Thể diện

- Xóm núi có hơn chục nóc nhà. Người ta bảo đất này vốn là bãi đá công trường. Sau khi đoạn đường được tu bổ xong, những người công nhân sức khỏe yếu không theo được cái nghề đường bộ cực nhọc này đành ở lại. Xã cho tre pheo, vận động thanh niên trong chi đoàn cắt hộ ít cỏ tranh, cái xóm lán được lập ra từ ấy rồi từng nhà nhờ chịu khó làm ăn mà dần khang trang.

Vậy mà hôm nay xóm núi bỗng ồn ã. Thật ra chẳng có chuyện “trai trên, gái dưới” hủ hóa gì, cũng không hề có án mạng mà là người ta chột dạ nên đến xem. Chả là, cuối xóm, chỗ gần hốc đá là nhà bà Nhàn. Bà là vợ một liệt sỹ hy sinh ở mặt trận bảo vệ biên giới. May là họ đã kịp có với nhau hai cậu con trai. Đứa lớn là Thể, người trắng trẻo, cao gày, học khá, lớn lên thi vào trường sư phạm ở ngoài thị trấn. Nghe đâu Thể sắp được lên làm hiệu phó một trường vùng đặc biệt khó khăn.

Minh họa: Hồng kiều

Thằng em tên là Diện, vừa thấp đậm lại đen đúa, từ bé nó đã như một con trâu. Chỉ có điều chẳng biết có phải vì người cha bị ảnh hưởng chất độc trong chiến tranh không mà nó bị dị tật về phát âm. Đã hơn hai mươi tuổi rồi mà vẫn ú ớ như đứa trẻ chưa biết nói. Không nói được thì nó cũng chả dám đến trường. Từ bấy đến giờ đi làm thuê, ai thu hoạch ngô trên đồi, lúa dưới ruộng hay xẻ gỗ, đóng gạch, dựng nhà… và tất tần tật việc gì con trâu, con bò làm được thì Diện cũng làm được. Người nói năng không ra lời thì không thể bép xép chuyện nhà nào, không thể kỳ kèo giá cả, đâm ra ai cũng thích thuê Diện. Ấy thế mà sáng nay, có tin người ta bắt được Diện đêm qua chui rào sang bếp nhà hàng xóm lấy cắp vàng. Thôi thì đến cái nước này, nhà nào chả chột dạ, chót chủ quan với thằng tưởng củ mỉ, cù mì lại hóa ra gian manh.

Giữa đám người vây quanh, mép có tia máu chắc do bị ăn mấy cái bạt tai, Diện cúi gằm mặt. Mấy nay bà Nhàn thì về quê giỗ bố, Thể thì nghe đâu vừa vào trường sáng nay. Chỉ có con vàng bị buộc ở gốc cây cứ xủa ăng ẳng lên nhìn đám người vây kín sân, nhìn chủ bị người ta đánh. Có một ông nhanh nhảu:

- Hỏi thằng câm dở này làm gì? Giải nó lên công an xã. Bữa trước tôi bắt gặp nó cũng trèo lên cây nhãn ở bờ rào nhà tôi bắt tổ chim, khéo là rình mò gì cũng nên.

Giọng bà Nga bán nước oang oang:

- May nhá. Bà Phúc đúng là có phúc thật, lớ xớ thế nào lại vớ được thằng này đang cầm trên tay cái khăn mùi xoa thêu hình bông hoa cúc do chính tay con Hằng thêu. Cái khăn ấy bà Phúc dùng để gói cái dây chuyền với cái nhẫn vàng giấu trong bồ thóc dưới nhà kho. Nhà cửa tuyềnh toàng ai chả nghĩ giấu chỗ ấy kẻ gian không ngờ đến. Thấy bảo lúc hỏi nó còn giả đò ngô nghê.

Ông giáo Hải từ nãy đứng gần thằng Diện dùng tay hất hất cặp kính lão đã tuột xuống quá mắt hỏi thận trọng:

- Ngộ nhỡ nó nhặt được của kẻ cắp thì sao? Khổ, có biết nói đâu mà bảo nhận hay không nhận?

Bà Phúc đang là người mất của, nghe thấy có người còn chưa tin thì lại càng quả quyết. Nào là đã thấy cả vết chân của thằng Diện ở đầu gian bếp, nào là bắt tận tay nó đang mân mê cái khăn. Thằng Diện từ bé có cái tật, hễ cứ đi dép, đi giày là chân ngứa, mồ hôi tứa ra lúc nào cũng đi đất. Năm ngón chân to bè in trên nền đất. Mà kể ra, tất cả các nhà khác nếu muốn qua nhà bà Phúc đều phải đi vòng qua cổng, mấy con chó dữ chả lẽ lại để yên cho người lạ vào sao? Nhưng nếu từ phía nhà bà Nhàn vào thì đi thẳng qua gian bếp rồi mới đến nhà chính. Hơn nữa mấy nhà kia chỉ có người già và trẻ nhỏ, ngoại trừ thày giáo Thể vừa đi về trường sáng nay thì chỉ còn thằng Diện. Thể từ bé nhút nhát, kiểu thư sinh “trói gà không chặt”, giờ lại là thày giáo quần là, áo lượt ai cũng kính nể…

Thằng Diện và bà Phúc được mấy anh công an xã mời lên trụ sở làm việc được một lúc đám đông vẫn còn xôn xao bàn tán. Bỗng từ dưới chân dốc, một chiếc xe máy cà tàng nhả khói đen gằn lên mấy tiếng rồi dừng ở quán nước đầu cây đa cổ thụ. Dưới cái nắng hè cả chủ và khách đều uể oải, chỉ có mấy con ruồi là buồn bay vo ve. Rít xong điếu thuốc lào, thằng Kế hỏi bà Nga chủ quán:

- Nhà bác Phúc giờ còn ở đây không cô?

- Mày lâu chả ngó ngàng gì xóm cũ, bà ấy không ở đây thì ở đâu? Đấy! hai cái nhà bà Phúc và bà Nhàn vẫn ở chỗ chân núi kia kìa. Dạo này làm ăn tốt chứ?

- À ra thế… cô lạ gì cái thằng đi làm thuê như cháu đủ nuôi miệng là tốt rồi. Dạo này khách mua vàng giảm, loanh quanh làm mấy mẫu cũ cũng chán.

- Thì “ngồi lê thành thị…” như mày còn sướng hơn bọn ở đây, quanh quẩn chỉ trông vào trồng ngô, đi bò chả ăn thua.

- Cô cứ nói thế… đấy như anh Thể giờ khá đấy. Sáng nay cháu gặp… thôi cháu đi đây.

Trả tiền xong, Kế lại cưỡi con xe Star110 nhả khói lao lên đoạn dốc vào xóm. Nghe Kế nói mà Hằng sững người:

- Anh Kế có nhìn nhầm không?

Thằng Kế quả quyết:

- Khổ, tao là thợ kim hoàn, tao lạ gì. Chính tao đánh cho mẹ mày cái dây chuyền để mấy nữa cưới mày thì bà tặng. Thế nên thấy anh Thể đem bán tao đã sinh nghi. Mua bán vàng thì bình thường chả có gì lạ, nhưng đằng này cái dây chuyền mẹ mày đặt tao làm riêng tặng mày, chả lẽ lại túng bấn đến mức đi bán cho hàng xóm. Cái dấu hiệu trên dây ấy nhiều người nhìn qua không thể biết, chữ H khắc rất nhỏ.

- Anh Kế ơi, thế ông chủ của anh mua cái dây của em chưa?

- Thì lúc sáng ông ấy đi vắng. Mày lạ gì cái tính mê cờ tướng của ông ấy. Toàn dặn tao có khách thì ới một câu. Tao thấy nghi nghi nên không gọi ông ấy về. Thôi chết, cuối thị xã còn có một nhà mới mở bán vàng bạc, đá quý, khéo lão Thể đem bán thì sao?

Nói đến đây, Kế vội vã nổ máy xe, Hằng leo lên ngồi đằng sau, xe vội vã xuôi dốc về phía thị xã. Hai người quyết bám theo Thể để lần ra chân tướng sự việc.

Đến chập tối thì người trong xóm lại vây quanh quán nước gốc đa, giọng bà Nga lại oang oang:

- Đúng là lòng dạ con người, ai mà ngờ được.

Mọi người xúm quanh:

- Sao lại thế, hai năm rõ mười như thế còn gì? Thằng Diện ăn cắp còn gì?

Khi nghe bà Nga kể đầu đuôi sự việc, tất cả đều im lặng. Đúng lúc Diện lủi thủi đi về nghe thấy tiếng người ta nói. Nó ngồi thụp xuống tảng đá vừa buồn vừa xấu hổ. Nó không ngờ anh Thể được mẹ chắt chiu từng đồng nuôi ăn học, đến cả nó còn phải đập con lợn đất tiết kiệm từ tiền nhặt phân trâu bán để phụ giúp mẹ lo cho anh. Thế mà giờ người anh mà nó luôn tự hào lại sa vào con đường nghiện ngập. Đi dạy xa nhà, bị bạn xấu rủ rê, nghiện ngập lúc nào không hay. Người ta bảo gần đây mấy lần anh ấy khất các khoản tiền vay bạn bè, ai cũng nghĩ do nhà nghèo. Nhìn cái tướng thư sinh, trắng xanh, chả ai để ý đến sự sa ngã ấy. Đói ăn vụng, túng làm liều. Chính Diện đã để ý đi theo anh. Nhặt được cái khăn anh bỏ lại, nó chưa hiểu được anh ấy lấy chiếc khăn ấy để làm gì? Chắc anh ấy để ý theo dõi bà Phúc rồi. Sắp cưới con nhà nào chả sắm sửa trang sức làm của hồi môn. Hai nhà thân thiết lắm khi sang mượn mõ vật gì cứ im im chả cần đánh tiếng… Nó đang cầm cái khăn anh Thể vứt lại thì bà Phúc phát hiện ra… Ban đầu nó tưởng chỉ là chuyện cái khăn, ai ngờ cái dây chuyền anh Thể đã nhét vào túi ngay sau khi lục bồ thóc.

Từ ngày Thể thôi việc đi cai nghiện, Diện lại chịu khó nhận làm thêm nhiều việc hơn. Hình như người trong vùng này bảo nhau mách việc cho nó hay đấy là cách để họ ủng hộ mẹ con nó lúc khó khăn này không biết. Được cái Trung tâm cai nghiện ma túy của tỉnh hoạt động rất tốt, mấy lần đưa mẹ đi thăm anh Thể, thằng Diện thấy các cô chú rất thân thiện và nhiệt tình. Ngày đi làm, tối về được thày giáo Hải dậy kèm cho biết đọc, biết viết. Thày bảo cháu đã không nói được thì phải biết viết ra để mà khi cần còn thông tin, không là có ngày mắc oan, đọc để học điều hay, tránh điều xấu… Một hôm, thằng Diện đọc được ở một tập san tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội có bài viết về những người cai nghiện tốt trong trung tâm trong đó có anh Thể. Nó vừa đọc vừa khóc, miệng nó méo xệch để đánh vần bài báo, nước mắt rơi thâm ướt cả trang giấy. Bỗng nó ngẩn người ra… Thôi đúng rồi, khi xưa cha mẹ đặt tên nó là Diện, anh là Thể, chỉ có hai anh em cùng cố gắng mới lấy lại thể diện của gia đình, cho bản thân trước xóm núi, trước cả xã cả huyện này. Có thể diện mới lấy lại được niềm tin của mọi người. Trong lòng nó lúc này thấy lâng lâng một cảm xúc rất lạ…

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục