Thương hoài những vòng xe…

- Người ta bảo, con gái là người tình kiếp trước của cha. Có lẽ vì thế mà tôi được cha chiều chuộng từ nhỏ. Đi đâu cha cũng cho tôi đi cùng. Tôi nhớ nhất là những ngày hè, cha thường chở tôi bằng chiếc xe đạp đi thả diều. Trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ, sờn màu ấy, tôi vẫn cảm thấy hãnh diện với bọn trẻ trong xóm. Cũng chẳng biết vì sao? Có lẽ vì nhận ra một chút hờn ghen trong ánh mắt của bọn chúng chăng? Để đến giờ, khi nhớ lại những buổi chiều hè nhõng nhẽo ngồi sau xe cha khiến tôi chẳng thể nào quên.

Tôi lên lớp 2 thì cha dạy tôi đi xe đạp. Chiếc xe đạp đi mới khó làm sao. Cứ được chân thì tôi lại mất lái. Mắt cứ cắm xuống lốp xe. Trời oi bức đến ngột ngạt nhưng chưa bao giờ tôi thấy cha nổi cáu vì sự ngờ nghệch của mình. Đổi lại, là ánh mắt đầy xót xa mỗi lần tôi bị ngã xe. Còn tôi, vẫn hồn nhiên vô tư nhìn cha gạt vội những giọt mồ hôi vã ra vì chạy theo sau xe.

Lớn lên chút, tôi bắt đầu biết học đòi, cho bằng bạn bằng bè. Tôi thấy đứa bạn gái trong lớp đi chiếc xe mi ni màu đỏ mà thèm thuồng. Trông nó mới duyên dáng, thướt tha làm sao. Còn tôi, thật quê mùa với chiếc xe cũ kỹ, thô kệch. Tối đó về nhà tôi ăn cơm nhanh rồi đi ngủ sớm. Như đọc được dòng suy nghĩ của tôi, cha vỗ về động viên: Đợi mấy bữa nữa, mẹ bán đàn lợn, mua cho con chiếc xe mới. Tôi ôm chặt cổ cha vì vui sướng mà không nhận ra một nỗi lo âu thoáng xuất hiện trên gương mặt cha. Mấy ngày sau, tôi có chiếc xe đạp mới. Đàn lợn vẫn chưa bán vì không có người mua. Nhưng chiếc radio và đồng hồ treo tường cha vẫn yêu thích thì không còn nữa.

Chiếc xe ấy cũng theo tôi những ngày đầu vào đại học. Thành phố đông đúc, khác hẳn quê tôi nhưng tôi vẫn có thói quen tiện đâu để xe đó. Hôm ấy, tôi dựng xe  chạy vào cửa hàng sách. Một hồi quay ra, chiếc xe không cánh mà bay. Tôi tá hóa tìm khắp nơi rồi khóc. Mọi người an ủi: Ở đây trộm như rươi, lần sau cẩn thận hơn cháu nhé. Làm gì có lần sau nữa. Vừa gạt nước mắt, tôi vừa chạy ra cây gọi điện cho cha. Đợi tôi thút thít xong, cha bảo: Con gái cha thành thiếu nữ rồi mà vẫn khóc như trẻ con vậy. Thôi, đợi ít bữa nữa cha mua chiếc xe mới cho. Cha chưa kịp cúp máy thì tôi nghe giọng mẹ vang lên trong điện thoại: Ông cứ chiều nó. Nhà mình còn gì để bán nữa không? Chiếc radio và đồng hồ là kỷ vật thời lính ông cũng bán rồi, ông tính lấy gì để bán nữa?

Tôi cúp điện thoại. Hôm sau là thứ Bảy, tôi liền bắt xe về quê. Cha đón tôi rồi xoa đầu? Con gái ngốc, đi có mấy ngày đã nhớ nhà rồi sao? Tôi nắm tay cha rồi kéo vào góc nhà, nơi có chiếc xe đạp cũ vẫn cất ở đó. Cha ngạc nhiên nhìn tôi rồi nói: Không phải con định mang chiếc xe này xuống trường chứ! Tôi gật đầu rồi bảo, cha ơi, chiếc xe này giờ ở thành phố là mốt đấy. Con sẽ mang nó xuống trường. Con không thích xe mi ni Nhật nữa đâu.

Dù lúc ấy tôi không biết cha tin tôi hay bởi cha tự hào vì hình như tôi đã trưởng thành nên gật đầu đồng ý. Nhưng có một điều tôi luôn chắc chắn là ánh mắt ấm áp cha nhìn tôi. Đó là ánh mắt của tình yêu vô bờ bến cha dành cho tôi, như những vòng xe đạp kia, cứ chầm chậm quay mãi.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục