Chiều nay, nhìn vào từng đôi mắt là biết người già mong cái Huệ về để gói bánh chưng. Bọn trẻ mong chị Huệ về trang trí nhà cửa. Chúng nó vẫn thường kháo nhau, chỉ ít giấy vụn, mấy cái bút màu là chị Huệ vẽ được cả mùa xuân cho bọn chúng. Xóm núi nơi thâm sơn vẫn khang trang náo nức từ cái ngõ kết hoa đến từng góc nhỏ.
Huệ là đứa nhà ở cuối xóm. Nhà có hai mẹ con nhưng từ nhỏ chẳng bao giờ thấy cô bé buồn. Từ năm đi học lớp 1, nó đã mang cái giấy khen về làm cả xóm xôn xao bởi từ xưa đến nay, kể cả mấy xóm dưới thung lũng, chưa đứa trẻ nào được học sinh tiên tiến. Hình như sương mù quanh năm bao phủ đất này làm đầu óc bọn trẻ mụ mị. Hình như vì quanh năm phải ăn độn củ nâu, củ mài, khoai sắn mà chúng không sáng dạ. Nhưng riêng với cái Huệ thì khác. Nó học như một người đi rừng biết nghe tiếng chim để tìm ra mùa quả chín, nghe tiếng nước suối chảy biết rừng còn dày hay thưa, nhặt từng hòn đá lên để học cách rêu mọc thế nào. Thế nên càng lớn, đường nó đi cứ quang dần, nó học được gì đều về dạy lại bọn trẻ trong xóm.
Năm nay Huệ đã là sinh viên năm cuối của Đại học Y, cái trường mà cả xóm xưa nay ai cũng chỉ thấy trên ti vi. Mỗi năm về Tết lại thấy người nó cao nhẳng lên thêm chứ chẳng mập ra được chút nào. Từ trọ học ở thị trấn đến trọ học ở thị xã rồi về Hà Nội, cô bé ngày một đi xa hơn, mỗi tết lại về muộn hơn.
Cô Thu vừa xếp lại đống lá dong trên sạp tre, vừa nhìn ra ngõ lẩm bẩm:
- Hay là mình cứ gói bánh rồi nổi lửa, biết bao giờ nó về, ngộ nhỡ mai gió lạnh…
Bà Hòa nghe thế liền can:
- Năm nay nó lại về muộn hơn nhưng thể nào cũng về, nghe nói nó đi chống dịch ở tít trong Nam. Tôi chắc là ý cụ Thước, cụ Thịnh cũng thế, con bé mát tay lắm, cô còn nhớ chứ.
Năm ấy, gần Tết mà xóm núi buồn ủ rũ. Xác gà chết nằm la liệt, người khỏe mạnh lấy khăn bịt mũi mà còn thấy ớn. Huệ học lớp 11 ở tỉnh về ngơ ngác nhìn cảnh xóm làng não nề. Cả năm, các bác, các cô vất vả chăm bẵm được đàn gà nhằm tết để bán. Ở xóm núi này, nuôi được con gà từ lúc bé đã lo tránh rét mùa đông, lo diều tha, quạ mổ cho đến khi bán được là bao công sức. Ấy vậy mà dịch bệnh ở đâu tràn tới làm mất trắng. Nhìn bọn trẻ mắt ngây thơ ngơ ngác trước cảnh những con gà lông mượt sã cánh, Huệ thấy nhói lòng. Chúng đâu biết như thế là tết này không có bánh chưng, là đói, là buồn vô hạn.
Chiều ấy, Huệ chẳng nói chẳng rằng, đeo chiếc gùi tự đan sau lưng, rủ thêm đứa em trong xóm, tay cầm dựa phát lối đi lên núi. Đang não ruột nên chẳng ai trong xóm để ý đến điều đó cả cho đến sẩm tối, bà Lành - mẹ Huệ - không thấy con gái về mới tá hỏe đi tìm. Người này thúc người kia, cứ thế rồi um cả lên. Đàn ông trong xóm đốt đuốc lên núi tìm, đàn bà thì lục tìm quần áo cũ làm mẹo, sợ Huệ lên núi bị ma núi bắt mất vía quên đường về…
Nửa đêm thì họ tìm được hai đứa chỗ cửa hang. Hóa ra chúng nó bị ngã sai khớp chân nên mãi chưa bò về đến nhà, trời lại tối nên đành đốt lửa ốm lấy nhau cho đỡ lạnh và sợ. Khi về đến nhà, bà Lành mới để ý ở cái gùi sau lưng Huệ đựng đầy những cây chè con. Bà gạn hỏi nhưng Huệ chỉ trả lời qua quýt cho xong rồi kiếm cớ đau chân đi nằm sớm.
Sáng ra, khi nắng vừa lên, bà đã thấy Huệ ngoài vườn. Ngồi trên cái ghế nhỏ, cô bé đang cố gắng trồng những cây chè nhỏ quanh vườn. Bất giác, bà giật mình khi mơ hồ nghĩ đến chuyện ma xui, quỷ khiến làm còn như thế, bà Lành vội chạy đi gọi bà Bà Hòa, ông Thước, ông Thịnh… Mọi người kéo đến vây quanh, đến lúc này Huệ mới giải thích:
- Cháu nghĩ kỹ rồi. Mình ở gần núi, khí hậu khắc nghiệt, chăn nuôi khó khăn. Một ổ gà ấp được mươi con, nuôi đến lúc thịt được còn hai, ba con là may lắm, đã thế còn dịch bệnh. Thế mà bấy lâu nay người ở xóm mình vẫn lên núi hái lá chè cổ thụ về sao uống. Hôm rồi lên trường, cháu mang theo một ít chè biếu cô chủ nhiệm. Cô giáo khen uống ngon và bảo nhà mình có thì đưa cô gửi bán hộ, thêm thắt vào tiền trọ học. Cô còn bảo giờ người ta chuộng thực phẩm sạch lắm. Cháu nghĩ mình nên đem giống chè này về trồng, khi cây lớn, quanh năm thu hái rất chắc ăn chứ không lo dịch bệnh như chăn nuôi nữa…
Nhưng người già vẫn không nguôi được nỗi lo trước mắt. Bình thường trong năm ăn độn qua ngày thì chẳng lo nhưng năm hết, tết đến phải có cặp bánh cho lũ trẻ. Có bánh chưng mới có tết. Thế là, khi cái chân đắp lá vừa khỏi, Huệ rủ bạn đạp xe xuống phố.
Chiều ba mươi, hai đứa khệ nệ đẩy xe với tạ gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh về xóm…
- Chúng mày lấy đâu ra tiền? - Cụ Thước quắc mắt tỏ vẻ vừa lo âu, vừa thương hai đứa nhỏ.
- Dạ! cháu qua kể chuyện với cô chủ nhiệm. Cô giáo ứng tiền cho cháu đấy ạ. Cô bảo để thêm cái bánh cho các em nhỏ, mai này thu hái được chè trả cô cũng chưa muộn.
- Không được, cầm tiền ăn không của người ta sao được - ông Thịnh cương quyết.
- Bác ơi! Cô giáo là người tốt. Với cả mình cứ nhận để các em nhỏ vui ngày tết, mình sẽ làm để trả chỗ đó và có thêm tiền cho mỗi nhà bác à.
Bà Hòa đang mải chìm trong hồi ức thì đã thấy bọn trẻ reo ngoài ngõ: “Chị Huyền về rồi”, “chị Huệ mang cả khẩu trang và sát khuẩn về cho xóm”...
Như mọi năm, cụ Thịnh khoan khoái ngồi nhìn con bé Huệ gói bánh. Nó mát tay, phải để nó gói bánh, bánh mới thơm, dẻo, năm tới xóm núi mới có lộc. Bánh chưng xóm núi năm nay được gói bằng gạo nếp thơm của cô Nụ mua dưới chợ, bằng thịt lợn nhà bác Hòa, lá dong nhà cô Thu phụ trách hái về. Huệ chỉ mang về nụ cười và tiếng hát lanh lảnh khi gói bánh. Như thế là quá đủ bởi mùa xuân đã về trên xóm núi từ ấy lâu rồi…
Gửi phản hồi
In bài viết