“Ngôn ngữ riêng” của chất liệu giấy dó
Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ cây dó ở trên rừng, được người dân thu về, giã thành bột. Tuy nhiên, loại bột này dễ hòa tan trong nước, nên giấy làm ra rất nhanh hỏng. Vì vậy, người làm giấy phải giã thêm con điệp, quét lên mặt giấy tạo độ sáng, độ dai cho loại giấy truyền thống này.
Giấy dó có đặc điểm nhẹ, dai và bền. Nghề làm giấy dó ở Việt Nam có từ cách đây hàng ngàn năm và là chất liệu được dùng chủ yếu để in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, in tranh dân gian, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Để làm chủ được việc vẽ tranh trên giấy dó là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người vẽ một bút pháp vững vàng để ngay khi đặt bút đã phải có được nét vẽ dứt khoát, chính xác, chuẩn chỉnh ngay từ nét màu đầu. Bởi lẽ, dù dùng mực Tàu hay màu nước, khi chạm mặt giấy dó mỏng manh, sẽ tạo độ loang màu khó kiểm soát. Không phải ngẫu nhiên khi những họa sỹ theo đuổi dòng tranh này vẫn thường đùa nhau “may hơn khôn”, “được ăn cả, ngã về không” để nói về loại chất liệu rất khó chinh phục này trong nghệ thuật hội họa.
Họa sỹ Lương Ánh Hiện.
Ở Tuyên Quang, cố họa sỹ Văn Làn, cố họa sỹ Mạnh Đức đều từng thể hiện thành công các tác phẩm mỹ thuật trên chất liệu giấy dó, tiếp nối mạch nguồn đó, một họa sỹ tiếp tục chinh phục chất liệu “khó tính” này là nữ họa sỹ Lương Ánh Hiện. Chị Hiện là cô gái Tày Lạng Sơn, về làm dâu Tuyên Quang, hiện gia đình chị đã chuyển về sinh sống tại Hà Nội.
Họa sỹ Lương Hiện học Mỹ thuật tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), sau đó chị tiếp tục học Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm của chị được biết đến nhiều hơn ở dòng tranh lụa nude, nó mềm mại, mộc mạc như tính cách con người chị với những tên tác phẩm nghe rất mộc, rất thơ “Chiều bên dòng Lô”, “Nghe dòng sông hát”, “Bông hồng đỏ”, “Chiếc ghế xanh”, “Chùm nhót chín”, “Buổi chiều”, “Mùa đông”, “Phố”…
Hồn Dó thời hiện đại
Họa sỹ Lương Ánh Hiện “chạm ngõ” chất liệu giấy dó từ việc vẽ bưu thiếp trên giấy dó bán cho khách du lịch để mưu sinh. Những tác phẩm của chị về sau này thiên về lụa. Họa sỹ Lương Hiện đã có 14 bức tranh trên chất liệu giấy dó, là bức “Phong cảnh vùng cao”, “Lễ hội tình yêu” và chùm 12 tranh với tựa đề “Phố”. Chị bảo, mình rất ấn tượng với chợ tình vùng cao, nơi mà “người xưa” được phép tìm về gặp gỡ nhau một đêm mà không bị vợ, chồng hiện tại ghen tuông. Với cách thể hiện khác biệt, bức tranh “Lễ hội tình yêu” trên giấy dó của chị đã xuất sắc đạt Giải Nhì, không có Giải Nhất của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2019.
Chị Hiện bảo: vẽ trên giấy Dó khó, nó không đi theo mong muốn của mình, khi đưa màu lên nó bị nhòe loang, tạo hiệu ứng bất như ý, chỉ có hai thành phẩm: một là đẹp, hai là vứt đi. Muốn “chơi” với giấy dó, phải hoàn toàn làm chủ được nét vẽ, mạch nào phải chính xác, dứt khoát, quyết đoán ngay mạch đó. Nếu không, bạn sẽ không có cơ hội sửa chữa nữa.
Chùm tranh giấy dó.
Mới gần đây nhất, chị đã vừa hoàn thiện một chùm 12 tranh về “Phố” trên chất liệu giấy dó. Một “phố” cổ kính, tĩnh tại với những ngõ nhỏ, phố nhỏ, những hàng cây khẳng khiu giữa thu đông hao gầy, nhưng dường như vẫn đủ để “liêu xiêu” một câu thơ. Không chỉ những mái ngói rêu phong trầm mặc cùng năm tháng thời gian mà xuất hiện xuyên suốt ở cả 12 bức tranh của chị là sắc độ của những hàng cây thay lá. Từ lá xanh, lá vàng đến cây bàng mùa đông lá đỏ như những nét điểm xuyết, chấm phá giúp người xem cảm nhận rõ nhịp hải hà mùa trôi. Một sự hòa trộn giữa không gian, thời gian là điểm nổi bật trong chùm tranh “Phố” của họa sỹ Lương Hiện.
Cảm nhận về tranh Lương Ánh Hiện trên chất liệu giấy dó, họa sĩ Dương Xuân Quyền, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, phân hội Tuyên Quang, giảng viên Mỹ thuật trường Đại học Tân Trào chia sẻ: Tranh trên giấy dó của họa sĩ Lương Ánh Hiện mang đến cảm giác mơ màng, êm ái, những nét màu dạo chơi trên giấy dó với hình ảnh làng quê, phố phường, hay hình ảnh người dân miền núi hiện lên tươi mới, hòa sắc theo tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Khi màu chạm mặt giấy, tạo độ loang theo chủ định của người vẽ, ngắm nó rất thú vị, vừa phá cách, mang hơi thở cuộc sống đương đại, vừa truyền thống, tạo nên sức hấp dẫn rất riêng trong tranh Lương Ánh Hiện.
Hiện nay, người trẻ ở các đô thị lớn lại yêu thích tìm về nét đẹp của nghề làm giấy dó và tôn vinh những nghệ nhân gắn bó với chất liệu độc đáo này. Không chỉ vẽ tranh, thư pháp, những người trẻ đang nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng cho ra đời nhiều sản phẩm sinh động có tính kinh tế từ giấy truyền thống, làm các phụ kiện xinh xắn từ giấy dó như vòng tay, hoa tai, đèn lồng, móc chìa khóa…
Em Bùi Ngọc Anh, Đại học Tiểu học BK9, trường Đại học Tân Trào cho biết: khi tìm hiểu về chất liệu giấy thủ công truyền thống đang được ưa chuộng này, em hiểu hơn về lịch sử và cách làm giấy dó, cách thể hiện thư pháp trên chất liệu này, nhưng thú vị hơn cả là những ứng dụng đa dạng của nó, giấy dó có thể sáng tạo nên muôn hình vạn trạng những vật phẩm xinh xắn, đáng yêu chứ không đơn thuần chỉ dùng để vẽ tranh.
Hy vọng một không gian kết nối những người trẻ yêu văn hóa truyền thống, mang hơi thở, tinh thần văn hóa Việt Nam sẽ xích lại gần nhau, cùng giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hy vọng giấy dó trong tương lai sẽ không biến mất, mà sẽ được bảo tồn, phát triển và trở thành một phần thân thuộc trong nhịp sống sinh hoạt đương đại.
Gửi phản hồi
In bài viết