Những trang văn hướng thiện

- Văn học thật sự là tác phẩm luôn hướng về chân - thiện - mỹ, hòa mình với bản sắc văn hóa dân tộc. Với Dương Đình Lộc, văn chương là thế giới tuyệt đẹp với những sắc màu riêng biệt. Ở đó có cả những sắc màu huyền bí của thế giới tâm linh hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất.

Đưa nghệ thuật chầu văn đến gần cuộc sống

Dương Đình Lộc, hội viên Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang là một cây viết khá đặc biệt trong làng văn xứ Tuyên. Anh đến với nghiệp viết một lẽ tự nhiên, những câu văn tuôn trào đọng lại cảm xúc riêng biệt, khó lẫn. Trước khi đến với văn chương, anh theo đuổi tìm hiểu khám phá nghệ thuật hát chầu văn. Hai niềm đam mê hòa quyện mang đến những tác phẩm đặc biệt phản ánh thế giới văn hóa tâm linh lịch sử.

Năm 2013, ấn phẩm Những bài hát văn chọn lọc của Dương Đình Lộc do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành. Trải qua gần chục năm đến nay tác phẩm lan tỏa bởi ý nghĩa và những giá trị riêng. Tác giả Dương Đình Lộc cho biết, hát chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Nhờ sử dụng lời ca trau chuốt, nghiêm trang và âm nhạc mang tính tâm linh mà chầu văn được coi là hình thức âm nhạc mang ý nghĩa thần thánh.

Thông thường trong các bài hát chầu văn từ xa xưa, các “cung văn” sáng tác theo vần điệu của thơ lục bát hay song thất lục bát, nội dung ca ngợi cảnh đẹp của các nơi thờ phụng Mẫu Liễu hoặc các thần thánh mà tín ngưỡng mẫu Liễu tôn thờ. Những bài hát có lời hán nôm như: “Ngoại man di úy ung uy phụng trung hoa đồng mộ đức tôn nhân” (Trích đoạn văn hát về Đức thánh thần triều).

Nhà văn Dương Đình Lộc.

Với mong muốn đưa nghệ thuật hát chầu văn đến gần hơn với cuộc sống, đặc biệt là để lớp trẻ thời nay hiểu thêm về giá trị văn hóa đích thực, Dương Đình Lộc đã sáng tác những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống mới. Đó là những tác phẩm có ca từ dễ hiểu, thuần Việt sử dụng làn điệu quen thuộc. Tất cả tác phẩm đều giúp người đọc, người nghe hiểu thêm giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử ngàn năm, nét đẹp trong thế giới tâm linh kỳ bí.

“Liễu hạnh công chúa văn” với ca từ thuần Việt, tiết tấu âm nhạc giản dị từng bước đưa yếu tố tâm linh một cách tự nhiên hấp dẫn: “Tay công chúa nâng ly cung chúc/Bỗng giật mình sơ ý đánh rơi/Chén vàng chót vót đầy vơi Vua cha nghe nói phong lôi nổi đình…/Bèn nổi giận gia ban sắc chỉ/Giáng lệnh truyền cho xuống trần gian”.

Dương Đình Lộc không theo những giai điệu sẵn có đơn thuần, anh biết tạo sự nhấn nhá khi khéo léo lồng ghép giai điệu dân ca quen thuộc tạo ấn tượng với người nghe. Trong bài viết về “Đức ông Trần Triều Văn”, tác giả sử dụng giai điệu Dạ cổ hoài lang, dân ca Nam Bộ để thể hiện: “Bậc là bậc danh tướng, thống chế quốc công đại tài/Mà nghe chiến công lẫy lừng, tài thao lược võ nghệ vang lừng/Ôi đất thiêng Nam Thành, sinh tướng thần cứu lấy muôn dân”.

Đến nay, gia tài sáng tác bài hát chầu văn của Dương Đình Lộc là một con số không nhỏ với hàng trăm tác phẩm. Anh chia sẻ, sự độc đáo của hát văn không chỉ thể hiện ở sự trầm bổng, nhấn nhá của lối hát, ở sự ứng diễn linh hoạt có sức cuốn hút người nghe mà còn hấp dẫn ở lời ca, dẫn lối người nghe vào không gian huyền bí linh thiêng. Ở đó, con người nhập thân và cảm nhận được giá trị đạo đức, văn hóa, lịch sử cũng như tình nghĩa, ứng xử trong cuộc sống. Tất cả đều hướng con người đến điều tốt đẹp, sự bao dung, nhân hậu, đỗi đãi tử tế ở đời.

Nhân vật bước ra từ thế giới huyền bí

Dương Đình Lộc, sinh năm 1977, đam mê văn chương từ khi còn nhỏ, nghiệp viết lách đến với anh rất tự nhiên. Anh từng tâm sự: “Đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, thấy nhiều điều và tự khắc mạch văn tuôn chảy thôi!”. Bên cạnh tác phẩm mang hơi thở xã hội qua giọng văn lắt léo, cuốn hút đặc trưng thì văn chương của Dương Đình Lộc còn có những nhân vật đặc biệt. Đó là những nhân vật bước ra từ thế giới tâm linh huyền bí, câu chuyện lịch sử dân tộc.

Đến với truyện ngắn Hát chầu văn, Nguyệt cầm, Tình bạn... người đọc bước vào thế giới của những nhân vật đặc biệt. Đó là nhân vật cậu bé Thịnh trong truyện ngắn Hát chầu văn. Cậu xuất thân trong gia đình giàu có nhưng cha mẹ lại là những kẻ cường hào ác bá. Thịnh được bà nội dạy dỗ, khuyên răn, một lòng hướng thiện. Để tránh nghiệp ác do cha mẹ mình gây ra, Thịnh nương nhờ cửa mẫu, đêm ngày học hát chầu văn. Nhờ lĩnh hội tốt kiến thức của thầy, cậu học trò ấy đã thoát được bao kiếp nạn. Và tiếng hát của cậu vang xa, thức tỉnh nhân gian làm nhiều việc tốt giúp đời. Đọc truyện ngắn này của Dương Đình Lộc độc giả được sống trong không gian văn hóa của nghệ thuật hát chầu văn, một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Những ấn phẩm đã được xuất bản của Dương Đình Lộc.

Tác giả tạo được âm hưởng của loại hình hát chầu văn khi những câu văn viết ra luôn có vần có điệu. Đến với Nguyệt cầm, Dương Đình Lộc xây dựng nhân vật hướng thiện, lồng ghép những yếu tố tâm linh, tạo nên không gian nghệ thuật đặc trưng: “Tới động Hương Tích, mẹ Trật cung kính bày lên ban một quả phật thủ, 5 ông oản to, một thẻ hương loại tốt và một số tiền để công đức, khăn áo chỉnh tề cùng cháu nội thành tâm lễ Phật, cầu mọi sự tốt lành trong năm mới, rồi xin rút một quẻ thẻ”.

Năm 2020, tuyển tập kịch Bộ ba tác phẩm công thần Triều Lý do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được ấn hành tạo tiếng vang. Đây là tuyển tập kịch đầu tiên của Tuyên Quang và khi cuốn sách đến với nhà viết kịch Việt Nam như Lê Quý Hiền, Thượng Luyến thì họ đều đánh giá là “có nghề”.

Mỗi vở kịch được tác giả tái hiện nhân vật lịch sử của dân tộc một cách thành công. Qua đây có thể cảm nhận được sự say mê, am hiểu lịch sử của Dương Đình Lộc. Đến với vở kịch Mùa thu Nguyên Phi viết về Nguyên Phi Ỷ Lan, mỗi câu chữ đều phảng phất những yếu tố tâm linh đặc trưng. Vở kịch khắc họa nhân vật Nguyên Phi là người có tài đức vẹn toàn, bậc nữ lưu kỳ tài của triều Lý thông qua việc hai lần thay vua nhiếp chính, dâng kế sách giúp ổn định và phát triển đất nước. Nguyên Phi còn là người giỏi chữ nghĩa, hiểu sâu tôn chỉ của Đạo Phật, một lòng hướng thiện, lo cho an nguy của bách tính.

Vở kịch Hoa Hướng Dương là một trong những vở kịch được đầu tư kỳ công của Dương Đình Lộc. Vở diễn có 6 cảnh tái hiện lại một phần cuộc đời của vị công thần Lê Văn Thịnh. Một người tài ba, lỗi lạc, uyên bác, chính trực nhưng bị kẻ xấu hãm hại vướng vào án oan trong việc hóa hổ mưu phản giết vua ở hồ Dâm Đầm (Hồ Tây, Hà Nội ngày nay). Tác giả tạo không gian, chi tiết đầy sự ly kỳ của thế giới ảo - thực lẫn lộn, khắc họa nỗi đau đớn, hàm oan của một vị công thần suốt cuộc đời vì dân vì nước.

Có thể nói, văn chương và văn hóa tâm linh lịch sử có mối quan hệ khăng khít trong bất cứ nền văn học của dân tộc nào. Đến với những tác phẩm của Dương Đình Lộc người đọc được bước chân vào một thế giới đặc biệt, ở đó luôn tồn tại ranh giới thiện - ác. Thế nhưng trong mỗi tác phẩm đó, dù nhân vật có trải qua những dâu bể cuộc đời, thế giới của những điều thiện lành vẫn lấp lánh tỏa ra vầng hào quang, đưa con người đến điều tốt đẹp.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục