Tìm mình trong điêu khắc

- Nhà điêu khắc Vũ Mạnh Hoàng, sinh năm 1983, tại phường Ỷ La, TP Tuyên Quang. Khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống thường nhật, nhà điêu khắc Vũ Mạnh Hoàng vẫn âm thầm sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, âm thầm thổi hồn vào gỗ, đá để làm đẹp cho đời.

Nghệ thuật đặc biệt…

Nghệ thuật điêu khắc là một loại hình nghệ thuật kỳ diệu, sử dụng bàn tay và khối óc của con người để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động. Giới phê bình nghệ thuật thường nhận xét, nghệ thuật điêu khắc mang lại nhiều giá trị về cả vật chất và tinh thần nhưng điêu khắc là bộ môn lao động nghệ thuật nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ nên cũng rất kén người đam mê nó.

Thế nhưng niềm đam mê cũng như tố chất hội họa, điêu khắc được ươm mầm trong Vũ Mạnh Hoàng ngay từ khi còn nhỏ. Ngày bé, anh gắn sở thích của mình với các trò chơi dân gian như nặn từng con giống bằng đất bồi, lớn hơn chút thì tạc tượng trên các chất liệu khác nhau như gỗ, đất, nhôm, đồng... thành những bức tượng và những thứ đồ chơi độc đáo... Cứ thế hình thành những thói quen, anh đã yêu thích nghệ thuật điêu khắc từ lúc nào không hay.

Nhà điêu khắc Vũ Mạnh Hoàng bên tác phẩm của mình.

Cuộc sống nhiều lần đưa anh đến với nhiều công việc khác nhau, nhưng “cái nghiệp” mỹ thuật đã đưa anh vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc, Vũ Mạnh Hoàng gắn bó với mỹ thuật từ đó đến bây giờ. Anh là hội viên Phân hội Mỹ thuật Tuyên Quang. Hiện nay, anh có xưởng sáng tác riêng tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Trong nghệ thuật điêu khắc, các chất liệu khá đa dạng như: đất nung, gốm, sứ, gỗ, ngà, xương, đá, đồng, sắt, thép, gang, nhôm, inox, thủy tinh, nylon, sáp, sa mốt, xi măng, bê tông… Nhà điêu khắc Vũ Mạnh Hoàng có thể sáng tác đa dạng nhiều phong cách từ hiện thực đến trừu tượng, việc xử lý được nhiều loại chất liệu được anh vận dụng trong quá trình sáng tạo nên các tác phẩm chất liệu tổng hợp đa dạng về cấu trúc.

Điêu khắc chân dung

Đề tài chiến tranh, quê hương, đất nước chính là nguồn cảm hứng bất tận để anh thổi hồn vào những tác phẩm của mình. Trong đó, những tác phẩm điêu khắc về Bác Hồ, chân dung các vị anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử luôn khiến anh tự hào, say mê sáng tạo.
Đến nay có khoảng hơn 100 tác phẩm về Bác Hồ với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Đó là những bức chân dung bán thân, chân dung Bác ngồi làm việc, Bác đứng trò chuyện với người dân…

Để vẽ chân dung Bác Hồ, anh tìm tòi nhiều tư liệu lịch sử, hình ảnh, đi sâu vào khai thác chân dung của Người qua các giai đoạn như:  Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bác ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ trong chiến thắng Điện Biên Phủ… “Tôi làm tượng Bác Hồ cả đời, như đứa trẻ con trước bóng mặt trời, ánh hào quang rộng lớn.

Khi tạc tượng chân dung Người, về cấu trúc con người, dáng vóc, nhất là gương mặt Bác thì đã là một sự hoàn thiện, rất đẹp rồi. Họa sĩ, nhà điêu khắc không cần phải cách điệu gì nữa thế nên phải làm sao để diễn tả cái thần sắc của Người. Hình ảnh của Người thiêng liêng và vĩ đại nhưng tôi vẫn mạnh dạn thử sức mình” - anh Hoàng chia sẻ.

Bức tượng Hoàng đế Lê Đại Hành (ngoài cùng bên trái) của tác giả Vũ Mạnh Hoàng được trưng bày tại Quảng trường Chiến thắng, Khu di tích Bạch Đằng Giang, Hải Phòng.

Các tác phẩm của anh nhanh chóng được các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước đặt hàng để được sở hữu. Anh còn  sáng tác nhiều tượng chân dung nhân vật lịch sử Việt Nam như: Các vị vua, tướng lĩnh thời kỳ phong kiến của nước Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu… Với anh, đây là cơ hội để thể hiện tình cảm với các anh hùng dân tộc.

Trong đó, bức chân dung vị vua Lê Đại Hành của anh vinh dự được đặt tại Quảng trường Chiến thắng, Khu di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng). 

Chính sự nghiêm túc và chỉn chu trong hoạt động nghệ thuật nên tác phẩm của anh luôn được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng đón nhận. Bên cạnh chân dung về nhân vật lịch sử, nhà điêu khắc Vũ Mạnh Hoàng còn đến với thế giới “Thiền” trong nhiều tác phẩm về tượng Phật. Anh trải lòng, điêu khắc tượng Phật với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn. Người sáng tạo phải luôn giữ cho mình thanh tịnh, thanh sạch, rèn luyện đạo đức giữa cuộc sống nhiều cám dỗ xô bồ này.

Sáng tạo nghệ thuật điêu khắc là một hành trình, trên con đường ấy mỗi tác giả phải tự bước đi, trải nghiệm, quan sát và giãi bày. Và nhà điêu khắc Vũ Mạnh Hoàng vẫn luôn say mê sáng tạo và hết mình với môn nghệ thuật đặc biệt và nhiều ý nghĩa này.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục