Xóm gầm cầu

Từ xưa đến nay, phố gầm cầu vẫn được coi là tụ điểm buôn bán ma túy và dùng hàng trắng. Lâu lâu, người ta lại thấy có đốm sáng li ti trong đêm. Nhiều lần, chính quyền và các lực lượng chức năng đã mở các đợt tuyên truyền, vận động, mật phục bắt giữ các đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy nhưng có vẻ chưa tìm ra cái “rễ độc” bám sâu ở nơi đây.

Năm ấy, ở cái xóm gầm cầu hơn ba mươi nóc nhà này người ta nể Tư “râu” nhất. Gã là người duy nhất không nghiện ngập, không đánh lộn và rất ít nói, đến cả cái trò ở chuồng tắm sông như những gã đàn ông ở đây Tư “râu” cũng khước từ. Hàng ngày, gã sống nhờ vào cái nghề bơm vá, sửa xe. Ai hỏi thì nói, chẳng gây thù chuốc oán hay nhìn đểu ai. Nhưng có điều chẳng bao giờ thấy có con nghiện nào dám chôm chỉa đồ đạc của gã.

Từ ngày bên kia sông có nhà máy mọc lên, dân xóm gầm cầu cũng thấy háo hức với cái phong trào dịch vụ ăn theo nhưng chưa biết bắt đầu thế nào. Tư “râu”là người đi trước, gã sửa lại cái gian bên, có vệ sinh khép kín, bắn tôn, ốp trần nhìn khá sáng sủa. Nhưng đã hơn hai tháng, chẳng thấy “ma” nào dám dọn đến. Người ta bảo, có ngủ bờ ngủ bụi còn hơn mò sang cái khu gớm giếc này.
Một sớm, Tư “râu” còn chưa tỉnh giấc đã có người hỏi nhà trọ của gã. Nhìn cái dáng người muốn thuê là một cô gái quê dáng vẻ đen đúa, đồ đạc lỉnh kỉnh biết là dân từ quê ra, Tư “râu” vừa dụi mắt vừa nói:

- Đấy, phòng có thế, không điều hòa, nóng lạnh, mạng mẽo gì, điện nước dùng bao nhiêu thì trả.

Minh họa: Bích Ngọc

Nói vậy chứ gã thừa biết, đi thêm mấy mét nữa mà nhìn đám kim tiêm dưới bờ kênh thì có mà chạy bán mạng. Ấy vậy mà chiều muộn hôm ấy, khi đường nhá nhem mặt người cô gái ấy lại quay lại với lỉnh kỉnh đồ đạc, toàn thứ cũ kỹ, bụi bặm.

- Cháu hỏi bên kia toàn hai củ, củ rưỡi. Khó khăn lắm mới phải sang đây chứ xóm này ẩm thấp lắm, mà chú bớt cho cháu được không chú?

- Triệu bạc giờ làm được gì, các cô nay mai ấm chỗ lại dắt trai về, đánh đấm nhau rách việc.

- Ơ, chú này hay nhỉ, sao chú lại nói cháu thế, không phải ai cũng giống như chú nói. Thuận mua vừa bán, không cho thuê thì thôi…

Nghĩ thế nào, nhìn cái dáng khổ sở của cô khi đạp nổ cái xe wave anpha chết đề, Tư “râu” gọi lại đưa chìa khóa phòng. Từ hôm ấy, ngày ngày gã lại bị tra tấn bởi thứ mùi xào nấu đến khó chịu. Trong xóm có đứa bảo gã dại gái, không biết sơ múi gì không mà tham một triệu bạc. Huấn đi qua tặc lưỡi bảo:

- Có người mở hàng là tốt rồi, cái gì mới chả khó. Mà biết đâu lại có cô muốn sang ở trọ cả đời với ông chủ.

*

Từ hôm về đây ở, Mùi thấy ông chủ nhà có cái gì đó tồi tội. Từ sáng đến tối kỳ cạch bơm vá, có hôm tối mịt thấy ông lọ mọ cắm cơm, rán bìa đậu, nấu canh suông và cái chai rượu nhỏ thế là xong bữa. Bao lâu, chẳng thấy vợ con, họ hàng gì ghé thăm, đàn ông đàn ang nhìn chắc mới ngoài năm chục mà khô như que củi. Một hôm đi làm ca về, Mùi nghe thấy một ông khách sửa xe đá đểu:

- Tư này, tao nghe bảo cái “khoản ấy” của mày cũng “hưu” từ lâu rồi phải không?
Tư “râu” chẳng thèm vội vã, đưa bàn tay cáu bẩn dầu mỡ ra với điếu thuốc đang cháy dở rít một hơi thật dài rồi lườm ông khách.

- Nói ít thôi, đến đây thì đi vào giữa đường, ở đây khối thứ đâm cho ông thủng đấy.

Thấy thế, ông khách nhanh chóng trả tiền rồi chuồn thẳng nhưng qua khe cửa Mùi thấy Tư “râu” khẽ nhếch mép cười. Nụ cười đó làm cô không khỏi băn khoăn.

Một đêm mưa không ngớt, Mùi vừa làm ca về đến xóm đã thấy tiếng người trong xóm nháo nhác. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy có người  nói như hét vào mặt cô:

- Muốn chết hay sao mà còn đứng đây? Nước sông dâng lên cao lắm rồi.

Mùi vội vã quay xe chạy lên mặt đê, thấy mọi người trong xóm đã lúc nhúc trong các hàng quán bên đường. Năm nay nước sông lên dữ quá, người ta bảo ba mươi năm mới có một lần như thế này. Lúc này, mọi người mới để ý không thấy Tư “râu” đâu? Anh cảnh sát khu vực, ông tổ trưởng dân phố gọi điện không thấy gã bắt máy. Có người bảo đêm hôm gã hay uống rượu, sợ say sỉn khéo lại chẳng biết đường chạy.

**

Chiều hôm ấy Tư “râu” thất thểu trở về. Gã bảo từ chiều mải đi nhậu với đám bạn trên thị trấn mà say sỉn. Thế nhưng có cái gì đó khiến Mùi phải suy nghĩ từ những sự biến mất  trùng hợp của gã vào cái đêm cô đi làm, từ lối sống lập dị không vợ con, không giao du với ai nhưng lại có “bạn bè trên thị trấn”.

Hôm ấy, người ta thấy cảnh sát đến đưa Tư “râu” đi trong sự ngỡ ngàng của người dân xóm gầm cầu. Mấy hôm sau, người ta thấy báo chí đưa hình ảnh một người đàn ông trốn truy nã nhiều năm, sau khi thay tên, đổi họ đã trở lại buôn bán và tàng trữ ma túy dưới vỏ bọc hiền lành ít nói. Nhưng điều đặc biệt nhất, trong số các chiến sĩ công an dẫn giải tên tội phạm có tên là Tư “râu” có cả cô công nhân tên Mùi. Suốt bao ngày qua, cô đã phải “nằm gai nếm mật” từ việc học việc ở xưởng may cho đến khi tìm ra manh mối của vụ án mấy chục năm trước.

Cùng với các trinh sát, Mùi đã được chỉ huy giao nhiệm vụ giả làm công nhân nằm vùng xác minh một người đàn ông mà cô nhận dạng có những nét tương đồng với tên tội phạm truy nã Lê Văn Cừ. Tên tội phạm đã che giấu tiền án trộm cắp tài sản của mình bằng chính cái vẻ bề ngoài hiền lành, khó tính kia. Nhưng tất cả những điều đó không thể qua mắt được Mùi. Ngay từ hôm đầu đến đây, cô đã phát hiện ra vết thẹo sau gáy được gã che đậy bằng mái tóc dài. Lợi dụng nghề sửa chữa xe luôn cáu bẩn dầu mỡ, Cừ không để lại dấu vân tay nào trên những vật dụng hàng ngày. Nhưng có một điều mà người ta thắc mắc: tại sao hắn không chọn một nơi bình yên hơn mà lại chọn cái xóm gầm cầu luôn bị cơ quan chức năng để mắt tới này?

Một sáng mùa xuân, xóm gầm cầu giờ đã khang trang hơn với đèn chiếu sáng, đường được dải nhựa phẳng phiu. Thanh niên ở đây đa phần đều trở thành công nhân của khu công nghiệp bên kia sông. Người ta thấy một cô gái lặng lẽ dắt theo một bà cụ tóc đã bạc, đôi mắt đã mờ đục. Bà cụ xúc động khi mở cửa bước vào căn nhà của Tư “râu”. Suốt những năm tháng ở bên kia sông, bà cứ ngỡ rằng đứa con duy nhất của mình đã biệt vô âm tín. Nhưng bà không biết rằng, nghịch tử của mình đã đội lốt một người lương thiện, hàng ngày mở tiệm sửa xe và ngóng về ngôi nhà bên này sông của bà. Bằng thủ đoạn tinh vi, Lê Văn Cừ đã không đi đâu xa mà trốn ngay bờ bên kia con sông quê.

Bất chợt, bà cúi xuống và thấy cái mặt dây chuyền có cái hình phật quan âm mà bà đã mùa cho Cừ được nhét ở đáy tủ. Thì ra, hắn không quên những gì bà đã dạy nhưng chưa bao giờ nhận ra và thức tỉnh. Mùi lặng lẽ đến bên bà, lấy khăn lau những giọt nước mắt cho người đàn bà bất hạnh đó.

Giờ đây, cô chính là người luôn an ủi, động viên bà trong những lúc vui buồn cho đến ngày Lê Văn Cừ chấp hành xong án phạt tù để trở về với lương thiện…

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục