Miền sương khói yên bình
Trần Thái là một trong vài họa sỹ tiêu biểu với lối vẽ ấn tượng, đặc trưng. Sở hữu kỹ thuật tốt và làm chủ hoàn toàn vật liệu đã giúp ông cảm và vẽ một cách thanh thoát.
Sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang và có thời gian dài công tác tại Đoàn ca múa kịch Hà Tuyên (nay là Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh), Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, là họa sỹ trình bày báo Tân Trào, năm 2011, hoạ sỹ Trần Thái cùng gia đình chuyển về Hà Nội và công tác tại Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Dù có xưởng vẽ nhỏ ở Hà Nội nhưng dường như tâm hồn ông luôn hướng về nơi mình sinh ra. Với ông, đó là miền sương khói yên bình để tâm hồn ông được tĩnh lặng trước cuộc sống xô bồ, bon chen nơi phố thị phồn hoa.
Họa sỹ Trần Thái.
Những tác phẩm như: “Ngày mơ”, “Chợ phiên”, “Mẹ con”... làm rung cảm bao người xem. Người yêu hội họa dễ dàng nhận ra hình ảnh phong cảnh miền núi thân thuộc, đẹp vẻ đẹp giản dị, nguyên sơ, con người hiền hòa, thân thiện. Đó là sự hùng vĩ của bóng núi xám, bầu trời cao rộng, rặng cây xanh, con đường sơn cước vắng vẻ, sắc màu thổ cẩm, những người dân tộc Dao đỏ, người Mông... Tất cả tạo nên một không gian đậm chất núi rừng Việt Bắc, mà ở đó hình ảnh đồng bào dân tộc với trang phục đặc trưng luôn là trung tâm.
Bạn bè trong giới hội họa thường nói, con đường đi của Trần Thái thật rõ nét và đã được định hình một cách nhanh chóng, những tác phẩm nhìn một lần có thể nhận ra cái phong thái riêng biệt. Họa sỹ Đỗ Đức (Hà Nội) từng chia sẻ rằng, đó là nét huyền ảo nơi bản làng, có tình yêu cuộc sống với lối biểu hiện riêng biệt, rất ma mị với gam màu xanh núi, một ánh sáng vàng, quý như vàng mà không có thật, le lói như xói vào lòng người xem nhưng để biểu cảm tâm hồn thì tuyệt vời, không lẫn với ai.
Trong góc sáng tạo và tiềm thức của mình Trần Thái luôn dành sự ưu ái vẽ về người phụ nữ, vẽ về tình yêu mẫu tử, tình yêu lứa đôi. Với mảng đề tài này đã làm nên một vệt sáng trong hành trình nghệ thuật của ông. Đến với tác phẩm như: “Lên nương”, “Giã cốm”, “Trên núi”… Trần Thái khắc họa người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó làm lụng quanh năm, việc đồng áng, chăm sóc gia đình. Vất vả mệt nhọc thế nhưng ở họ vẫn toát lên niềm vui, nụ cười hạnh phúc, tinh thần lạc quan. Đến với “Mẹ bồng con”, “Mẹ và con”… người xem như an yên hơn với sắc màu dịu hiền, tươi sáng của người mẹ trẻ và những đứa con thơ quấn quýt bên nhau, dành cho nhau ánh mắt, cử chỉ thật ngọt ngào, ấm áp.
Điều đặc biệt, Trần Thái đã khéo léo và sáng tạo trong từng nét vẽ. Ông mượn màu sắc trong trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc để pha trộn hài hòa, tạo nên sự ma mị và lôi cuốn. Đó chính là nét riêng mà nhiều họa sỹ trẻ đương đại ao ước muốn học hỏi.
Mỗi bức tranh là một câu chuyện
Trần Thái thừa nhận rằng: “Quê hương miền núi Tuyên Quang là nguồn cảm hứng bất tận, luôn là miền ký ức hội họa êm đềm, trong sáng trong tôi”. Là người con của xứ Tuyên, họa sỹ Trần Thái tri ân quê nhà bằng hàng loạt tác phẩm ấn tượng. Người xem thấy ẩn hiện trong mỗi tác phẩm là những bộ trang phục dân tộc, nét sinh hoạt đặc trưng. Hình ảnh về những buổi chợ phiên miền núi khiến ông có xúc cảm đặc biệt, trở thành nỗi day dứt, khắc khoải để tạo nên nhiều tác phẩm mang tựa đề “Chợ”, “Những người đàn bà ra chợ”, “Chợ miền núi”, “Chợ Chiêm Hóa”.
Tác phẩm “Xuống phố” của họa sỹ Trần Thái.
Hòa trong không khí rộn ràng tươi vui của một buổi chợ phiên ở miền quê với hình ảnh từng tốp người đi mua sắm, những hàng hóa thực phẩm bày bán: Vuông vải thổ cẩm, đôi lợn con, nụ cười hạnh phúc của trẻ người Mông, người Dao… Điều ông muốn gửi gắm trong các tác phẩm về chợ miền núi không đơn thuần là hoạt động giao thương buôn bán rộn ràng, tấp nập mà ở đó còn có sự gắn kết tình cảm giữa người với người. Những người phụ nữ quan tâm, ngắm nghía sửa sang trang phục cho nhau, họ làm đẹp để tự tin trong buổi chợ phiên. Người xem cảm nhận được giữa không gian chợ rộng lớn vẫn có sự gắn kết, tình cảm làm cho tác phẩm trở nên ấm áp, gần gũi hơn.
Có gì thật dịu dàng, mê hoặc khi ta ngắm nhìn những bức tranh đời sống người miền núi của Trần Thái. Sự chuyển động bình yên từ mỗi khuôn mặt; vẻ đẹp thanh tú từ dáng hình em bé gái, thiếu nữ đôi mươi; nét hồn hậu, nguyên sơ trong nụ cười đàn ông, đàn bà Mông, Dao… Từ họ tỏa ra một sự ấm áp lạ lùng. Đến nỗi nhìn tranh, ta không thể không yêu lấy cuộc đời mình đang sống, cảm thấy cần trân trọng và tha thiết với nhau hơn.
Tranh của họa sỹ Trần Thái không chỉ gây ấn tượng bởi những nét vẽ tỉ mỉ, sáng tạo về đồ vật, trang phục truyền thống mà còn bởi màu sắc và hình ảnh độc đáo. Cũng chính vì thế mà tác phẩm của ông nhận được sự yêu thích và đồng cảm của người thưởng thức ở các lứa tuổi khác nhau.
Đến với dòng tranh về đề tài văn hóa truyền thống qua tác phẩm “Ngày cấp sắc”, “Mùa thổ cẩm”, người xem như lạc bước vào không gian bình yên, tuyệt đẹp và cũng đầy huyền bí của con người vùng cao qua gam màu vừa trầm ấm vừa tươi sáng, rực rỡ. Tác phẩm được tái hiện từ tư liệu trong những chuyến đi thực tế ở Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình... Ông thường mượn màu sắc trong trang phục người Dao, Mông, Tày để thể hiện bút pháp tạo nên không gian hội họa cuốn hút và có chút ma mị đến lạ kỳ. Ở bất cứ tác phẩm nào, người xem cũng dễ dàng nhận ra bút pháp cô đọng về ý, nét tinh giản về hình, vẻ đẹp dịu dàng nên thơ, trong trẻo như một cuộc dạo chơi lãng đãng.
Cũng là một người vững vàng về hình họa nhưng ông ưa chuộng diễn hình bằng đường nét trữ tình, uyển chuyển như trang trí của dân tộc. Ông không định tả mà chú trọng vào gợi tả, cái thần tình ở ông có khi chỉ là vài đường nét cũng làm bừng lên cái tình miền núi và dân tộc.
Có thể nói họa sỹ Trần Thái là người có duyên “kể chuyện” dân tộc miền núi bằng hội họa. Qua tranh của ông, người xem hiểu được nét phong tục, tập quán của người Dao, Mông, Tày… giữa một vùng núi non Việt Bắc hùng vĩ. Đối với ông, đó là nguồn chất liệu phong phú, nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn, là chất men tạo nên sự thăng hoa cho người họa sỹ.
Gửi phản hồi
In bài viết