Nghệ nhân trẻ Chu Văn Thạch, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu
nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020.
Những nghệ nhân trẻ mê Then cổ
Nhiều người biết đến vợ chồng người Tày Hoàng Văn Huyên và Lý Thị Ngoan, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình) với tài năng hát Then, đàn Tính.
Với mong muốn được truyền dạy văn hóa cho dân tộc, nhiều năm nay Nguyễn Văn Huyên và Lý Thị Ngoan mở lớp dạy hát Then, đàn Tính miễn phí cho hàng trăm học trò nhỏ trong và ngoài xã.
Bất kể khóa học nào, Huyên và Ngoan đều dạy học trò tìm hiểu thật kỹ về Then cổ. Bởi với cả hai đều muốn chuyển tải đến mọi người rằng, Then cổ là linh hồn, cội nguồn dân tộc, chứa đựng những tích truyện khuyên răn giáo huấn con người hoàn thiện mình hơn.
Từ nhỏ, anh Chu Văn Thạch, thôn Cuôn, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) đã được đắm mình trong những câu then, câu lượn của các cụ, các ông bà, cha mẹ. Những ngày lễ hội, chúc thọ hay lên nhà mới, anh Thạch thường được các cụ cho đi khắp các bản làng trong vùng nghe và học hát then.
Nghệ nhân trẻ Bàn Kim Duy và niềm đam mê nghiên cứu văn hóa Dao.
Hình ảnh về anh Chu Văn Thạch luôn được nhiều người biết đến bởi anh đã đưa tiếng đàn then của người dân tộc Tày lan tỏa đến khắp mọi miền đất nước, đi biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới. Những năm gần đây, tại
các chương trình quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam, Chu Văn Thạch tham gia biểu diễn hát then, đàn tính tại Hàn Quốc, Châu Văn Sơn (Trung Quốc)... Bằng tài năng của mình, anh đã giới thiệu cho bạn bè bốn phương biết đến nét đẹp tinh hoa của hát Then, đàn tính. Với anh, đó là niềm vui và trách nhiệm để văn hóa cha ông trường tồn.
Trân quý báu vật truyền đời
Người Dao luôn tin rằng mỗi người sinh ra đều có một sợi dây tâm linh gọi là “xỉn lảng”. Người Dao dùng “xỉn lảng” để kết nối, nhắc nhở nhau biết ơn tổ tiên, gốc gác mình. Người trẻ hôm nay có cách làm riêng để ai đó dù có xuôi ngược về đâu vẫn luôn dẫn lối tìm về nguồn cội, về với “kho tàng” văn hóa tri thức rộng lớn của đồng bào mình.
Năm nay hơn 30 tuổi nhưng lời nói của Bàn Văn Nam, thôn Bản Tháng, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) có sức nặng như đá. Bởi anh là người am hiểu văn hóa Dao, biết chữ Nôm Dao, nắm rõ từng nghi lễ thờ cúng.
Được người bố là Bàn Văn Minh luôn động viên, truyền dạy chữ nên nhiều năm qua, Bàn Văn Nam đã thành thạo chữ Nôm Dao. Ngoài ra anh còn là “cây văn nghệ” của bản thuộc nhiều làn điệu Páo dung. Năm 2021, chàng trai trẻ đã mạnh dạn viết đơn lên xã xin thành lập Câu lạc bộ văn hóa Trung Hà. Câu lạc bộ có hơn 40 thành viên gồm những hạt nhân văn nghệ của xã. Người thì biết chữ Nôm Dao, người biết hát Páo dung, biết múa làn điệu dân tộc, người thì biết thêu thùa, chấm hoa văn. Sắp tới, Nam sẽ mở những lớp học dạy chữ vận động con em người Dao đến học và tìm hiểu về cội nguồn.
Lớp học Then miễn phí của cô giáo Lý Thị Ngoan, xã Lăng Can (Lâm Bình).
Ngay từ năm 20 tuổi, anh Bàn Kim Duy, thôn Minh Lợi, xã Trung Minh (Yên Sơn) luôn ý thức trọng trách giữ gìn truyền thống của dân tộc Dao lên vai mình. Vậy là anh tích cực theo học chữ Nôm Dao, theo các thầy cúng trong làng để ghi chép, sưu tầm sách, thực hiện các nghi lễ... Bàn Kim Duy là nghệ nhân trẻ luôn nhận được sự kính trọng của mọi người bởi là người thành thạo chữ Nôm Dao, am hiểu văn hóa Dao.
Say mê nghiên cứu, sưu tầm về chữ Nôm Dao nên hiện Duy sở hữu nhiều cuốn sách cổ có tuổi đời hơn 100 năm.
Để bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, sau rất nhiều năm nghiên cứu, dày công tìm hiểu và liên hệ, anh đã tự thiết kế để đưa bộ chữ Nôm Dao Tuyên Quang trên máy tính, nghĩa là đã “tin học hóa” chữ Nôm Dao. Anh chia sẻ, chỉ có như vậy mới có thể đưa các tác phẩm văn hóa Dao lên mạng Internet phổ biến trong và ngoài nước để nhiều người biết.
Văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được ví như mạch ngầm tuôn chảy ngàn năm. Thế hệ trước trân quý dâng lên, thế hệ sau trân quý nhận lấy và cứ thế văn hóa dân tộc được bảo tồn một cách tự nhiên nhất, đúng đắn nhất. “Tre già măng mọc”, những nghệ nhân trẻ với sức trẻ, sáng tạo, hiện đại mang đến sắc màu tươi mới trên hành trình bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết