Món bánh ngải cứu của người Tày.
Bí quyết để có một mẻ bánh ngon, trước hết phải chọn nguyên liệu tốt. Đó là loại gạo nếp nương hạt mẩy to tròn. Ngải cứu chọn lá non, bởi nếu lá già quá sẽ dai và đắng. Ngoài ra, cần có đường cát, vừng đen, sáp ong. Quan trọng nhất là khâu chế biến, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau tạo thành chiếc bánh dẻo thơm, đẹp mắt.
Gạo nếp nương được ngâm qua đêm sau đó mới cho vào chõ đồ lên thành xôi. Lá ngải nhặt rửa sạch sẽ rồi đem vào luộc với nước vôi trong (nhiều nơi thì cho lá ngải đun cùng với nước tro bếp) để giữ được màu xanh. Lá ngải chín vớt ra vắt hết nước, thái nhỏ, xao qua bằng chảo gang. Về phần nhân bánh thì vừng đen được rang chín, giã nhỏ rồi xào với đường hoặc có thể thêm lạc rang…
Công đoạn tiếp theo khá quan trọng đó là khi xôi chín thì trộn với lá ngải rồi giã nhanh tay, giã đều và thoăn thoắt để bánh được dẻo thơm. Bước nặn bánh thể hiện sự tỉ mỉ và khéo léo cùng tình cảm của người làm bánh. Các bà, các mẹ thoa một chút sáp ong vào lòng bàn tay rồi vê vỏ bánh mỏng ra tra nhân vừng vào nặn thành chiếc bánh. Nhìn những chiếc bánh nhỏ xinh, đều tăm tắp được nâng niu trong lòng bàn tay mới thấy người Tày khéo léo và cần mẫn thế nào.
Bánh là sự hòa quyện của vị béo ngậy, bùi bùi của nếp chín và hạt vừng, vị ngọt đường phèn, vị đắng nhẹ của ngải cứu. Đây không chỉ là món bánh ngon, bổ dưỡng tốt cho sức khỏe mà chứa đựng nhiều ý nghĩa. Bánh có đủ vị ngọt, đắng, bùi… biểu tượng cho những trải nghiệm trong cuộc đời mỗi con người. Người Tày hy vọng khi ăn loại bánh này con người sẽ dễ dàng vượt qua được những khó khăn, gian nan trong cuộc sống. Vào những ngày đầu năm mới, nhất là trong gia đình có con cái đi làm ăn xa, bố mẹ thường làm món này như một lời mong cầu cho con vượt qua được những khó khăn, những biến cố trong cuộc đời để trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết