Vàng

Ông Khang mấy bận chống gối định bước lên thềm, lẫy bẫy mãi không lên được. Ông toan vứt gậy để bò. Ông Tặng trong nhà chạy ra:

- Ấy, bác để em đỡ cho, đã yếu đến nước này kia à.

Ông Khang thều thào:

- Đã ngoài tám mươi, còn sống được là phúc đấy.

Lên đến thềm, ông Tặng vẫn níu lấy ông Khang. Ông Khang phủi tay.

- Thôi, khỏi phải đỡ, đường bằng chẳng ngã được đâu. Thế mấy đứa con nhà cụ Tú có mời ông ăn cỗ không đấy?

- Có mời!

- Tôi đùn cho bà lão, bà lão lại đùn đẩy cho tôi. Một cái giỗ bố, ba đứa cúng. Ba đứa đều mời. Thật chẳng biết đến đứa nào, đừng đứa nào. Tôi sang đấy hỏi ông, đến nhà đứa nào tôi theo vậy.

- Vào nhà uống chén nước đã, ta bàn.

Hai cụ khề khà ngồi uống nước. Ông Tặng hỏi ông Khang:

- Thế ông đã định đến nhà đứa nào chưa?

- Đang phân vân, ông nhớ đận nó giỗ cụ Tú gái không. Tôi đến nhà thằng cả, nghĩ thế là hợp lẽ, ai dè hai thằng em không thấy tôi đến, gặp ở đường, nó không thèm chào nữa.

- Lần ấy, tôi cũng được chúng mời, nhưng bị ốm không đi được. Cho thằng cả đi thay, chẳng biết nó đến nhà đứa nào. Bây giờ thế đấy, đứa nào cũng được ăn học, hẳn hoi, mà cư xử chẳng ra làm sao cả. Ông bà Tú ngày xưa ăn ở, có đến nỗi nào mà con cháu lại đổ đốn ra như thế. Làm cho mình khó nghĩ quá. Chỗ anh em họ mạc, không đến e không được, mà đến chả biết chỗ nào nên đến chỗ nào đừng.

- Tất cả là do đồng tiền, phân bạc cả thôi. Cứ như anh em mình ngày trước, nghèo kiết xác, lo chạy ngày hai bữa cho con đã đủ khốn, dư thừa đâu mà tích cóp. Lớn lên, mạnh đứa nào đứa nấy làm, bố mẹ chẳng có đâu mà cho. Rốt cuộc lũ con ông, con tôi đều nên cơ ngũ cả.

Minh họa: Hồng kiều

Còn ông bà Tú, ruộng cả, ao liền, rừng, nương nhiều, có của ăn, của để. Vàng, bạc tích dần theo năm tháng. Con trai, con gái, nàng dâu đứa nào cũng được chia phần. Nghe đâu ông bà còn cây vàng, phòng khi tuổi già, lại đem cho chú út để chạy việc. Nghĩ câu của người đời giầu con út, khó con út, nghĩ nó chịu nhiều thiệt thòi. Ai đời thấy vậy thằng cả nổi đóa lên. Nghĩ mình là trưởng, phải được phần hơn, còn phải lo giỗ, tết, ma, chay, mồ mả. Thằng hai đòi chia đều, chẳng ai chịu nhịn, cứ thế cãi lộn, chửi bậy rồi lìa nhau.

- Vì đồng tiền, phân bạc anh em cắt đứt tình máu mủ, ruột thịt thật vô phúc quá. Việc thế họ cũng dám làm sao!

Ông Tặng thở dài, vẻ mặt đượm buồn.

- Một cây vàng bán giỏi lắm được vài chục triệu đồng. Nhìn cơ ngơi của anh cả, anh hai nhà ấy, nhà nào cũng gấp vài chục lần như thế. Nhà tầng, xe con tiền tỷ, chẳng phải bận tâm đến miếng cơm manh áo. Chỉ nghĩ đến chơi bời, ăn ngon, mặc đẹp. Mà lại tranh ăn với thằng em út, đi bộ đội về, còn đang chân nâng, mới tệ chứ.

Nhiều năm, có thấy chúng làm giỗ gì đâu, cứ nghĩ chúng đã hòa thuận rồi, gần đây lại thấy làm giỗ, lại đứa nào có bố, có mẹ đứa ấy cúng, không sợ người đời chửi cho à!

- Nghĩ chuyện đời thật lắm nhẽ, anh em mình già rồi, chả mấy nữa là đi. Cứ nghĩ con cái ở lại trên cõi đời này, sống với nhau như thế, giỗ tết để làm gì!

- Nhân nói chuyện vàng, tôi nhớ lại cái hồi còn trẻ. Năm nào cũng đi cầy thuê, cuốc mướn cho nhà Trưởng Đỉnh, giầu nhất làng. Ông có nhớ cái nhà ấy không?

- Nhớ chứ quên sao được.

- Câu chuyện tôi kể đây chắc ông không biết rõ. Mẹ bà Trưởng Đỉnh sinh con một bề, được bà Trưởng Đỉnh và cô con gái tên là Lệ Hoa, khi phương trưởng đi lấy chồng, đều vào cửa nhà giầu. Khi chồng chết, bà mẹ chỉ giữ lại ít ruộng, thuê người làm, và cái nhẫn vàng, chừng bốn, năm chỉ gì đấy, phòng khi về già. Còn bao nhiêu ruộng đều chia cho hai cô con gái.

Năm bà mẹ gần đất xa giời, hai cô con gái thay phiên nhau túc trực bên mẹ. Cô nào cũng chỉ nhằm vào chiếc nhẫn mẹ đang đeo, định giành lấy. Khốn nỗi, bà mẹ vẫn tỉnh, chưa quyết cho cô nào.

Thế rồi cái hôm bà mất, chiếc nhẫn không cánh mà bay. Cô nọ ngờ cô kia lấy, xỉa xói nhau ngay trước linh cữu mẹ. Đám tang mẹ trở thành đám cãi lộn. Ông chú họ phải đứng ra làm chủ tang lễ. Mẹ chết chưa được trăm ngày, họ bán sạch cơ nghiệp của mẹ, chia nhau từng đống tro, thúng trấu. Họ lìa nhau từ đấy.

Cái ruộng cửa đình được chia cho bà Trưởng Đỉnh, năm nào tôi cũng được thuê cầy bừa. Nhà giầu tham việc, trưa trật trưa trẹo bà chủ mới chịu ra thăm ruộng, tha cho thợ cầy.

Bận ấy, tôi đang bừa lượt cuối cùng lấy ruộng cấy. Đến đường cuối cùng, bà Trưởng Đỉnh đến chỗ tôi đon đả:

- Thôi, chú để tôi tháo trâu, lên đánh điếu thuốc lào, về ăn cơm kẻo muộn.

Tôi để cho mụ tháo trâu, cọ bừa. Thế ra, giầu có số thật, cả như tôi, đạp một nhát, cái nan bừa tụt xuống, cùng đám cỏ rác bám vào nan bừa, thì chiếc nhẫn mắc vào răng bừa, đâu còn nữa. Đằng này mụ lau chùi từng chiếc răng bừa một, gỡ từng cái rác ra, thành thử phát hiện ra chiếc nhẫn. Đúng là chiếc nhẫn của mẹ ngày trước.

Thế ra lúc mẹ hấp hối, chẳng có cô con gái nào ở cạnh. Bà phát phiền, vung chân, múa tay đánh văng chiếc nhẫn vào bếp lửa, vẫn đốt cho mẹ sưởi. Đống tro dọn xuống chuồng phân, rồi phân được đổ ra đồng.

Hơn mười năm, sự khúc mắc, nghi kỵ của hai chị em về chiếc nhẫn vàng mới được cởi tỏa. Họ trở lại làm lành khi đầu đã bạc, khi đã ném vào mặt nhau bao lời cay độc, không một chút tình người, lúc mẹ vừa tắt thở, mà cũng chẳng còn mặn nồng gì nữa.

Ngẫm ra, ở đời chả nên nói nhau quá lời, nếu còn ý định nhìn mặt nhau.

- Thế đấy, cứ nghèo như anh em mình lại hay.

- Ông nói thế nào, cứ nghèo mới sống tốt, chịu nghèo mãi sao!

- Nói vậy thôi, chán vạn người giầu vẫn sống tốt đấy thôi. Họ còn giúp được cho bao nhiêu người khác ấy.

- Tôi ngẫm sống trên đời phải có cái tâm, tôi bảo lũ con: Cho dù ăn ngon, hay ăn khổ cũng đầy dạ dầy thì thôi. Chứ tình cảm con người không ái dám bảo là no đủ rồi.

Ấm trà đã cạn, chuyện người già khó dứt, ông Tặng đành giục.

- Thế nào có đi ăn giỗ không đấy?

Ông Khang phân vân hỏi lại:

- Ý ông thế nào?

- Ông lại hỏi tôi. Thôi thế này ông ở lại đây chơi với tôi. Thằng cháu cả nhà tôi đi học sắp về. Cháu làm cơm, tôi với ông uống với nhau chén rượu, chẳng đi ăn cỗ nhà đứa nào hết, đỡ bận lòng, cũng đỡ bị trách.

Ông Khang nhận lời.

- Miếng ăn chẳng trọng bằng lời mời. Mời như thế có khác gì đánh đố nhau. Không đi là hay nhất.

Hai ông bạn già nhìn nhau cười, muốn rơi nước mắt.  

Truyện ngắn: Trần Huy Vân

Tin cùng chuyên mục