Về làng

- Nhà thơ Ngọc Hiệp, sinh năm 1943 ở tỉnh Thái Bình. Năm 1965, ông lên Tuyên Quang công tác ở ngành nông nghiệp, rồi sau đó chuyển sang Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Tuyên Quang. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp đại học báo chí, ông về công tác tại Đài Phát thanh Hà Tuyên. Năm 1987, ông trở lại ngành Văn hóa công tác, giữ cương vị trưởng phòng nghiệp vụ, rồi trưởng phòng Tổng hợp của ngành Văn hóa cho đến khi ông nghỉ hưu, năm 2002.

     Nghỉ hưu về với núi rừng
Mặc ai cao ốc phố phường, mặc ai
     Ta về mỗi sớm ban mai
Nghe chim ríu rít hót ngoài bờ tre
 
     Sớm ra bờ dậu hái chè
Pha bình nước đón bạn bè đến chơi
     Chuyện vui dưới đất trên trời
Nhìn nhau thân mến, tiếng cười giòn vang
      Thảnh thơi về sống với làng
Lòng người chân thật, nhẹ nhàng với nhau
     Ngắm đàn gà, ngắm vườn rau
Hoa thơm, quả ngọt tươi màu quanh năm
 
     Đời vui như hội đêm rằm
Truyền hình, báo chí vẫn chăm xem đều
     Làng quê yên ả sớm chiều
Tâm hồn tĩnh lặng, thêm yêu cuộc đời. 

                                    NGỌC HIỆP
Bài thơ “Về làng” của ông như nét điểm xuyết của một bức tranh quê hiền hòa, êm ả mà ở đó, tác giả vui với niềm vui thư nhàn của mình, tiêu dao, tự tại: “Nghỉ hưu về với núi rừng/Mặc ai cao ốc phố phường, mặc ai/Ta về mỗi sớm ban mai/Nghe chim ríu rít hót ngoài bờ tre”. Xa rồi nhịp sống hối hả, bận bịu của những ngày còn công tác, tác giả vui vẻ mở lòng đón nhận mọi cung bậc cảm xúc của một ngày mới, những thanh âm bình yên, trong trẻo của cuộc sống: “Ta về mỗi sớm ban mai/Nghe chim ríu rít hót ngoài bờ tre”.

Gác lại sau lưng hành trình phấn đấu mưu sinh của tuổi trẻ, tác giả đưa người đọc vào không gian sống dạt dào ô xy, thư nhàn, thảnh thơi với niềm vui của một người đã buông hết chấp niệm, buông hết mọi hơn thua được mất ở đời, nguồn vui bây giờ là nguồn vui của một người “thanh thản như đã cày xong thửa ruộng”, trở về với cuộc sống sinh hoạt thường nhật giản dị, bình yên: “Sớm ra bờ dậu hái chè/Pha bình nước đón bạn bè đến chơi/Chuyện vui dưới đất trên trời/Nhìn nhau khoái cảm, tiếng cười giòn vang”…

Với thể thơ lục bát trữ tình, tác giả Ngọc Hiệp đã lan tỏa xúc cảm mộc mạc, chân thành, thú vui điền viên của mình đến với người đọc: “Thảnh thơi về sống với làng/Lòng người chân thật, nhẹ nhàng với nhau/Ngắm đàn gà, ngắm vườn rau/Hoa thơm, quả ngọt tươi màu quanh năm”. Bức tranh thiên nhiên ấy, không chỉ thanh bình, mà quan trọng hơn cả, nơi ấy lòng người “chân thật, nhẹ nhàng với nhau”. Khi tâm trạng tốt, khi con người đã mở lòng náo nức đón nhận mọi vang động của cuộc sống thì cảnh sắc, thanh âm, không gian xung quanh… qua góc nhìn tích cực cũng sẽ ngời lên những năng lượng tích cực tương tự.  

Hòa mình về giữa thiên nhiên, mùa nào thức nấy với tiếng chim ríu ran trong trẻo buổi ban mai, với ấm trà sáng và niềm vui quây quần bên những người bạn, với “hoa thơm quả ngọt tươi màu quanh năm”… cái khoảng trời bình yên, nhưng diệu kỳ ấy đã dưỡng nuôi tâm hồn, cảm xúc tạo nên tâm thế thư thái, viên mãn của tác giả… Với nhịp thơ 2 - 2, đều đều, chậm rãi, mỗi câu thơ đọc lên cũng giúp người đọc như cảm nhận được nhịp sống thong dong, đầy hứng khởi của tác giả “Đời vui như hội đêm rằm/Truyền hình, báo chí vẫn chăm xem đều/Làng quê yên ả sớm chiều/Tâm hồn tĩnh lặng, thêm yêu cuộc đời”…

Đọc “Về làng” của Ngọc Hiệp, người đọc luôn nhớ về một nhà thơ mộc mạc, chân thành với mạch thơ sâu lắng, giàu cảm xúc. 

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục