Xúc cảm miền núi

- Nghiệp viết đến với nhà văn trẻ Lý A Kiều một cách tự nhiên như những bông hoa mận ven đồi cứ mùa xuân về lại nở. Học lên THPT, sau khi đọc những bài văn trong sách giáo khoa, Kiều tự viết truyện và đưa cho cô giáo, bạn học đọc, góp ý. Những câu chuyện diễn ra xung quanh trường lớp, bản làng được cô học trò đưa vào trang viết thật hồn nhiên, sinh động.

Tựa như cuộc viễn du về cội nguồn

Tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc năm 2011 diễn ra tại Tuyên Quang, cô gái Lý A Kiều khi đó 24 tuổi, xuất hiện trong trang phục người Dao Thanh Y tạo được cảm tình trong giới văn chương với vẻ ngoài xinh xắn cùng sự tự tin, thân thiện.

Lý A Kiều sinh ra và lớn lên ở bản làng người Dao, xã Đạo Viện (Yên Sơn). Những truyện ngắn trong trẻo về cuộc sống, con người miền núi được miêu tả qua giọng văn đẹp, dung dị của chị có sức ám ảnh, lôi cuốn người đọc như truyện ngắn “Hòn đá vía”, “Cột cái”, “Cây vô thần”... Cũng từ những truyện ngắn đó, cô gái lần đầu “chạm ngõ” làng văn, trở thành cây bút triển vọng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lý A Kiều sinh năm 1987. Tốt nghiệp THPT, Kiều thi đỗ vào Khoa Sáng tác Lý luận Phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hiện nay, tác giả trẻ sinh sống và làm việc tại một Công ty truyền thông tại Hà Nội.

Nhà văn Lý A kiều.

Mỗi người viết thường có một vùng đất sáng tạo của mình và Lý A Kiều đã đưa văn hóa miền núi xứ Tuyên vào tác phẩm như một cách tự nhiên vốn có.

Kiều bảo, từ thơ bé mình thở bầu không khí ấy, uống mạch nguồn nước ấy, buồn vui trong không gian của bản làng thì văn chương của mình lẽ nào lại thuộc về một miền đất khác. Cho nên mỗi khi đặt bút, Kiều không bị quá nhiều tác động của ngoại cảnh mà mỗi ngọn núi, con suối, rặng cây... cứ thế tự hòa quyện rồi ngập tràn vào những trang văn.

Đọc văn Lý A Kiều viết, độc giả thực sự cảm nhận được tâm hồn của một người “từ trong viết ra” chứ không phải “trông từ ngoài mà viết vào”. Với chị, sáng tác là cơ hội để cô gái người Dao bày tỏ tình yêu với quê mẹ; viết văn là trả một “món nợ” với quê và là cuộc viễn du về cội nguồn. Vì thế, những gì Kiều viết vẫn luôn quẩn quanh nơi bản làng với phận người đa đoan. Dường như chị đã tự khoanh vùng đề tài để tĩnh tâm khám phá bề sâu vỉa tầng văn hóa dân tộc mình trong đó.

Chị tâm sự: “Những trang văn viết về miền núi như đưa tôi quay về với ngôi nhà của mình, được uống nước trong cái ấm nước ám khói mẹ đun nơi căn bếp quen thuộc. Được ngồi cheo leo trên đỉnh núi nghe gió xào xạc gọi tên mình lẫn trong thanh âm của tiếng suối reo, tiếng con chim cu cườm xanh, con chim chích chòe lửa hót từng hồi dài tha thiết. Quả thực giữa phố thị, được viết và đắm chìm trong những khoảnh khắc đó, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được là một phần của núi rừng quê hương”.

Với quan niệm “viết văn nhất định phải có sự ám ảnh. Không có sự ám ảnh sẽ không thể nào tạo ra được một tác phẩm, vì mọi cái đều trở nên hời hợt”, Lý A Kiều đã nỗ lực để tạo nên những tác phẩm mang đậm bản sắc miền rừng khiến độc giả khó rời mắt trước những trang viết thấm đẫm dư vị cảm xúc. Ở đó có yêu thương, giận hờn, hạnh phúc và cũng ngập tràn hy vọng cho những phận người, phận đời ngang trái.

Những phận người nơi bản làng

Đến nay, Lý A Kiều sở hữu trong tay 4 tập sách khá dày dặn, trong đó có 3 tập truyện ngắn miền núi “Hòn đá vía”, “Từng hạt nước rơi xuống”, “Người thêu váy”. Ở đó là câu chuyện về những con người miền núi quẩn quanh cuộc sống nơi bản làng. Mỗi câu chuyện Lý A Kiều kể là một số phận, một cảnh đời ngang trái khác nhau.

Số phận khắc nghiệt của những người phụ nữ vùng cao cũng là một trong những chủ đề gây ám ảnh trong văn của tác giả trẻ này. Từng ngày, họ lặng lẽ sống và tìm cách xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn. Sống trên những triền núi cao, người phụ nữ dân tộc thiểu số trong văn của Kiều thường gắn với nghèo khổ. Nhưng cái đói và sự lam lũ không phải là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời họ. Mà do bị trói buộc bởi định kiến và những tập tục từ bao đời, những người phụ nữ tội nghiệp ấy đã phải lặng lẽ nhìn hạnh phúc cứ thế tuột khỏi tầm tay.

Đó là Phăng trong truyện “Hoa ban đen”, hay nhân vật Vực trong truyện “Cây vô thần”... Đến với truyện ngắn “Cột cái”, ta bắt gặp nhân vật Lún - người chị cả đã phải lo toan gánh vác việc nhà, nương đồi ngay từ khi lên 10 tuổi. Lún trở thành điểm tựa, là “cột cái” của cả gia đình. Lún lam lũ: “Sáng sớm khi người bản đến nhà xin lửa về nhóm thì đã không thấy mặt Lún đâu, tối mịt, thanh niên í ới gọi nhau đi chơi tối cô mới từ trên nương về”. Lún đã phải hy sinh hạnh phúc, tình yêu đầu đời của mình để vun vén chuyện chồng con cho các em gái. Khi phá (bố) ốm, Lún một mình tất tả ngược xuôi, khước từ mọi mối quan hệ yêu đương. Chỉ khi một mình trong đêm tối, cảm giác xót xa cho thân phận đàn bà, Lún đã cố vùng vẫy thoát khỏi những luật tục trói buộc mình. Kết thúc truyện là hình ảnh cô gái trẻ vùng lên “tay cầm con dao đang chém từng nhát một lên giữa cây cột cũ ngâm dưới lòng suối…”. Lún đã tự mình cởi trói để tìm đến bến bờ hạnh phúc riêng.

Những tập truyện ngắn của nữ nhà văn trẻ Lý A Kiều.

 

Trong bức tranh của những phận người yếu thế, nghèo khổ, Lý A Kiều tập trung khai thác chiều sâu nội tâm của nhân vật. Với cách kể chuyện tự nhiên, gần gũi, chân thực, truyện ngắn “Hòn đá vía” đã đưa người đọc đến những cung bậc của sự xót xa, bi thương, khắc khoải và day dứt, đắng đót.

Thế nhưng tất cả những yếu tố ấy không làm nên sự bi lụy, đau thương mà dường như nó lại càng làm đầy đặn thêm tình yêu thương đan xen với sự thấu cảm, bao dung dấy lên mạnh mẽ trong lòng người.

Nhân vật Săn Lùng sinh ra trong gia đình người Mông nghèo khó, đông con, quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc. Ngày ngày ăn đói, mặc rét, Lùng đã ước ao vượt qua ngọn núi bản Vìa để thấy tận mắt cái “ô tô” và “màn tuyn”, xem nó có ăn được, vị ngọt đến thế nào. Cậu bé nhỏ lầm lỳ ấy đã tìm mọi cách để được gia đình người Dao Tuyên Quang nhận về nuôi. Săn Lùng được đổi tên là Nhật Minh, được ăn ngon, mặc đẹp. Lớn lên Lùng trở lại bản thăm gia đình thì chỉ còn là những kỷ niệm.

Tác giả đã khắc họa nhân vật thông qua diễn biến nội tâm một cách tài tình. Hình ảnh hòn đá vía của gia đình Săn Lùng cùng những dấu gạch trên đó để đếm số tuổi và để giữ vía những người con đi xa biết tìm đường trở về. Tất cả đã trở thành nỗi ám ảnh để những người như Săn Lùng không thể nào quên được nguồn cội.

Đọc văn Lý A Kiều, ta luôn thấy ở đó những cách tiếp cận riêng vào các giá trị nguồn cội, bản sắc văn hóa hiện tồn của dân tộc, thấy ở đó cả những phận người, bản làng trước sự biến động của xã hội đương đại.

Lý A Kiều tâm đắc với một câu nói, “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Quả vậy, sau bao năm, nữ nhà văn vẫn là người thủy chung với tình yêu bản làng, hướng ngòi bút đến phận người nhỏ bé nơi miền núi. Để từ đó dẫn dắt người đọc đến với những trang văn nhẹ nhàng mà sâu lắng, gieo những ý niệm về cái đẹp trong hồn người và tình quê sâu nặng.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục