Nghệ thuật sân khấu những nỗi niềm cũ

- Cách đây khoảng hai thập kỷ, sân khấu được coi là thời hoàng kim với nhiều vở diễn có tiếng vang rất lớn trong xã hội. Thời đó, nhiều người coi việc đi xem kịch như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Cùng với sự phát triển của xã hội đã ra đời nhiều loại hình giải trí mới, giờ đây sân khấu không còn được như xưa. Đặc biệt sau thời gian vắng bóng vì dịch bệnh thì nay nghệ thuật sân khấu trở lại, nhưng họ vẫn mang theo nỗi niềm cũ trong trạng thái bình thường mới.

Một cảnh trong vở kịch "Như thế là tội ác" do diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn tại Tuyên Quang.

“Làng sân khấu” nhộn nhịp vào những năm thập kỷ 80 và những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đó là năm tháng rực rỡ nhất của sân khấu Việt Nam, khi chúng ta có những “tên tuổi vàng” của làng sân khấu kịch nói như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng. Và đó cũng là thời sinh ra thế hệ diễn viên vàng của sân khấu Việt Nam, các NSND Trọng Khôi, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh, NSND Hoàng Dũng, NSND An Tú, NSưT Thanh Tú... Thế hệ trẻ hôm nay cũng đang kể tiếp câu chuyện của sân khấu kịch nói Việt Nam, nhưng khó khăn và nhọc nhằn hơn khi sân khấu đứng trước quá nhiều thách thức. Sân khấu truyền thống bị các loại hình nghệ thuật đương đại lấn át; diễn viên sân khấu loay hoay trong cơ chế thị trường.

Theo nhiều nhà lý luận phê bình sân khấu thì khán giả không đến không phải vì họ quay lưng với sân khấu mà bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết là sự phát triển công nghệ thông tin, mạng internet kéo theo nhiều loại hình giải trí mới. Nhiều người chọn xem phim, ca nhạc, thậm chí xem kịch trên mạng, thay vì đến với các nhà hát. Đặc biệt đại dịch COVID-19 đã làm đóng băng sân khấu kịch nói vốn đã sống èo uột nhiều năm qua. Sân khấu đang mất dần khán giả.

Tuy nhiên nhiều khán giả trẻ chưa thích nghệ thuật sân khấu là bởi sân khấu chưa có được sự thu hút, phần vì cho rằng đang có những loại hình giải trí khác sống động, chân thực và gần gũi hơn. 

Quả thực, phải thừa nhận nghệ thuật sân khấu vốn là ước lệ, kể cả sân khấu kịch nói cũng không thể “thật” như phim ảnh nên đa số giới trẻ không hiểu và không thích. Do đó nhiều năm qua, hầu hết các loại hình sân khấu, từ kịch nói đến tuồng, chèo, cải lương, từ nhà hát quốc doanh đến các sân khấu tư nhân đều chịu chung số phận đìu hiu.

Đêm thơ nhạc kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh do Trường Đại học Tân Trào tổ chức.

Sân khấu Tuyên Quang cũng chịu chung bức tranh như các sân khấu địa phương. Phân hội sân khấu Tuyên Quang thuộc Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh hiện có 20 hội viên, trong đó đội ngũ tham gia viết kịch không nhiều. Đến với thể loại kịch ngắn mang tính tuyên truyền, các tác giả như Xuân Đặng, Vũ Phan đã có nhiều tác phẩm có dấu ấn. Trong đó, phải kể đến Nguyễn Vũ Phan với nhiều giải thưởng cao như: “Hàng dởm” đoạt Huy chương Bạc Hội diễn toàn quốc năm 1990, “Làm giàu từ cây mía” giải xuất sắc Liên hoan thông tin tuyên truyền toàn tỉnh năm 1995, “Đám cưới tiền” Giải B Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2000. Tác giả Xuân Đặng được biết đến qua những vở kịch dài được Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam dàn dựng. Điển hình như: “Khúc bi tráng của rừng”, “Cuộc đời của Nhật”, “Dòng sông dữ dội”, “Ảo mộng”, “Ngôi nhà hướng Tây”.  Khác với lối viết hài kịch của Nguyễn Vũ Phan, Xuân Đặng chọn cho mình lối viết nhẹ nhàng, thâm thúy theo phong cách chính kịch.

Trong bối cảnh hiện nay không dễ để có được giải pháp nâng đỡ nền sân khấu trở lại thời kỳ hoàng kim. Nhà viết kịch Phạm Xuân Đặng cho rằng, xu hướng tất yếu của xã hội ngày nay là mạng internet, truyền hình. Vì thế sân khấu cần có con đường riêng của mình. Muốn vậy không gì khác hơn là những người làm sân khấu phải làm sao để khán giả cảm thấy yêu thích sân khấu như là yêu thích điện ảnh, truyền hình, cảm thấy việc không xem các vở diễn sân khấu là thiếu đi món ăn tinh thần vô cùng đáng tiếc.

Diễn viên Quỳnh Mai, quê TP Tuyên Quang hiện là diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam. Chị chia sẻ dù các nghệ sĩ có dồn bao nhiêu tâm huyết thì sân khấu vẫn phải cần đến một yếu tố quan trọng nữa mới có thể hưng thịnh trở lại, đó chính là khán giả. Khi mà khán giả xem các vở diễn, nhất là các vở diễn sân khấu truyền thống mà không thể hiểu được những ngôn ngữ ước lệ, cách điệu thì họ sẽ không thể hiểu cái hay, cái đẹp của vở diễn dẫn đến không thích. Vậy thì chúng ta cần từng bước cho các em học sinh học và cảm nhận được kiến thức cơ bản của nghệ thuật sân khấu. Ngoài ra các trường phổ thông cũng nên thỉnh thoảng mời các đoàn nghệ thuật đến diễn, để các em vừa học lý thuyết nhưng cũng có trải nghiệm thực tế.

Khi trường Đại học Tân Trào tổ chức Giao lưu đêm thơ nhạc kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã thu hút đông đảo sinh viên, các em được lắng nghe câu chuyện rất đời của 2 tác gia nổi tiếng. Đặc biệt các em còn tự dàn dựng để tái hiện vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ. Từ đó khiến giới trẻ yêu thích và tìm hiểu môn nghệ thuật sân khấu hơn.

Tháng 11-2020, Nhà hát kịch Việt Nam từng đến Tuyên Quang biểu diễn vở kịch “Như thế là tội ác”. Buổi biểu diễn thu hút nhiều khán giả và nhận được liên tục nhiều tràng pháo tay sau mỗi cảnh diễn. Rõ ràng, nếu sân khấu thực sự sống cùng đời sống mang hơi thở cuộc sống thì ánh đèn sân khấu sẽ trở lại.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục