CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương)
biểu diễn Điệu múa Khai đèn trong ngày Tết.
Anh Sầm Văn Đạo, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) là một trong những người am hiểu về văn hóa dân tộc Cao Lan. Anh Đạo cho biết, điệu múa Khai đèn là điệu múa phục vụ cho các sinh hoạt tín ngưỡng, cúng thần linh, đám chay kết hợp với múa và hát. Điệu múa cho thánh thần chiếu sáng cho khắp nhân gian. Người thực hiện là đệ tử của các thầy cúng người Cao Lan. Điệu múa thường có 4 người, bởi theo quan niệm con số 4 tượng trưng cho 4 phương trời. Đặc biệt người được biểu diễn phải có các đạo cụ như chuông nhỏ, cờ, đèn. Họ thường di chuyển vòng tròn, xoay tròn rồi 4 người chụm vào, tỏa ra theo quy luật riêng. Để tất cả được kết hợp nhịp nhàng cần có sự chỉ huy của thầy cúng. Mỗi điệu múa thường diễn ra trong khoảng 45 - 60 phút. Điệu múa này phản ánh các hoạt động sinh hoạt, đời thường, hàng ngày của đồng bào Cao Lan.
Điệu múa này mang tính chất ước lệ cao, miêu tả quá trình làm ruộng, nương của người Cao Lan, từ lúc tra hạt cho đến khi thu hoạch mang về giã thành gạo. Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa này chủ yếu là bộ gõ, bao gồm trống và các ống tre. Điệu múa có sự kết hợp tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát cùng nhịp chân nhảy, tay múa uyển chuyển. Tiếng gõ muống, tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ truyền thống chính là một phần quan trọng tạo nên sự khác lạ, thu hút trong từng điệu múa. Người dân hò reo theo giai điệu rộn ràng làm cho không khí ngày xuân thêm náo nhiệt. Bên cạnh đó, điệu múa không hạn chế về số lượng, tuổi tác và giới tính nên mỗi dịp tổ chức múa đều tạo sự vui tươi, phấn khởi cho đồng bào dân tộc Cao Lan.
Hiện nay, trước sự phát triển không ngừng của văn hóa thời đại, thị hiếu nghệ thuật của công chúng cũng đòi hỏi ngày càng cao, điệu múa Khai đèn của đồng bào dân tộc Cao Lan cũng được cách điệu, có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố truyền thống và đương đại. Đặc biệt điệu múa Khai đèn cũng được các đội văn nghệ, CLB mang đi biểu diễn, giao lưu văn nghệ, tham gia Liên hoan hát Sình ca giữa các tỉnh bạn với ý nghĩa quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Nghệ sỹ ưu tú Thanh Hương, Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh cho biết, năm 2021 Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh sẽ dàn dựng tiết mục múa dân tộc Cao Lan, điệu múa Khai đèn do biên đạo múa nghệ sỹ nhân dân Đỗ Hiền, âm nhạc Nghệ sỹ ưu tú Quang Thủy dàn dựng. Đây là điệu múa thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Cao Lan, là văn hóa phi vật thể quốc gia, vì vậy đoàn Nghệ thuật rất tâm huyết luyện tập để trình diễn đem đến cho người xem những nét văn hóa đặc sắc của người Cao Lan. Do tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp nên điệu múa chưa có dịp để các nghệ sỹ thể hiện trước công chúng.
Điệu múa Khai đèn trong ngày Tết.
Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, người nhiều năm miệt mài nghiên cứu về văn hóa dân gian các dân tộc cho biết, đồng bào dân tộc Cao Lan trên địa bàn tỉnh mang nhiều nét đặc sắc, nhân văn. Trong đó điệu múa Khai đèn là niềm tự hào bậc nhất, linh hồn của người Cao Lan. Điệu múa này rất phong phú là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nó đã trở thành cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, thể hiện khát vọng, ước nguyện của những người dân lao động. Chính vì vậy, để giữ gìn và phát huy điệu múa truyền thống, ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ gia đình, chính quyền xã còn vận động các nghệ nhân thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, truyền dạy các nghi lễ điệu múa cho đoàn viên, thanh niên và các em học sinh.
Toàn tỉnh hiện có 92 câu lạc bộ và đội văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa Cao lan với 2.150 thành viên tham gia. Các đội văn nghệ, CLB giữ gìn bản sắc văn hóa Cao Lan, phối hợp với các đơn vị trường học, tổ chức truyền dạy cho các em học sinh không bị mai một. Đồng thời, cũng khuyến khích các nghệ nhân sưu tầm và tổ chức các nghi lễ phù hợp với đời sống văn hóa mới.
Điệu múa Khai đèn từ lâu đã ngự trị trong trái tim của đồng bào dân tộc Cao Lan, vừa là món ăn tinh thần không thể thiếu, cũng là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, đang góp thêm một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết