Phóng viên tác nghiệp tại lễ khởi công đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn.
Làm chủ công nghệ
Mấy năm trước, tôi vinh dự được cơ quan phân công tháp tùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi công tác nước ngoài. Do điều kiện hạn chế người đi nên yêu cầu đặt ra với tôi là không chỉ làm tin, ảnh cho báo mà phải có video đăng tin trên mục thời sự Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo Tuyên Quang điện tử.
Nhận nhiệm vụ, tôi vừa mừng vừa lo. Tôi phải khám phá, tập dượt làm chủ được chức năng quay video của điện thoại sao cho có khung hình tốt nhất, chất lượng hình ảnh đảm bảo, thao tác quay phải thành thục. Nhờ đó, trong suốt chuyến công tác tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình vừa đưa tin bài trên báo nhà một cách nhanh nhất có thể, đồng thời chuyển tải kịp thời video clip các hoạt động của đoàn công tác tỉnh sau mỗi chương trình làm việc trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang điện tử. Sau chuyến tác nghiệp đó, bài học rút ra quan trọng nhất đối với tôi là phải có sự chuẩn bị tốt về thiết bị, chủ động phương án truyền tải dữ liệu qua internet, nghiên cứu kỹ các nội dung của chương trình làm việc để chủ động các tình huống trong quá trình tác nghiệp.
Phóng viên Báo Tuyên Quang Online sản xuất chương trình trực tiếp tại Chương trình hòa nhạc kỷ niệm 132 năm Ngày sinh
Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang).
Thời gian gần đây, Báo Tuyên Quang thực hiện cập nhật trực tuyến các sự kiện quan trọng của tỉnh như các hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh, họp HĐND tỉnh... đòi hỏi êkip thực hiện chương trình phải luôn cố gắng thông tin nhanh nhất có thể. Do vậy, chúng tôi phải áp dụng những phần mềm hỗ trợ chuyển giọng nói, tài liệu thành văn bản; phần mềm để chuyển tải hình ảnh nhanh nhất. Nhờ đó, những thông tin sự kiện được Báo Tuyên Quang điện tử truyền tải gần như tức thời giúp cho các đại biểu nhận, tương tác được ngay thông tin phản hồi từ độc giả, đây chính là niềm vui của cả êkip thực hiện.
Phóng viên Quốc Việt vận hành thiết bị flycam.
Đối với chúng tôi, làm báo hiện đại là phải đầu tư nâng cao chất lượng về hình ảnh trực quan, điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu bạn đọc mà còn là cách cho bạn đọc thấy tờ báo đã không ngại thay đổi để phát triển nhanh. Vì vậy, buộc đội ngũ phóng viên chúng tôi phải liên tục cố gắng, thấy được định hướng công việc phải làm đầu tư thiết bị, vận dụng ứng dụng các công nghệ hiện đại vào tác nghiệp. Bên cạnh có nền tảng website hiện đại, chúng tôi còn học cách trình bày đẹp mắt, ở nhiều định dạng bài long-form, mega-story, infographic, e-magazine… Công nghệ luôn biến đổi từng ngày vì thế các đồng nghiệp của tôi buộc phải học hỏi, tìm tòi ở nguồn tin khác nhau, kể cả các diễn đàn chuyên ngành, mạng xã hội. Gắn lý thuyết với thực tế để việc ứng dụng giải pháp công nghệ đó được hiệu quả và bền lâu.
Thanh Phúc
Học từ cái dễ
Vốn được đào tạo chuyên ngành báo ảnh, khi về tòa soạn làm việc lại chủ yếu làm báo in, nên khi quá trình chuyển đổi số trong tòa soạn được Ban Biên tập đẩy mạnh, những phóng viên “truyền thống” như chúng tôi không khỏi lúng túng.
Các tác phẩm báo chí đa phương tiện xuất hiện trên Báo Tuyên Quang từ khoảng năm 2019. Khi ấy, anh em phóng viên chủ yếu phụ trách phần nội dung, phần thiết kế đều phải nhờ các kỹ thuật viên của phòng Báo Tuyên Quang điện tử.
Nhưng mỗi ngày, phần việc bên Báo Tuyên Quang điện tử nhiều hơn, yêu cầu đối với các phóng viên cũng ngày một cao hơn, đòi hỏi chính bản thân chúng tôi phải tự học hỏi, tự hoàn thiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện từ A đến Z.
Một trong những thể loại đa phương tiện mà nhiều anh chị em phóng viên ưu tiên thực hiện nhất là Emagazine - có lẽ vì nó dễ thực hiện và ít thao tác kỹ thuật hơn so với Truyền hình, phát thanh.
Phóng viên Hoàng Niềm (người đeo khẩu trang) trong chuyến đi tác nghiệp ở Lâm Bình.
Tôi nhớ có lần trong một cuộc họp nói về việc phóng viên “ngại” thử sức với thể loại báo chí đa phương tiện, tôi đã “mạnh miệng” nhận trước Ban Biên tập là sẽ động viên anh chị em trong phòng tham gia vào thể loại này, và bản thân tôi, mỗi tháng sẽ đăng ký hoàn thành ít nhất 1 tác phẩm Emagzine.
Những phần mềm đơn giản nhất được anh chị em phóng viên truyền dạy lại cho nhau, như Figma, Canva... Tuy nhiên, vì đều là những phần mềm đơn giản, bản thân nhiều phóng viên lại không có kỹ thuật cao nên nhiều tác phẩm Emagazine sau khi hoàn thành được nhận xét là “mang hơi hướng của sản phẩm báo chí thập niên 90 của thế kỷ trước”.
Rất may sau đó, Ban Biên tập Báo Tuyên Quang đã quyết định mua bản quyền phần mềm trực tuyến Shorthand để phóng viên thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm. Việc trình bày các tác phẩm báo chí đa phương tiện nhờ thế cũng thuận lợi hơn, giao diện và màu sắc hiện đại hơn.
Cam kết mỗi tháng hoàn thành ít nhất một tác phẩm báo chí đa phương tiện, đến thời điểm này cơ bản vẫn đạt kế hoạch. Và mỗi ngày, chúng tôi đều cố gắng học hỏi từ Internet, từ các báo bạn để hoàn thiện hơn các tác phẩm của mình. Với hy vọng, “trăm hay không bằng tay quen”, càng làm sẽ càng nhuần nhuyễn, thành thục và ổn định hơn.
Trần Liên
Một lần đi thăm rừng nghiến nghìn tuổi
Một lần, tôi được Tổng Biên tập giao đi công tác tại huyện vùng cao Na Hang. Chuyến đi có một số phóng viên trẻ trong Tòa soạn, anh em háo hức lắm.
Để chuyến đi có hiệu quả, lãnh đạo huyện Na Hang trực tiếp giao cho Cán bộ Hạt Kiểm lâm Na Hang dẫn đoàn đi. Thuyền máy đưa chúng tôi rời bến thủy Na Hang chạy khoảng 30 phút đã tới Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng đóng trên lòng hồ. Cả đoàn hồ hởi lên bờ đi thăm quần thể nghiến nghìn tuổi ở khu vực này. Vừa đi các anh vừa nói chuyện về nghề, về rừng để các phóng viên hiểu được phần nào công việc vừa khó khăn, vừa vất vả.
Đi quá nửa đường ai cũng mệt, mồ hôi nhễ nhại, nhưng không ai nghĩ mình bỏ cuộc. Mục đích được tận mắt chiêm ngưỡng những cây nghiến nghìn tuổi là mục tiêu phấn đấu. Băng qua khu rừng có độ đa dạng sinh học cao, mọi người vỡ òa khi trước mặt là những cụ nghiến sừng sững với bộ rễ “khủng” bám chặt vào vách đá.
Nắng buổi trưa xuyên qua tán lá cao chót vót, nhiều tầng càng làm lộ vẻ uy nghi của những thân cây nghiến mấy người ôm không xuể. Quả thật đây là lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi lên rễ gốc cây nghiến to cao đến vậy. Thân vỏ cây nghiến xù xì, mầu sắc loang lổ rất đặc trưng. Một đồng chí kiểm lâm chỉ cho đoàn xem loài hoa phong lan vẩy rồng đang bám chặt trên cành nghiến khúc khuỷu nở hoa vàng rực. Khung cảnh rừng nguyên sinh trở lên lãng mạn hơn bao giờ hết. Đoàn lân la từ cây nghiến này sang cây nghiến khác mà quên hết mệt, vì mỗi cây lại là một hình thù, tư thế, vẻ uy nghiêm khác nhau.
Tác giả bài viết (ngoài cùng) cùng cán bộ kiểm lâm Na Hang.
Có lẽ quá say mê chụp ảnh với quần thể nghiến nghìn tuổi mà không ai thấy đói bụng. Hạt trưởng Kiểm lâm Na Hang nhìn đồng hồ giật mình, anh thông báo với đoàn phải “thu quân” nhanh để còn lên Khau Tinh kịp ăn cơm trưa. Cả đoàn tức tốc xuống núi mà trong lòng còn nhiều lưu luyến. Công nhận xuống núi nhanh hơn leo lên, song đầu gối cứ chụn lại, mỏi nhừ vì một quãng đường dài.
Khi xuống được tới thuyền, mấy phóng viên nữ mặt tái mét, nằm vật ra sàn thuyền. Thuyền máy tăng tốc nhằm hướng sông Năng lên bến thủy thôn Bản Lãm, xã Khau Tinh thẳng tiến.
Quá buổi chiều đoàn tiếp tục thăm, khảo sát quần thể những cây nghiến nghìn năm tuổi ở thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh. Quần thể nghiến ở đây khá gần vườn của dân, đi lại thuận lợi.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh Lê Hữu Thể, thôn Khau Phiêng chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Từ bao đời nay, tục cúng thần rừng, giữ rừng là nét văn hóa lâu đời của bà con. Chính vì vậy mà quần thể nghiến nghìn năm tuổi được giữ gìn nghiêm ngặt đến tận ngày nay. Nếu có hướng tốt, đây sẽ là một tour du lịch hấp dẫn trong tương lai. So với những cây nghiến ở khu vực Bắc Vãng sáng đi, thì quần thể nghiến ở Khau Phiêng còn đồ sộ hơn. Dù vẫn còn tha thiết chụp ảnh, nhưng đoàn phải chia tay xuống núi trước khi trời tối, cơn mưa dông ập tới.
Riêng chuyến đi này, tôi được Tổng Biên tập gợi ý viết một bài phóng sự về “Những cây nghiến nghìn tuổi”. Đúng là đi thực tế bài viết bao giờ cũng sinh động, giàu cảm xúc. Sau này có thêm tư liệu tôi lại viết thêm một bài “Khau Tinh - bán đảo du lịch”. Được mang thông tin bổ ích cho bạn đọc, những người làm báo chúng tôi tuy vất vả song thấy rất vui, say sưa, tâm huyết với nghề mình đã chọn.
Ghi chép: Quang Hòa
“Sóng chảy ngược, tin, bài về xuôi
Trong những chuyến công tác ở vùng cao, cảnh bám bản, leo đồi để hứng sóng đã không còn nữa bởi giờ đây internet, wifi gần như đã phủ sóng khắp những thôn khó khăn, xa xôi nhất trong tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ nhà báo, phóng viên tác nghiệp nhanh, thông tin về sự kiện gần như tức thời với sự kiện diễn ra…
Thời gian qua, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão đã tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực. Đối với nhà báo, phóng viên lại càng không thể ngoài cuộc mà phải luôn đi đầu đổi mới. Thiết bị nào về bắt mạng, kích mạng, kết nối đường truyền mới “ra lò” là cánh chúng tôi cố mua bằng được dù mất cả tháng nhuận bút. Thế nhưng, công nghệ mới phải đi kèm với hạ tầng thông tin phát triển đồng bộ nếu không chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Những chuyến công tác vùng cao, phóng viên Huy Hoàng phải "hứng" sóng wifi để chuyển tin, bài.
Nhớ chuyến công tác hơn chục năm trước khi đường vào xã Sinh Long (Na Hang) lởm chởm đá giống như lòng suối chứ chẳng sướng như đi “cao tốc Sinh Long” bây giờ, vào tới nơi đã quá buổi trưa. Ngay lập tức tôi rút chiếc điện thoại đời mới ra nhân tiện kiểm tra chiếc USB Dcom 3G kết nối thử để tiện chuyển tin bài qua email. Nhưng đến sóng điện thoại còn chẳng có thì lấy đâu ra 3G mà liên lạc, điện thoại, thiết bị mới khi ấy đúng nghĩa là “cục gạch”. Ở Sinh Long 2 ngày, mọi việc xong xuôi ra đến trung tâm khu C vừa có sóng tôi gọi điện về nhà thì vợ mắng té tát vì tôi đi công tác mà quên “báo cáo” vợ. Vợ tôi còn nói vui, suýt chút nữa thì cô ấy đăng tin tìm người mất tích, còn việc nộp bài cho cơ quan bị chậm, bài phải để đến số sau.
Lại nhớ đến một lần gần đây khi tôi và đồng nghiệp Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin về hoạt động kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở một xã vùng sâu, vùng xa của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, do thời gian gấp, không có quãng nghỉ nên chúng tôi gõ tin, bài, dựng video ngay trong quá trình xe lăn bánh trở về thành phố. Tin, ảnh đã xong xuôi tôi chuyển ngay về tòa soạn qua hệ thống phần mềm nộp tin, bài trực tuyến của cơ quan, nhưng chiếc đồng hồ cát cứ xoay xoay liên tục do mạng ở vùng xa khá yếu, đợi mãi khi đi đến đoạn đường đèo thì mạng bỗng nhiên đứt “phựt” đi. Cuối cùng mất gần 1 tiếng đồng hồ tôi mới hoàn thành công việc của mình. Khi nhìn sang đồng nghiệp nhà đài mặt nhăn nhó bởi dung lượng video truyền về lớn gấp nhiều lần so với ảnh nên đành phải chờ về trung tâm huyện mới truyền được.
Thế mới thấy công nghệ thông tin, việc “chuyển đổi số” thì nghề báo là những người không thể đứng ngoài cuộc mà luôn phải tiên phong ứng dụng ngay một cách nhanh nhất. Mặc dù hiện nay, cả nước, toàn tỉnh đang thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Mỗi nhà báo phải luôn cố gắng đổi mới để đáp ứng được công việc bởi nếu không sẽ bị tụt hậu không đáp ứng được sự cạnh tranh về thông tin cũng như tính thời sự trong báo chí.
Huy Hoàng
Gửi phản hồi
In bài viết