Con người tài hoa
Tôi ở gần nhà con trai thứ của nhà văn, từ nhỏ đã được nghe các câu chuyện kể và đọc các tác phẩm của ông, nên vô cùng ngưỡng mộ văn tài, bút lực sung mãn của một tài năng.
Quãng đời thơ ấu sống trong cái nôi văn hóa đẹp và thiên nhiên, con người trong trẻo của núi rừng Chiêm Hóa đã giúp ông có được nguồn tư liệu vô cùng phong phú, sống động trong các trang viết sau này.
Khi theo gia đình chuyển về sống ở Xuân Hòa thuộc tỉnh lỵ Tuyên Quang, ông lại được hòa mình vào cuộc sống của những phu mỏ than, mỏ kẽm. Đây cũng là có được nguồn tư liệu cực kỳ sống động giúp ông sau này có tiểu thuyết Lầm than và nhiều tác phẩm về người công nhân, chống chế độ cai trị hà khắc của Pháp - khiến người ta gọi ông là người “to gan lớn mật nhất văn giới Bắc Hà” thời đó.
Được gia đình cho theo học trường Bưởi, sau học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông sớm có được những phông văn hóa cơ bản, để cùng với tài năng cá nhân trở thành cây bút sớm thành danh. Năm 1934, ông đưa cả gia đình về sống ở Hà Nội (ở nhà thuê, thường đổi chỗ), trở thành một trong hai cây bút cột trụ của nhà xuất bản Tân Dân. Mấy năm sau, ông làm Tổng thư ký tạp chí Tao đàn của nhà xuất bản Tân Dân, đồng thời cộng tác với các báo: Loa, Ngọ báo, Đông Tây, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san...
Với cuộc đời ngắn ngủi gần 40 tuổi, nhà văn Lan Khai để lại một di sản đồ sộ trên nhiều lĩnh vực: văn xuôi, thơ, hội họa, dịch, nghiên cứu lý luận và phê bình văn học. PGS. TS. Trần Mạnh Tiến (ĐH Sư phạm Hà Nội) - trong Lan Khai Tuyển tập ( Nxb Văn học năm 2010) đã viết: “Cùng với những tài danh của nền văn xuôi hiện đại như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nam Cao… Lan Khai là nhà văn đã sớm tìm cho mình một hướng đi riêng. Đương thời, sự xuất hiện của Lan Khai trên văn đàn là một hiện tượng đặc biệt từ nguồn gốc xuất thân đến hoạt động văn chương”.
Là tác gia lớn của tiểu thuyết Việt Nam thời đó, Lan Khai còn là cây bút lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học có ảnh hưởng mạnh mẽ với đương thời và cả sau này. Ông viết về Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Tản Đà… Các vấn đề về nghệ thuật và nhân sinh của Lan Khai thể hiện trong các bài viết và chuyên luận, nổi bật lên tính dân tộc và con đường cách tân văn nghệ, vai trò nhà văn và nền văn nghệ tương lai, mối quan hệ giữa mỹ học và nghệ thuật, văn hóa với văn học; vấn đề văn học dân gian các dân tộc thiểu số.
Lan Khai từng dịch Lev Tonxtoi, Đoxtoiepxki, Stephan Zwei, E.Dola... Các bản dịch Pháp văn thường là các bài báo, sách kinh điển, được viện dẫn linh hoạt trong các bài nghị luận về văn học hay giáo dục và lý luận nói chung. Ngoài ra, ông còn dịch chuyển ngữ một số ngạn ngữ, điển tích, bài báo từ tiếng Hán sang tiếng Việt.
Đánh giá từ văn đàn
Lan Khai được đánh giá thành công nhất ở thể loại tiểu thuyết về tâm lý xã hội, về lịch sử và tiểu thuyết đường rừng..
Tiểu thuyết tâm lý xã hội của ông gồm Nước hồ Gươm (1928), Cô Dung (1928 - 1938), Lầm than (xuất bản 1938), Liếp Ly (1938), Mực mài nước mắt (1941)… Trong đó, tiểu thuyết Lầm than là một sự kiện lớn của đời sống văn học thời đó. Cuốn sách được thai nghén từ Tuyên Quang (1929 - 1933), vượt qua lưới kiểm soát của nhà cầm quyền Pháp, đến năm 1938 mới được xuất bản.
Lầm than được cho là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam viết về người công nhân, vẽ lên bức tranh tố cáo chế độ áp bức bóc lột của thực dân Pháp và tay sai đối với người lao động và sự xuất hiện chân dung đẹp đẽ của những người chiến sỹ đi gieo mầm cách mạng chuẩn bị cho một cuộc đổi đời. Trần Huy Liệu trong Lời giới thiệu cuốn sách đã cho rằng cuốn sách giác ngộ người đọc về nạn bóc lột “Các bạn đọc xong quyển truyện này, nếu thấy mình bống đầy lòng căm tức đối với bọn sống sưng sướng bằng mồ hôi nước mắt của kẻ khác và cũng đầy lòng đau xót đối với người sống một cách khổ nhục đem mồ hôi nước mắt nuôi béo kẻ khác thì tức là người viết ra nó đã đạt được ý nguyện của mình rồi”.
Nhà văn Hải Triều trong một bài trên báo Dân Tiến số 1 (ngày 27-10-1038) đã đánh giá cao đề tài tư tưởng và phương pháp sáng tác của Lan Khai: “Tôi thấy tác giả của nó đã mạnh dạn tiến lên trên con đường sáng sủa mà đầy cả chông gai, con đường bênh vực cho giai cấp cần lao, con đường của Chủ nghĩa xã hội. Điều ấy là một điều đáng ghi nhớ trong lịch sử văn học của xứ này”.
Con dâu và cháu nội đọc lại các tác phẩm của nhà văn.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong sách Nhà văn hiện đại (1942) đã viết “Lầm than của Lan Khai là một cuộc đời đau khổ và thê thảm của phu mỏ, một hạng lao động đã cạn rất nhiều mực của các nhà văn trên thế giới”, “tuy là một tiểu thuyết nhưng mọi việc đều thiết thực không khác gì những việc trong một thiên phóng sự”.
Những tiểu thuyết đường rừng của nhà văn Lan Khai cho thấy cái nhìn nhân văn sâu sắc về thiên nhiên đất nước con người, góp phần xóa đi ngăn cách giữa miền núi và miền xuôi, giữa các cộng đồng dân tộc khác nhau. Trong đó, tiểu thuyết Tiếng gọi của rừng thẳm của ông được Hội Trí tri trao giải nhất năm 1936. Theo PGS. TS. Trần Mạnh Tiến (Đại học Sư phạm Hà Nội, người dày công nghiên cứu về Lan Khai) thì “Vấn đề con người miền núi trong sáng tác của Lan Khai là vấn đề đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, là mối quan hệ giữa con người với môi trường sống, là sự gắn kết cộng đồng các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Các thiên truyện đường rừng của Lan Khai cho thấy, cộng đồng các dân tộc miền núi luôn tiềm tàng sức mạnh bên trong để tự bảo vệ mình. Nghèo khó, tối tăm và bất công xã hội có ở mọi lúc mọi nơi, nhưng sự nỗ lực của con người vẫn có thể tìm ra hạnh phúc”.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại nêu ra cách hiểu “Đọc truyện đường rừng của Lan Khai, ta không nên nghị luận về hư thực, không nên đứng về mặt khoa học để bài bác. Ta nên đọc với óc thơ mộng pha chút huyền ảo của cổ nhân như khi đọc Liêu trai của Bồ Tùng Linh vậy”.
Cốt cách hoa Lan
Nhà văn lấy bút danh là Lan Khai, có lẽ vì ông thích loài phong lan của núi rừng chỉ sống bằng gió và khí trời, thanh cao, sang trọng, ngát hương. Bút danh này đúng như cuộc đời ông, ẩn dật, không xô bồ nhưng tinh khiết và đẹp đẽ.
Thi sĩ Nguyễn Vỹ cho rằng: “Ở anh, dù là văn sĩ hay họa sĩ, cũng đều là cái “tài tử”, theo nghĩa của anh em nhà văn chúng tôi hồi tiền chiến, là “không cầu lợi”. Nói khác hơn, Lan Khai là một trong số văn nhân chịu hy sinh cho lý tưởng nhiều hơn, thích sống đời thanh cao nho nhã hơn...”.
Một số tác phẩm của nhà văn Lan Khai.
Ông bà có 4 người con, đều đệm tên Lan như bút danh của ông: Lan Hương, Lan Phương, Lan Hoa, Lan Diệp. Lúc nhỏ tôi ở gần nhà ông Lan Diệp, người con út của nhà văn. Tôi thường thấy bà Hà Thị Minh Kim - người vợ tài sắc của nhà văn vấn khăn tròn ngồi khâu bên cửa. Cũng nhờ ở gần mà tôi may mắn được đọc nhiều tác phẩm của ông. Trong tập Truyện đường rừng của Lan Khai, mỗi trang, mỗi dòng đều tạo ấn tượng rất mạnh, rồi êm đềm chảy suốt tâm trí tôi rất lâu.
Tháng 7 năm 2006, tôi được tham gia đoàn đại biểu Hội văn học nghệ thuật Tuyên Quang về Hội Nhà văn Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lan Khai và dự hội thảo “Lan Khai với văn học Việt Nam hiện đại”. Nhiều tham luận tại Hội thảo được trình bày, đánh giá đúng mức về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn tài hoa bạc mệnh xứ Tuyên. Đoàn Tuyên Quang về dự lễ năm ấy có cả nữ bí thư huyện ủy Chiêm Hóa, nơi tạo mạch nguồn sinh động từ thời thơ ấu cho nhà văn viết các tác phẩm đường rừng.
Nghe các phát biểu tại hội thảo về Lan Khai, tôi và những người trong đoàn Tuyên Quang rất tự hào, hãnh diện. Tiếc là khi ấy, chưa có nhiều người Tuyên biết núi rừng xứ Tuyên đã sinh ra một văn tài đến thế, để cùng tự hào như chúng tôi.
Năm 2014, cuốn Địa chí Tuyên Quang do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang chỉ đạo biên soạn, NXb Sự Thật phát hành đã có đoạn viết trân trọng về Lan Khai: “Ông là nhà văn người Tuyên Quang có đóng góp rất lớn vào thể tài tiểu thuyết ái tình mới xuất hiện ở Việt Nam sau Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách… Có thể nói ông là một tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại Tuyên Quang nửa đầu thế kỷ 20”.
Là tác gia sừng sững, với khối lượng tác phẩm đồ sộ và giá trị; nhà văn Lan Khai là tên tuổi lớn của văn học xứ Tuyên và nước nhà thời kỳ 1930 - 1945. Ông xứng đáng được biết đến và vinh danh nhiều hơn nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết