Tích cực tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Đồng chí Đỗ Xuân Trường
Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang
Nhà trường đang đào tạo 27 mã ngành nghề (từ hệ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) và tỷ lệ 95% trở lên số học viên, sinh viên khi ra trường có việc làm với mức thu nhập tốt.
Năm 2024 vừa qua, trường đã phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại 180 trường THCS, THPT trên địa bàn Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, giúp học sinh được tư vấn trực tiếp, cung cấp thông tin chi tiết về những ngành nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng trong tương lai và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Các em học sinh cũng được giải đáp thắc mắc về lộ trình học tập, chính sách hỗ trợ học nghề và cơ hội phát triển sự nghiệp. Từ đó, giúp các em học sinh có thêm cái nhìn toàn diện, cân nhắc lựa chọn tham gia học nghề sớm phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động.
Thành lập tổ Tư vấn chọn nghề
Thầy giáo Đỗ Phú Cường
Hiệu trưởng Trường THPT Na Hang
Việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ khi vào lớp 10 cho các em học sinh. Theo đó, vào đầu năm học, nhà trường đã tiến hành khảo sát học sinh các khối lớp, đồng thời dựa trên kết quả học tập của các em để tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn phù hợp. Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị, các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh; có giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa của nhà trường...
Cùng với đó, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp, trên cơ sở những hướng dẫn của ngành, những đổi mới trong công tác tuyển sinh, thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai... để tổ chức tư vấn, giải đáp những thắc mắc của các em học sinh. Các thầy, cô giáo trong tổ tư vấn hướng nghiệp thường xuyên tư vấn, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của học sinh, nhất là học sinh lớp 12 về lựa chọn ngành nghề phù hợp. Qua đó, giúp học sinh hiểu biết về từng ngành nghề cũng như nhu cầu xã hội hiện nay để các em xác định động cơ, thái độ học tập, phấn đấu vươn lên đạt kết quả tốt nhất.
Tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm
Tiến sỹ Trần Quang Huy
Trưởng phòng Quản lý sinh viên, trường Đại học Tân Trào
Đối với trường Đại học Tân Trào, bên cạnh việc đánh giá năng lực học tập của sinh viên thì tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng. Ngay từ khi các em nhập học, phòng Quản lý sinh viên đã tiến hành khảo sát, phân loại theo năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình để có hướng tư vấn cụ thể về cơ hội việc làm đối với từng ngành nghề học. Bên cạnh đó, các khoa, phòng trong trường cũng phối hợp triển khai các giải pháp như cầm tay chỉ việc trong quá trình đào tạo, mời các chuyên gia thỉnh giảng, tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa nhà tuyển dụng với sinh viên, hội nghị tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm, ngày hội giới thiệu việc làm… Từ những việc làm cụ thể đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm tăng theo từng năm. Theo khảo sát mới nhất vào tháng 11-2024, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%, trong đó sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo đạt 66,7%.
Cùng con định hướng tương lai
Chị Đinh Thị Hợp
Xã Phúc Ứng (Sơn Dương)
Là phụ huynh, tôi luôn mong muốn con mình có một tương lai vững chắc và hạnh phúc. Việc định hướng nghề nghiệp cho con ngay từ sớm là việc rất quan trọng, nhưng tôi cho rằng điều này không nên áp đặt mà cần dựa trên sở thích, năng lực cá nhân của con và định hướng theo xu thế phát triển của xã hội. Điều quan trọng nhất trong việc định hướng nghề nghiệp là giúp con hiểu rõ bản thân, điểm mạnh, điểm yếu cùng đam mê của mình. Không phải các ngành nghề hot, lương cao là sẽ phù hợp, mà nghề nghiệp lý tưởng phải là công việc con có thể làm tốt, yêu thích và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Vì vậy, thay vì áp đặt suy nghĩ của mình, tôi cố gắng trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ để giúp con khám phá bản thân, tìm hiểu các ngành nghề phù hợp với con em mình.
Nhận thức điểm mạnh và nguyện vọng của bản thân
Em Nguyễn Đỗ Kim Ngọc
Học sinh lớp 12C1, trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên)
Em đang phân vân giữa nhiều lựa chọn học tập ngành, nghề. Khi ngồi trên ghế nhà trường chúng em được tham gia các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Thầy cô giáo và bố mẹ bước đầu sẽ tìm hiểu nguyện vọng của chúng em và định hướng cho nghề nghiệp tương lai, phù hợp với hoàn cảnh và thị trường lao động. Đồng thời, thầy cô giáo cũng tìm hiểu và phát hiện những điểm mạnh của chúng em từ đó giúp đỡ chúng em để có định hướng tốt nhất cho tương lai của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết