Du lịch xứ Tuyên qua những trang bút ký

- Thời gian qua, Tuyên Quang đang từng bước khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam bằng một trong những con đường mềm mại mà hiệu quả: văn chương. Qua những bài bút ký thấm đẫm hồn quê, du lịch xứ Tuyên hiện lên sống động, sâu lắng đầy cảm hứng, mở ra một hành trình khám phá mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa.

Khi văn chương dẫn lối cho bước chân khám phá

Giữa thời đại truyền thông số, nơi những lời giới thiệu bóng bẩy có thể dễ dàng đánh lừa cảm xúc người xem, thì bút ký văn học báo chí lại mang một giá trị riêng biệt: chân thực, nhân văn và lay động. Đó không chỉ là những ghi chép, mà còn là chất liệu truyền cảm hứng mạnh mẽ cho ngành du lịch. Mỗi trang viết như một bản nhạc nhẹ nhàng khơi gợi trí tò mò, gieo vào lòng độc giả khao khát được bước đi trên chính miền đất ấy. Bút ký không phô trương, nhưng đủ sức thuyết phục để chuyển hóa bạn đọc thành du khách, đó là sức mạnh đích thực của truyền thông mềm.

Nét sinh hoạt văn hóa bản địa tại Lâm Bình được khắc họa sinh động qua những trang viết.

Du lịch xứ Tuyên lặng lẽ quyến rũ du khách qua những trang bút ký thấm đẫm hơi thở đất trời, con người, văn hóa. Những con chữ điềm đạm mà lay động, chắt lọc tinh túy từ nếp nhà sàn, cánh rừng, bếp lửa, điệu Then  đang tạo nên một dòng chảy mới: du lịch cảm xúc, du lịch có chiều sâu ký ức. Những bút ký như “Bóng cờ năm ấy làng Dùm hôm nay”, “Lên Chiêm Hóa nghe hát Then, đàn Tính”, “Bản Bung giữa đại ngàn” (Lê Na), Về miền cổ tích (Đỗ Anh Mỹ), “Sông Lô, dòng chảy văn hóa”, “Tân Trào, nơi nhớ để trở lại”, “Nông Tiến làng hoa” (Cao Xuân Thái); Bút ký “Qua dốc Cai Kèn” (Ngọc Hiệp) và mới đây nhất là tập bút ký “Miền rừng thổ cẩm” của tác giả Lê Thu là những minh chứng điển hình.

Các tác phẩm đã mở ra không gian văn hóa sống động của xứ Tuyên, dẫn dắt người đọc tìm về “hồn Then” giữa đại ngàn, tiếng khung cửi dệt thổ cẩm, những mái nhà sàn e ấp bên rừng, cảnh sắc nên thơ bên dòng Lô, đời sống lao động bình dị và những câu chuyện đời thường chan chứa yêu thương giữa con người với thiên nhiên.

Không ít du khách đã chọn điểm đến sau khi đọc một bài ký, không phải vì nơi ấy “hot”, mà vì thấy thôi thúc trong mình lời gọi mời qua những trang viết mộc mạc, chân thành. Xứ Tuyên, nhờ thế, không chỉ được giới thiệu như một điểm đến, mà là một miền đất có linh hồn, có chiều sâu và có một bản sắc cần được khám phá bằng trái tim.

Tạo chất riêng cho du lịch địa phương 

Trong thời đại công nghệ số, khi mọi nơi đều có thể trở thành điểm đến, thì điều làm nên sự khác biệt là chiều sâu văn hóa và câu chuyện kể. Tuyên Quang nếu chỉ có cảnh đẹp thì vẫn dễ bị lẫn vào số đông, nhưng khi những bút ký khai thác đời sống của đồng bào, các tích xưa, huyền thoại địa phương thì lại tạo nên sự “hiện diện” độc đáo trong tâm trí người đọc. Mỗi bài ký chính là một nhịp cầu, nối truyền thống với hiện đại, vùng cao với đồng bằng, lịch sử với tương lai.

Đọc Lên Chiêm Hóa nghe hát Then, đàn Tính của Lê Na, người ta như nghe được tiếng lòng của những ai yêu nét văn hóa cổ truyền. Nhịp đàn Tính lặng lẽ mà thăm thẳm hiện lên không phải bằng câu chữ khoa trương, mà bằng tình yêu thật thà, nơi vẫn giữ trọn vẹn âm sắc Then cổ. Lê Na không chỉ kể lại câu chuyện văn hóa, anh mở ra một không gian sống, nơi bản sắc dân tộc không bị đóng khung trong bảo tàng, mà sống động giữa đời thường, trong từng buổi sinh hoạt cộng đồng, những lớp truyền dạy văn hóa dân gian của nghệ nhân Hà Thuấn, cố nghệ nhân Hà Phan.

Tập bút ký Miền rừng thổ cẩm

Và như một thông điệp, Lê Na gửi đến những người làm du lịch: muốn đi xa, hãy bắt đầu từ gốc rễ, từ những điều tưởng như nhỏ bé nhưng chính là cốt lõi của bản sắc. Tác phẩm là bài học sống động về cách làm du lịch từ văn hóa, bằng văn hóa và vì văn hóa.
Tác phẩm Về miền cổ tích của Đỗ Anh Mỹ đưa người đọc vào một hành trình khám phá vùng đất Na Hang, nơi thiên nhiên hùng vĩ quyện hòa cùng huyền thoại dân gian, tạo nên một không gian đậm chất sử thi. Tác giả không chỉ ghi chép bằng ngôn từ, mà như đang vẽ lại bằng cảm xúc, khiến mỗi trang viết là một bức tranh sống động về miền non cao, thổi hồn vào những địa danh thân thuộc: Lăng Can, Thượng Lâm…

Đây không chỉ là điểm đến địa lý, mà là không gian văn hóa giàu tầng nghĩa, nơi những câu chuyện tình yêu huyền thoại khiến du khách say lòng. Văn chương ở đây đã trở thành chất dẫn, nhẹ nhàng đưa du khách từ sự tò mò tới hành trình trải nghiệm thật sự, không chỉ thưởng ngoạn cảnh quan, du khách còn được sống, ăn, ở và tham gia vào các hoạt động thường nhật cùng người dân bản địa. Có thể thấy, sự trở lại của văn ký trong báo chí hiện đại không chỉ là xu hướng, mà còn là cơ hội để lan tỏa giá trị địa phương một cách bền vững.

Không chỉ riêng Lê Na, Đỗ Anh Mỹ, Ngọc Hiệp, Lê Thu… còn có nhiều văn nghệ sĩ thầm lặng góp phần quảng bá văn hóa Tuyên Quang bằng tài năng và tình yêu quê hương tha thiết. Những tác phẩm truyện và ký của Đinh Công Diệp, Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Đình Lãm, Hồng Giang, Lương Ky, Triệu Đăng Khoa, Dương Đình Lộc; các tác phẩm sân khấu của TS Vũ Phan; Xuân Đặng, Đỗ Giảng; Mỹ thuật của Văn Làn, Mai Hùng, Mạnh Đức, Công Mỹ; những giai điệu đậm âm hưởng dân tộc của nhạc sĩ Trần Công Khanh, Tân Điều, Tăng Thình, Quang Thành, Trần Ngoan; những tác phẩm Nhiếp ảnh của cố nghệ sỹ Hải Hà, Hồ Thăng; những trang thơ giàu cảm xúc của Mai Liễu, Gia Dũng, Đoàn Thị Ký, Cao Xuân Thái, Đinh Công Thủy, Tạ Bá Hương, Nguyễn Bình, Trần Khoái, Thèn Hương… đều là những “nhịp cầu mềm” đưa du khách đến gần hơn với vùng đất này.

Từ âm nhạc đến văn học, từ hội họa đến nhiếp ảnh, văn hóa các dân tộc Tuyên Quang đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận. Mỗi tác phẩm là một cách kể chuyện riêng, nhưng cùng hướng đến một mục tiêu chung: khẳng định bản sắc và nâng cao giá trị vùng đất. Đó cũng là tiền đề để tỉnh xây dựng chiến lược thương hiệu du lịch dài hạn, không chỉ bằng slogan, mà bằng nội dung chất lượng, bằng cảm xúc chân thành và góc nhìn sâu sắc từ người trong cuộc.

Khi những bài bút ký không chỉ ghi chép hành trình mà thắp lên tình yêu, khi văn học không chỉ để thưởng thức mà còn dẫn dắt bước chân người lữ khách, ấy là lúc du lịch tìm thấy linh hồn của mình. Du lịch Tuyên Quang qua những trang bút ký đang dần trở thành một “dòng chảy văn hóa” mang tính bản sắc, bền vững và lan tỏa.

Từ miền rừng thổ cẩm đến tiếng đàn Then ngân xa, từ Na Hang huyền thoại đến những nụ cười bản địa, mỗi trang viết là một nhịp cầu nối liền cảm xúc, kéo gần khoảng cách giữa người kể chuyện và người muốn lắng nghe. Trong một thế giới đang quay cuồng với công nghệ và tốc độ, chính những trang văn mang màu đất, hương rừng và tiếng lòng chân thật lại là “tấm vé” quý giá để đưa Tuyên Quang đi xa, bằng sự đồng cảm, bằng ký ức, bằng khát khao khám phá chưa bao giờ tắt trong lòng người yêu quê hương.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục