Ngọt ngào khúc hát quê hương

- Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến luôn là đề tài bất tận của thi ca và nhạc họa. Gần gũi và thân quen, những ca khúc viết về tên đất, tên làng xứ Tuyên đã nhẹ nhàng đến được với tâm hồn của người yêu nhạc.

Giai điệu tự hào

Người Tuyên Quang, từ cụ già đến trẻ nhỏ, không ai là không biết, không thuộc từng nốt nhạc, từng ca từ của bài hát “Rừng Tuyên Quang in bóng Tân Trào” của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Ca khúc này được sáng tác từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thời kỳ đó ông lên giúp đỡ cho đoàn văn công Tuyên Quang. Chính những ngày tháng gian khổ nhưng ấm áp tình người đó ông đã giúp sáng tác ca khúc ý nghĩa này. Dựa trên âm điệu Then, ca khúc được ngân vang nhịp nhàng, hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ: “Suối vẫn hát (ấy mấy) núi vẫn cao, rừng Tuyên Quang vẫn in bóng Tân Trào/Đường Cách mạng đã vươn xa biết mấy, mà Tân Trào năm xưa ấy vẫn đây”. Câu hát quen thuộc ấy đã in sâu vào tâm trí biết bao thế hệ người dân với niềm kiêu hãnh tự hào. Ngay từ khi mới ra đời, ca khúc được hát nhiều và anh em văn nghệ sỹ mệnh danh là “Tỉnh ca”.

Mảnh đất và con người Tuyên Quang vẫn luôn là đề tài gợi niềm rung cảm sâu sắc đối với bao thế hệ nhạc sỹ.  Khi chưa tách tỉnh Hà Tuyên, biết bao bài hát cất vang kết nối vùng đất, con người miền núi xa xôi. Với âm hưởng hào hùng, vui tươi, bài hát Rừng Hà Tuyên của cố nhạc sỹ Lê Việt Hòa được cất lên tha thiết.

Cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý và ca khúc “Rừng Tuyên Quang in bóng Tân Trào”.

Những nốt nhạc mở đầu âm điệu nhẹ nhàng làm nền cho đoạn cao trào về sau tạo nên ấn tượng khó phai. Đến nay nhiều người vẫn không thể nào quên giai điệu: “Hà Tuyên quê em có những núi rừng ở điệp trùng/Ai từ Sơn Dương lên miền Chiêm Hóa/Ai từ Đồng Văn tới đỉnh Mã Pì Lèng/Nghe những điệu khèn nghe bài ca lâm nghiệp/Vang khắp những lâm trường Hà Tuyên quê em”.

Trong số những tác phẩm của Tân Điều, cả ca từ cũng như giai điệu hầu hết đều mang đậm dấu ấn của mảnh đất quê hương. Ông gửi về miền thương nhớ ca khúc Đường về Tân Trào. Dựa trên chất liệu dân ca Tày, tiết tấu nhạc rộn ràng, vui tươi, lời ca khúc nhẹ nhàng, trong sáng đã làm nên thành công cho tác phẩm: “Róc rách róc rách tiếng suối ngàn/Thánh thót thánh thót lời chim ca/Chập chùng chập chùng núi cao, đường về Tân Trào/ Trông gió núi mênh mông/ Mây giăng trắng núi hồng/Ơi con đường nhỏ Bác đã đi qua/Ơi sông Đáy này Bác đã dừng chân/Để mãi còn đây, vầng trăng đáy thuyền...”.

Là người khá gắn bó và viết nhiều tác phẩm về Tuyên, nhạc sỹ Cát Vận (Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam) có nhiều bài hát như: Hát tiếp bản hùng ca sông Lô, Cùng đến với Tuyên Quang quê em... Ca khúc Trở về căn cứ địa xưa là một ca khúc đi cùng năm tháng. Bài hát có hai đoạn, đoạn một âm nhạc chậm rãi, sâu lắng sang đoạn hai tiết tấu sôi nổi hào hùng, phần lời ca có những câu rất hay và ý nghĩa như: “Hãy chớ quên, chớ quên một thời năm nào. Hãy chớ quên, chớ quên đường về Tân Trào”.

Nhiều ca sỹ thể hiện bài hát như: Nghệ sỹ nhân dân Quý Dương, ca sỹ Trọng Tấn. Còn ở Tuyên Quang ca sỹ hát thành công nhất tác phẩm này cho đến nay là anh Ngọc Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh. Trở về căn cứ địa xưa cũng được dàn dựng hát múa tập thể, mang về nhiều giải thưởng trong các đợt liên hoan trong và ngoài tỉnh.

Nồng nàn giai điệu quê hương

Thời kỳ đổi mới, hình ảnh mảnh đất và con người Tuyên Quang vươn mình trong khó khăn để xây dựng quê hương trở thành nguồn cảm hứng của cả những tác giả trong và ngoài tỉnh. Nói về ca khúc Tuyên Quang trong quãng thời gian này không thể không nhắc đến ca khúc: Về Tuyên, Về Tuyên Quang đi em, Tuyên Quang vào hội... Không chỉ đa dạng về nội dung sáng tác, các tác phẩm còn phong phú về hình thức thể hiện. Nhiều ca khúc đã nhẹ nhàng đi vào lòng người và bám rễ sâu sắc vào trái tim người yêu nhạc tỉnh nhà. Bởi họ tìm thấy trong từng ca từ mộc mạc ấy là dáng núi, là hình quê, là mênh mông cánh đồng lúa của chính mảnh đất quê hương mình.

Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên nồng nàn với những giai điệu quê hương Tuyên Quang.

Là người con của quê hương, Nghệ sỹ ưu tú Đức Liên phổ thơ thành công với nhiều ca khúc như: Về Tuyên, Điện về bản em, Tuyên Quang ơi Tuyên Quang… Trong mỗi ca khúc của ông, ký ức về dòng sông thơ ấu và mái nhà thân thương như vẫn còn nguyên vẹn. Mấy chục năm sống xa quê, dòng cảm xúc của ông lúc êm đềm, khi lại dữ dội và cồn cào bởi nỗi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn.

Qua bài hát Về Tuyên, giai điệu ngân nga da diết mảnh đất và con người xứ Tuyên hiện ra thật dịu dàng, đằm thắm. Ca từ nhẹ nhàng, cách sử dụng từ láy và điệp từ, điệp ngữ, tạo cho tác phẩm có một sức cuốn hút kỳ lạ. Độc giả như muốn hòa mình vào những địa danh: Núi Dùm, Thành nhà Mạc, Bình Ca, dòng Lô...: “Anh có về thăm Tuyên Quang. Rừng xanh, xanh biếc mơ màng. Núi Dùm soi gương bóng nước. Thành nhà Mạc mênh mang, mênh mang...”.  Bài hát như lời mời gọi tha thiết hãy đến với Tuyên Quang - nơi có phong cảnh non nước nghĩa tình, con người thân thiện.

Người Tuyên Quang vẫn luôn tự hào với kho âm nhạc quê hương phong phú. Còn đó những ca khúc như: Sông Lô chiều cuối năm, Tâm tình cô gái Na Hang, Về Na Hang, Hàm Yên trăm nhớ ngàn thương, Chiêm Hóa quê em, Hát về Yên Sơn… Với lời nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng, những ca khúc viết về một tên đất, một vùng quê nào đó trên mảnh đất Tuyên Quang chợt nghe đã thấy thân thương, gần gũi. Bởi từ trong mỗi ca từ, đã thấy thấp thoáng bóng dáng của hồn quê, của một phần ký ức mãi mãi không thể tách rời.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục