Tôi sinh ra lớn lên ở mảnh đất vùng cao - vùng đất nghèo bởi biết bao khó khăn, trắc trở nơi núi cao, rừng sâu. Cuộc sống của chúng tôi dưới góc nhìn của trẻ em thành thị dường như là một thế giới khác, lạ lẫm và khắc nghiệt. Nhưng chúng tôi lại thấy hạnh phúc và may mắn. Bởi mỗi đứa trẻ được sinh ra, dù ở bất cứ nơi nào cũng đều là một món quà quý giá mà tạo hóa ban tặng cho cuộc sống. Đón nhận món quà thiên nhiên khắc nghiệt của vùng cao, lũ trẻ nghèo đã tự tìm cho mình lối sống riêng, để hưởng trọn vẹn, đầy đủ khoảnh khắc đẹp của cuộc sống chỉ có núi, sông, cây cỏ và vỏn vẹn vài nóc nhà.
Mùa đông đến, lũ trẻ tự đốt những đống lửa to đùng thay cho những tấm áo ấm tránh rét. Bởi chiếc áo ấm là món quà xa xỉ mà bọn trẻ chỉ mặc khi đến trường. Về nhà, chưa kịp cất gọn cặp sách, lũ trẻ đã hò nhau đi chơi. Trò chơi ngày đông của bọn trẻ đều diễn ra quanh đống lửa được đốt bởi vài gốc củi to người lớn để sẵn. Chỉ cần vài chiếc lá khô cộng với ít vỏ chấu, lá mía... là chúng có đống lửa to đùng sưởi ấm cả mùa đông. Da đứa nào đứa đấy nứt nẻ. Bàn chân đầy những vết nứt chằng chịt, rớm máu có lẽ là đặc sản của người vùng cao. Gia đình nào cũng thế, đứa lớn dắt đứa bé, thò lò mũi xanh vẫn dìu nhau lớn lên bởi những củ khoai, củ sắn đen nhẻm nướng trong đống lửa ấy. Ăn xong, mặt mũi đứa nào cũng lấm lem nhưng đổi lại là cái bụng căng tròn và những tiếng cười rộn vang cả núi rừng. Người lớn nghe tiếng cười đùa của bọn trẻ đến biết chúng đang chơi ở đâu. Và đến giờ ăn cơm, các bà, các mẹ lại réo to tên từng đứa. Thanh âm cuộc sống nơi núi rừng vì thế mà luôn nhộn nhịp.
Đông đến, niềm vui của bọn trẻ còn là được đón đoàn tình nguyện đến tặng quà. Đứa nào cũng háo hức chờ được tặng chiếc cặp sách mới, chiếc áo ấm... Hoặc đơn giản, bọn chúng háo hức vì làng quê hôm nay đông vui, nhộn nhịp, khác hẳn không khí thường ngày. Chúng đến xem người dưới xuôi với ánh mắt lạ lẫm. Bọn chúng chỉ chỏ rồi túm tụm vào xem một chiếc ô tô mới về làng, có đứa rón rén để được sờ vào chiếc xe ấy. Được tặng quà, chúng bẽn lẽn, xấu hổ... Có đứa nép sau lưng bà, lưng mẹ rồi chạy tót về nhà. Niềm vui của bọn trẻ là thế, còn người lớn thì mong chờ đoàn tình nguyện còn bởi những chai nước mắm, túi mỳ chính, dầu ăn...
Giờ cuộc sống người vùng cao đã ngày một đủ đầy hơn. Bọn trẻ có nhiều hơn những trò chơi với chiếc điện thoại Smart phone hay nhiều thứ đồ chơi khác. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền giờ cũng không còn là duy nhất. Song, dù cuộc sống có thay đổi nhưng có những điều không bao giờ thay đổi, đó là cái tình của người vùng cao. Để đến giờ, chỉ nghe một tiếng hỏi đường của ai đó, tôi lại nhớ nếu ở vùng cao, hỏi đến ai họ có thể đọc ra cả gốc gác, dòng tộc rồi vui vẻ dẫn đến tận nhà. Nghe một tiếng gọi tên từ phía xa, tôi cũng bất giác quay lại, cứ ngỡ tiếng gọi về ăn cơm của người mẹ thời thơ bé... Thật ấm lòng biết bao.
Gửi phản hồi
In bài viết