Những ai đã từng được sinh ra, lớn lên ở miền núi, chắc hẳn đều biết về quả trám, biết vị chan chát và béo bùi đặc trưng của thứ quả quê dân dã này.
Hồi còn bé, mỗi độ thu sang tôi lại thấy cây trám trắng rất to ở góc vườn nhà bà ngoại rung rinh những chùm quả màu nắng. Không biết cây trám nhà ngoại được trồng từ bao giờ, nhưng cứ vào khoảng đầu hạ lại trổ hoa và đậu quả để đến khi chuyển mùa sang thu từng chùm quả nhọn ở hai đầu hình con thoi thi nhau chuyển màu thay sắc. Ban đầu quả có màu xanh đến khi trám chín thì từ từ chuyển sang màu vàng nhạt.
Cây trám nhà bà ngoại tôi năm nào cũng sai quả, đủ để cả xóm cùng chia nhau dùng làm thức ăn thời còn nghèo khó. Vào mùa trám chín, cứ sáng sớm tinh mơ chị em tôi lại rủ nhau ra nhà ngoại nhặt trám rụng. Những đêm mưa giông, gió giật, sáng ra quả trám rụng đầy gốc, đầy vườn, ngỡ như nhặt mãi không hết. Mỗi hôm nhặt trám về, bà ngoại thường để lại một ít nhà dùng, còn lại bà bảo đem chia cho những nhà trong xóm.
Hồi ấy, mỗi lần ra nhà bà ngoại nhặt trám sau những đêm mưa giông tôi thường dắt ngoại ra vườn cùng nhặt trám và rất thích thú “thi” với ngoại xem ai nhặt được nhiều hơn. Tất nhiên lần nào tôi cũng thắng, vì bà ngoại tôi bị lòa do bệnh thiên đầu thống. Tuy mắt không còn nhìn thấy gì nhưng với một cây gậy trong tay bà vẫn tự đi lại trong nhà, ra vườn và vẫn làm được nhiều việc như: thái chuối, giã gạo, phơi thóc, giặt quần áo… Bởi ngoại đã có mấy chục năm chăm sóc cây cối trong vườn, chăm sóc con cháu, dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc trong nhà nên ngoại thuộc mọi thứ như lòng bàn tay. Ngày đó, nào tôi đã biết gì đâu, nên cứ mỗi lần nhặt trám thắng ngoại là tôi sung sướng vô cùng.
Hồi ấy trám là thức ăn khá phổ biến của những gia đình thôn quê nghèo. Thế nên, từ những quả trám ngoại và mẹ tôi chế biến thành rất nhiều món ăn ngon: Trám muối, trám ỏm, trám kho thịt hay kho cá. Nhất là món trám ngoại muối ăn rất ngon. Trám muối có thể ăn chơi, hoặc ăn với cơm, nó vừa có vị mặn đặm đà của muối lại vừa có vị chua nhè nhẹ hòa lẫn trong vị ngọt, bùi thơm thảo. Ai đã ăn một lần thì sẽ nhớ mãi chẳng quên.
Tuổi thơ của chúng tôi không có những đồ ăn vặt hay đồ chơi như bây giờ, nên mỗi lần ăn trám hoặc chế biến các món ăn từ trám bà ngoại hay giữ lại hạt dành cho bọn trẻ chúng tôi. Hạt trám cũng hình thoi nhọn ở hai đầu như quả. Chúng tôi lấy dao chặt ngang giữa hạt trám rồi dùng kim băng hay gai bồ kết nhể (khêu) lấy nhân bỏ vào miệng nhai chầm chậm và tận hưởng thành quả ngọt ngào. Ăn nhân xong là đến màn thi nhau lấy hai phần hạt trám cắm đầu nhọn của hạt trám xuống nền đất, rồi dùng gạch hay đá đóng xuống với đủ các hình mà lũ trẻ chúng tôi nghĩ ra để cùng nhau vui chơi...
Những mùa trám như thế đã đi qua và theo tôi cả một thời thơ bé. Rồi, tôi lớn lên, vào đại học, thời gian bên ngoại cứ ít dần. Nhưng cây trám nơi góc vườn nhà ngoại cứ neo đậu trong hồn tôi suốt những tháng năm dặc dài sau này, như thể một mảnh hồn quê chẳng thể nào phôi pha.
Người ta hay nhớ món cà, món tương khi gợi nhắc quê nhà, nhưng với tôi, món trám mới đậm đà và gây thương nhớ nhất. Mỗi lần chạm cái vị thơm chan chát lại vừa béo ngậy của quả trám, tôi lại rưng rưng nhớ quê, nhớ ngoại.
Bà ngoại của tôi đi xa đã lâu. Cây trám nhà ngoại giờ cũng không còn nữa. Tôi đứng tần ngần nhìn những đống trám hanh vàng giữa chợ, chợt nhớ khắc khoải những mùa trám xưa, như vẫn phảng phất đâu đây hương vị tuổi thơ…
Gửi phản hồi
In bài viết