Tháng 7 Vu lan báo hiếu, ca khúc Bông hồng cài áo (lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc của Phạm Thế Mỹ) trữ tình vang lên như lời nhắn nhủ thiết tha về cách thể hiện tình yêu với các đấng sinh thành: Mỗi người hãy thương mẹ khi có mẹ, còn mẹ. Yêu thương đừng để trong lòng, hãy nói ra khi chúng ta còn cơ hội. Không phải chỉ đến ngày của mẹ chúng ta mới dành cho mẹ một sự quan tâm, một lời yêu thương từ trái tim mình mà hãy yêu mẹ mỗi ngày, kẻo một mai, khi người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa...
Hình ảnh người mẹ nói riêng, rộng hơn nữa là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiếp tục được phát triển, tô đậm hơn, trữ tình hơn qua các ca khúc Mẹ tôi của Trần Tiến, Mẹ yêu của Phương Uyên, Nhật ký của mẹ của Nguyễn Văn Chung, Lời ru cho con của Xuân Phương, Tình mẹ của Nguyễn Nhất Huy, Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn, Người mẹ của tôi của Xuân Hồng, Mẹ Việt Nam Anh hùng của An Thuyên, Gánh mẹ của Quách Beam...
Ca khúc Mẹ tôi của nhạc sỹ Trần Tiến từng gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã thể hiện ca khúc này thành công như Tùng Dương, Võ Hạ Trâm, Đồng Lan... Nhưng chỉ đến khi chất giọng mộc mạc, da diết của An Nhiên cất lên: “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ” người nghe bỗng ứa nước mắt, thổn thức trước giọng ca đầy cảm xúc, cách xử lý ca khúc rung động lòng người của An Nhiên... Ai đó từng có một câu nói thật hay rằng: “Mẹ có thể thay thế tất cả, nhưng không ai có thể thay thế được mẹ”. Khi ta chợt nhận ra đôi chân mẹ đã dần chậm chạp, mọi hành động của mẹ đã dần trở nên khó khăn hơn, khi ấy ta mới cuống quýt, hoảng hốt nhận ra rằng ngày đẹp đẽ nhất trên đời là những ngày ngắn ngủi ta có mẹ, còn mẹ. Tiếng gọi mẹ xót xa, đầy hối tiếc về quãng thời gian con mải miết bươn chải mưu sinh đã không chăm sóc mẹ được chu toàn, khiến lời ca càng thêm day dứt, khắc khoải: “Trèo lên dãy núi thiên thai ối a, mẹ tôi về đâu? Ngàn năm mây trắng bay theo ối a, mẹ ơi, mẹ về đâu?”.
“Không phải lúc nào bạn cũng nhận được sự giúp đỡ trong cuộc sống. Đó là lý do vì sao Thượng đế tạo ra người mẹ”. Bài hát Mẹ yêu của nhạc sỹ Phương Uyên với những nốt nhạc chứa chan cảm xúc đã chạm đến trái tim người nghe. Một người mẹ thầm lặng hy sinh cả cuộc đời mình là điểm tựa vững chắc cho con trong mỗi chặng đường đời, mong con luôn bình an, hạnh phúc, có cuộc sống tốt đẹp: “Luôn bên con, khuyên răn con nên người. Mẹ yêu thương con hơn yêu cuộc sống. Mong cho con luôn luôn yêu đời, sống vui tươi”…
Bài hát Nhật ký của mẹ, nhạc của Nguyễn Văn Chung, với ca từ giản dị, giai điệu nhẹ nhàng và sự thể hiện đầy cảm xúc của ca sỹ Hiền Thục từng làm tan chảy những trái tim yêu nhạc: “Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa. Lòng mẹ chợt nhớ con vô bờ. Chúc con yêu được hạnh phúc, mãi bình an …”. Năm 2013, Nhật ký của mẹ được đề cử cho hạng mục Bài hát của năm ở những giải thưởng âm nhạc uy tín như Bài hát yêu thích, Cống hiến, Làn sóng xanh, Zing music Award, Mai vàng… Sức lan tỏa rộng lớn của ca khúc giúp nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung và ca sỹ Hiền Thục đạt được nhiều thành tích cũng như sự yêu mến của khán giả. Mẹ, Huyền thoại Mẹ, Người Mẹ của tôi, Mẹ Việt Nam Anh hùng... những khúc hát không chỉ ngợi ca về người mẹ, tình mẫu tử thuần tuý mà sau mỗi bài hát là biểu tượng Tổ quốc thiêng liêng. Mẹ - quê hương, ngợi ca và tri ân những người mẹ đôn hậu, quả cảm đã hiến dâng những người con thân yêu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Mẹ, những giai điệu đẹp nhất, những lời ca hay nhất, được viết nên với những tình cảm tự hào, thân thương nhất, là những lời ca về mẹ. Đóa hồng mùa Vu lan, xin được cúi đầu tri ân mẹ, người luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim mỗi người: “Hãy nói lời yêu thương khi cha mẹ bạn còn nghe thấy được”....
Gửi phản hồi
In bài viết