Từ con cá giống bé bằng ngón tay út, người Mông đem thả vào nương lúa ngay sau khi cấy xong, vào tầm tháng 6. Người Mông để con cá chép cho đất trời nuôi dưỡng. Sau 3 tháng, khi lúa chín cũng là lúc cá chép ruộng vào thời sung mãn nhất, con nào con nấy tròn lẳn. Cá chép lúc đó chỉ bằng hai ngón tay, dài không quá lòng bàn tay, có trọng lượng chỉ khoảng 200 đến 300 gram. Khi lúa trổ vàng trên non cao cũng là lúc cá chép ruộng vào mùa. Đó là khi vào độ tháng 9, tháng 10, thời tiết đã vào thu.
Cá chép ruộng được kẹp thanh tre tươi và nướng trên than hồng.
Anh Lò Tiến Hướng, Bí thư Đoàn xã Xuân Lập cho biết, nuôi cá chép ruộng đã trở thành nghề truyền thống lâu đời của người Mông Xuân Lập. Đây là một hình thức sản xuất xen canh, giúp tăng thu nhập và nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cách chế biến cá chép ruộng của người Mông để đem nướng khá đơn giản. Cá chép được người Mông ở Xuân Lập nuôi ở ruộng bậc thang nên không thuốc trừ sâu. Cá sau khi được bắt về thường được người Mông thả trong cái ang hoặc chậu nước sạch để làm sạch ruột cá từ 3 đến 4 ngày và người Mông phải thay nước liên tục cho đến khi nước trở nên trong vắt, cá thải sạch cặn bã trong ruột. Người Mông chỉ moi mật, còn giữ nguyên ruột cá. Sau đó, cá được kẹp vào thanh tre rồi mang nướng trên than củi cho tới khi cá chín vàng. Con cá chép ruộng tròn lẳn, chắc nịch khi nướng chín trở nên giòn tan, béo ngậy, xương rất mềm. Người Mông ở Xuân Lập thường dùng nước mẻ chưng hoặc gia vị với mắc khén, các loại rau thơm để ăn kèm với cá chép ruộng nướng.
Được cùng bà con người Mông xuống đồng bắt cá chép rồi được cùng bà con trực tiếp nướng cá, được thưởng thức hương vị thơm lừng tỏa ra từ những kẹp cá bên bếp lửa mới thấy hết được cái thú vị khi được trải nghiệm ở vùng cao.
Lên với Xuân Lập, nếu du khách được chủ nhà người Mông thiết đãi món cá chép ruộng nướng chứng tỏ du khách rất được chủ nhà quý mến. Đây cũng là món ăn bày tỏ sự hiếu khách của người Mông nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết