Không chỉ trình bày những kiến thức chuyên sâu về các loài thực vật, Michael Pollan còn chứng minh và soi sáng quan điểm con người và cây cối luôn gắn bó với nhau trong mối quan hệ tương hỗ. Mở đầu cuốn sách, tác giả kể câu chuyện về người nông dân huyền thoại của nước Mỹ - John Chapman - là một nhà cách mạng nhưng cũng là một người làm vườn.
Ông có niềm đam mê bất tận với các loại cây táo và được mệnh danh là người tiên phong trồng táo. Những năm 1830, ông đã đi chu du và vận hành một chuỗi vườn ươm hạt táo trải dài khắp các bang của nước Mỹ. Thế rồi năm 1845, ông qua đời và để lại khối tài sản kếch xù. Từ câu chuyện về John Chapman, tác giả cuốn sách đã diễn tả đậm nét về đặc tính tiến hóa của cây táo - vị ngọt. Tác giả cho rằng, cây cối không đơn thuần chỉ là sinh vật mà nó còn rất gần gũi với con người và có thể điều khiển cảm xúc của con người.
Đánh giá về cuốn sách “Khát khao cây cỏ”, Tạp chí New York Times Book Review nhận xét: “Vốn tri thức sâu rộng, tài nắm bắt nhanh nhạy về sinh học tiến hóa và thêm chút cá tính nổi loạn đã thúc đẩy Pollan “đào bới” những quan điểm đầy mâu thuẫn. Ông cũng có lối viết thật lung linh, sắc bén và biệt tài tìm kiếm lời trích dẫn hoàn hảo tại nhiều nơi chốn lạ lùng”.
Michael Pollan là người Mỹ gốc Do Thái, ông là một nhà văn và nhà báo nổi tiếng về các chủ đề liên quan đến thực phẩm, ông là tác giả của nhiều cuốn sách đã được xuất bản, bao gồm Food Rules - Ăn uống đúng cách và Nào tối nay ăn gì, đều là những cuốn sách bán chạy.
Bên cạnh vai trò là một tác giả có đóng góp lâu dài cho tạp chí New York Times, ông còn giảng dạy tại Harvard và Đại học California, Berkeley. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu về công trình của mình, cũng như đã xuất hiện trong nhiều phim tài liệu dựa trên các cuốn sách của ông. Ông được coi là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực ẩm thực, sức khỏe và môi trường.
Xuyên suốt cuốn sách “Khát khao cây cỏ”, tác giả chỉ ra phương thức để con người bày tỏ lòng quý trọng đối với tự nhiên. Bởi theo Michael Pollan, chỉ có quý trọng, bảo vệ tự nhiên và môi trường sống thì chúng ta mới cảm nhận được âm thanh, sắc màu, hương vị đẹp đẽ của cuộc đời, giúp mỗi chúng ta sinh tồn trong nhịp điệu hài hòa của thiên nhiên.
Gấp lại cuốn sách “Khát khao cây cỏ”, trong mỗi chúng ta đều cảm nhận được những dư âm ngọt ngào, đẹp đẽ nhất không chỉ trong ngôn từ, cách kể chuyện trang nhã của Pollan mà còn từ chính sức sống nội tại đầy mãnh liệt của cây cỏ, để rồi mỗi chúng ta từ sự quan sát, lắng nghe thế giới cây cỏ xung quanh sẽ góp đôi tay đắc lực trong việc phục hồi hệ sinh thái bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết