Để làm được những mẻ bánh chuối thơm ngon, rền bánh, người làm bánh phải rất công phu, kỹ lưỡng từ khâu chọn gạo nếp, chọn chuối. Nguyên liệu chính để làm bánh là chuối tây của địa phương vừa chín tới, không bị dập. Người làm bánh dùng dao bản to ấn nhẹ làm cho chuối dẹt đem phơi khô hoặc sấy khô. Nếu muốn chuối ngon thì phải phơi dưới nắng to và có bao phủ nilon sạch để tránh côn trùng, đảm bảo vệ sinh. Khi chuối phơi đã se lại và dẻo, người làm bánh đem giã nhỏ và trộn với bột gạo nếp để nặn thành bánh. Gạo nếp để làm bánh phải là gạo nếp nương, dẻo, thơm. Muốn bánh được dẻo, mềm, người Tày thường xay gạo nếp thành bột ướt, chứ ít khi xay thành bột khô.
Bánh chuối của người Tày tuy dân dã nhưng rất hấp dẫn.
Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh nấu nhuyễn, trộn với đường. Người phụ nữ Tày phải lên rừng tìm loại lá chuối rừng bánh tẻ, không non quá, không già quá mang về rửa sạch, lau khô, dọc ra từng miếng vuông vắn, đem hơ qua lửa cho lá chuối được mềm, dai và giữ được mùi thơm lâu. Tiếp đó, các hỗn hợp bột, nhân bánh được nặn thành từng miếng vừa phải cho vào lá chuối gói thành những miếng bánh vuông vắn.
Sau khi gói bánh xong, bánh được xếp vào nồi hấp rồi hấp trên bếp củi cho tới khi tỏa mùi thơm thì tức là bánh đã chín. Bánh chuối làm theo phương pháp này vừa có vị thơm, ngầy ngậy của nhân đỗ xanh, gạo nếp vừa có vị chua ngọt thanh của chuối làm cho người thưởng thức không có cảm giác ngấy.
Trước đây, người Tày thường làm bánh để thờ cúng và phục vụ nhu cầu trong gia đình những ngày lễ, tết nhưng nay, nhiều hộ gia đình đã biết làm món bánh này để đem bán ở các homestay, chợ đêm Na Hang phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Nếu bạn có dịp lên Na Hang hoặc Lâm Bình đừng quên thưởng thức món bánh truyền thống này của người Tày nơi đây nhén
Gửi phản hồi
In bài viết