹp cầm khăn lụa hồng giăng ngăn lối đi thì đoàn nhà gái phải dừng lại xin nhà trai mở khăn hồng cho đoàn nhà gái đi qua. Sau khi nhà trai hát quan làng ý hỏi khách lạ đi đâu qua đây, đây không phải đường đi lối lại sao đoàn lại lạc vào đây?

Quan làng nhà gái hát rằng:

“Xin thưa các nữ tú tươi xinh
Tôi xin trình các nàng giữ lụa
Chúng tôi bước chân phải ra đi
Chân trái bước từ xa vừa tới
Ra đến nơi đường cái chỗ to
Bước chân đến nhà người chỗ rộng
Người khéo có lụa hồng ngăn lối
Lại có tơ loan vội ngăn đường
Bắt ngựa phải dừng cương qua lại
Chắp tay xin hỏi tại làm sao?
Ý các nàng thế nào cho biết?
Khách đường xa hơn thiệt mới hay
Chúng tôi lòng thẳng ngay chậm hiểu
Xin các nàng yểu điệu dạy cho với nhé!”.

Sau khi quan làng nhà gái đặt tiền xuống mâm của nhà trai thì được nhà trai cho qua.

Ông Tống Đại Hồng cho biết rằng dân tộc Tày có gần 200 bài hát quan làng, trong đó có 162 bài tiêu biểu, nhà trai có 130 bài, nhà gái có 32 bài, mới biết văn quan làng phong phú biết chừng nào.

Đọc Văn quan làng và Phong tục lấy rể kế thế của người Tày mới thấy chỉ riêng văn hóa hát trong đám cưới của người Tày, chưa kể ăn, uống rượu và mặc trong đám cưới đã thấy quá sinh động, đưa người ta đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ chỗ trầm trồ đến khâm phục sự đa dạng của văn hóa Tày. Tục lấy rể kế thế cho ta thấy sự khác lạ, văn minh không cổ hủ của dân tộc Tày, đó cũng là nét đẹp trong văn hóa Tày.

Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục