Chọn nghề cho tương lai

- Trong guồng quay của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… thì việc chọn nghề cho tương lai của học sinh rất cần định hướng của nhà trường và gia đình. Các nhà trường đang nỗ lực thực hiện sớm công tác tư vấn, hướng nghiệp đặc biệt là phân luồng học sinh phổ thông, giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp cho tương lai.

Không chọn nghề theo trào lưu

Thời gian qua, không ít sinh viên ra trường làm trái ngành nghề đào tạo hoặc không xin được việc làm. Điều này đã gây ra sự lãng phí về thời gian và tiền bạc, do vậy công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước “ngưỡng cửa vào đời” là rất quan trọng. 

Chị Đỗ Thị T. ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) từng tốt nghiệp đại học nhưng lại đi xuất khẩu lao động vì không xin được việc làm. Chị T. cho biết: “Học Đại học ngành Tài nguyên và Môi trường, song cầm tấm bằng xin việc nhiều nơi không được, gia đình phải vay mượn để tôi đi xuất khẩu lao động ở Dubai. Nếu mà được chọn lại, tôi sẽ không đi học đại học mà sẽ học nghề bởi ra trường dễ xin được việc làm hơn và gia đình không phải nợ nần vì phải nuôi ăn học trong thời gian 4 năm trời”.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh toàn tỉnh qua hình thức trực tiếp và trực tuyến

Cũng giống như chị T, chị Nguyễn Thị H. ở xã Tân Long (Yên Sơn) học Cao đẳng kế toán ra trường cách đây gần chục năm nhưng cũng không xin được việc làm đúng nghề đã học nên phải đi làm công ty may.  Chị H. cho biết: “Hồi đấy cứ nghĩ cơ quan nào, doanh nghiệp nào chẳng cần kế toán thế nhưng ít ai nghĩ là để làm được kế toán không đơn giản, đa phần các doanh nghiệp thường chọn những người đã thạo việc rồi”.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo (AI)... đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trên thị trường lao động. Nhiều ngành nghề truyền thống dần biến mất, xuất hiện những ngành nghề mới, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu. Song công tác hướng nghiệp tại một số đơn vị, trường học vẫn chưa thể bắt kịp xu hướng này, học sinh sẽ thiếu những thông tin về thị trường lao động được cập nhật mới, không được trang bị kỹ năng cần thiết để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Do đó, nhiều học sinh chọn nghề theo trào lưu, theo sở thích nhất thời, hoặc theo áp lực từ gia đình mà không quan tâm đến năng lực và sở trường của bản thân. Hậu quả là khi học xong ra trường không tìm được việc làm phù hợp, hoặc làm trái ngành, trái nghề. Tình trạng này gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hướng nghiệp sớm, gắn thực tiễn

Việc học sinh mơ hồ về nghề nghiệp tương lai, đặc biệt là học sinh lớp 12 sắp thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà đến nay vẫn chưa biết chọn được nghề gì là vấn đề rất đáng lo. Thầy giáo Trần Minh Cương, Hiệu trưởng trường THPT Minh Quang (Lâm Bình) cho biết: “Năm học 2024 - 2025, toàn trường có hơn 800 học sinh, trong đó có 220 học sinh lớp 12. Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12. Tuy nhiên bên cạnh những em đã lựa chọn được nghề cho tương lai thì vẫn còn nhiều học sinh, gia đình học sinh vẫn còn đang nghe ngóng. Do vậy trong thời gian tới, trường tiếp tục mời các trường đại học, các cơ sở đào tạo nghề về tận trường để tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp cho các em. Qua đó giúp các em lựa chọn được nghề phù hợp cho tương lai”.

Học sinh THPT tìm hiểu thông tin về học nghề tại một phiên giao dịch việc làm tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Ông Trần Nhữ Thanh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - Liên kết và Giới thiệu việc làm, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, đã tổ chức chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại 45 trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh. Với hình thức đào tạo đa dạng, phong phú nhiều ngành nghề khác nhau như: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ thông tin; vận hành máy thi công nền; kỹ thuật xây dựng… sẽ giúp học sinh có nhiều lựa chọn. Cùng với đó, nhà trường sẵn sàng cam kết sau khi tốt nghiệp ra trường các học viên, sinh viên sẽ được nhà trường giới thiệu với doanh nghiệp bố trí việc làm ngay nếu đạt kết quả học tập tốt”.

Em Đinh Hải Yến, lớp 12G, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết: “Qua tìm hiểu thực tế và qua tư vấn từ các thầy cô trong trường cũng như được tham gia hội nghị tư vấn hướng nghiệp do nhà trường phối hợp với các đơn vị tổ chức, em đã quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi em gọi điện về nhà thì gia đình cũng rất ủng hộ. Đã chọn được nghề rồi nên em rất tự tin và nỗ lực ôn tập, học tập để đạt được kết quả tốt nhất ở kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh trò chuyện về chọn nghề và hướng dẫn học sinh ôn tập sau giờ học trên lớp.

Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, có ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ Trung cấp nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 80% các trường THCS và THPT có chương trình giáo dục nghề nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh…

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang tích cực chỉ đạo các nhà trường, tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo, giới thiệu về các ngành nghề tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin hướng nghiệp trực tuyến, giúp nhà trường, học sinh và gia đình dễ dàng tiếp cận thông tin về các ngành nghề, trường học, cơ hội việc làm…

Để giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp cho tương lai thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, lồng ghép vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp THCS, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, mời các chuyên gia, doanh nghiệp đến chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng bộ phận tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp, giúp học sinh đánh giá năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Học sinh Trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn) tìm hiểu thông tin về việc làm và học nghề.

Từ phía gia đình mỗi học sinh, cần tôn trọng sở thích và năng lực của con em, không áp đặt con cái theo đuổi những ngành nghề không phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ phải đồng hành cùng các con và các thầy cô nhằm tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, tư vấn cho con em về các ngành nghề tiềm năng. Cùng với đó, tạo điều kiện cho con em tham gia các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, giúp các em có cái nhìn thực tế về các ngành nghề khác nhau.

Các đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với các trường học, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên thực tập, trải nghiệm thực tế; tăng cường công tác truyền thông về giáo dục hướng nghiệp để thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc chọn nghề.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục