Những cách tỏa sáng riêng…
Sinh ra bị bại não thể vờn, tứ chi yếu, khó điều khiển thế nhưng bằng nghị lực và khát vọng khẳng định bản thân, cô gái trẻ Vũ Ngọc Anh, tổ 13, phường An Tường (TP Tuyên Quang) đã nỗ lực hết mình trở thành một Kỹ sư Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Hành trình từ người bại não trở thành sinh viên đại học của Ngọc Anh tựa như câu chuyện cổ được viết nên nhờ nỗ lực phi thường của bản thân và gia đình.
Giờ đây, Ngọc Anh làm nhân viên Maketting Online cho 1 công ty tại Hà Nội. Ngọc Anh chia sẻ: "Công việc của em là làm Online, bên cạnh công việc của công ty, em cũng linh động nhận làm dịch vụ viết content khi có khách hàng có nhu cầu".
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, các nhà hảo tâm tặng xe đạp cho học sinh nghèo, khuyết tật xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Ảnh: Minh Thủy
Ngọc Anh hiện có một mái ấm nhỏ với chồng và cô con gái 5 tuổi. Cuộc sống sinh hoạt của em còn gặp nhiều khó khăn nhưng em luôn tâm niệm, những gì người khác làm được thì mình cũng phải cố gắng và phải cố gắng để có thể làm được. Ngọc Anh tuân thủ phép tính đơn giản nhưng đó là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Em bảo: "Cứ bình tĩnh sống, người bình thường cố gắng 1 thì mình phải cố gắng 10 là sẽ chạm gần tới đích. Cố chút nữa, chút nữa… sẽ chạm đích thôi mà”.
Gần 10 năm nay, anh Nguyễn Kim Phái, thôn Thị, xã Hùng Đức (Hàm Yên) bị tai nạn lao động liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. Thời gian đầu cuộc sống khó khăn, anh gần như rơi vào trầm cảm thế nhưng khi trấn tĩnh lại, anh tự xốc lại tinh thần, quyết tâm ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Anh đã lấy lại được năng lượng sống vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Anh Phái hiện là ông chủ mô hình kinh tế nuôi ong mật với từ 30 - 40 đõ ong.
Sau bao năm, nghề nuôi ong của anh cũng có tiếng. Anh đúc kết kinh nghiệm riêng cho mình và sẵn sàng "truyền nghề” cho mọi người. Anh bảo: "Nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm ruộng vườn và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm, cẩn trọng. Mình cố gắng nuôi ít mà chất lượng thế nên mật ong ra đến đâu là bà con tìm mua đến đó”.
Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, chông gai thử thách nhất là đối với những người khuyết tật thế nhưng với nhiều người như Ngọc Anh hay Kim Phái luôn quan niệm: "Khuyết tật chỉ là sự bất tiện, không phải là sự bất hạnh, mỗi người có cách để tự tỏa sáng cho riêng mình. Họ đã vươn lên, khẳng định được bản thân, có công ăn việc làm ổn định trở thành người có ích cho xã hội".
Đa dạng sinh kế cho người khuyết tật
Với tinh thần chia sẻ yêu thương, động viên, chăm sóc và giúp đỡ người khuyết tật, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án góp phần từng bước chăm lo, động viên giúp đỡ các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) được hỗ trợ sinh kế phát triển chăn nuôi.
Đến thăm gia đình ông Trần Văn Hiền và bà Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) có con gái Trần Thị Thanh bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Trong căn nhà xây, bà Liên kể rằng, trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, con gái lại bị ốm đau, bệnh tật chạy chữa liên miên. Cả nhà trông chờ vào 1 sào ruộng, ai thuê gì làm đấy nhưng vẫn không đủ để mưu sinh qua ngày. Khi Đề án sinh kế hỗ trợ người khuyết tật được triển khai tại xã, chính quyền địa phương đã ưu tiên hỗ trợ cho gia đình vay 10 triệu đồng không lãi suất để phát triển kinh tế. Hai vợ chồng ông bà đã bàn bạc, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình chăn nuôi bò và lợn. Hiện nay, gia đình đã có 3 con bò. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khoa học, nên đàn bò và lợn của gia đình phát triển tốt, tạo nguồn sinh kế bền vững, giúp gia đình bà yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Là 1 trong hơn 300 đối tượng được hưởng lợi khi Đề án triển khai tại xã, anh Lương Văn Tùng, xóm 3, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là người khuyết tật được hỗ trợ vay 10 triệu đồng không lãi suất để mua máy móc phục vụ cho công việc tại xưởng đồ gỗ. Nhờ chăm chỉ lại biết tính toán nên công việc của anh ngày càng thuận lợi, đã mang lại nguồn thu cho gia đình.
Anh Tùng chia sẻ, bên cạnh sự động viên về tinh thần anh được chính quyền địa phương hỗ trợ tạo điều kiện giúp anh tự lập phát triển kinh tế. Xưởng anh ngày càng được đầu tư quy mô, hoạt động hiệu quả.
Ở tổ 18, phường An Tường (TP Tuyên Quang) có em Nguyễn Khương Duy bị khuyết tật bẩm sinh. Từ 6 năm nay, Duy thực hiện thành công mô hình trồng hoa và nuôi cá giống. Mô hình của Duy cho thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Thi thoảng có người cũng đến học hỏi mô hình nhỏ của em. Khi được chia sẻ kiến thức kinh nghiệm mình có được, Duy cảm thấy mình thật hạnh phúc khi giúp đỡ được người khác.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 32 nghìn người khuyết tật, trẻ mồ côi, chiếm 1,71% dân số toàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh cho biết, thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, từ năm 2016 đến nay, có trên 3.000 đối tượng khuyết tật, trẻ mồ côi được nhận xe lăn, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội... với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Đây là Đề án mang ý nghĩa nhân văn, tạo cơ hội cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh phối hợp Khám chữa bệnh cho người khuyết tật,
trẻ mồ côi huyện Na Hang. Ảnh: Anh Chung
Hội cũng đã triển khai Chương trình hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại thành phố Tuyên Quang, thời gian thực hiện từ tháng 9-2022 đến tháng 12-2024, kinh phí 360 triệu đồng do vốn của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài không hoàn lại của Tổ chức Green cross Switzerland tại Việt Nam tài trợ.
Theo đó, mỗi năm tổ chức Green cross Switzerland hỗ trợ 120 triệu đồng. Chương trình gồm các hoạt động: tổ chức từ 1-3 lớp tập huấn cho phụ huynh và học sinh về chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật; tặng đồ dùng học tập cho trẻ khuyết tật tại trường học; quản lý và sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi của học sinh khuyết tật. Bên cạnh đó, thành lập Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh khuyết tật thành phố Tuyên Quang để cung cấp kiến thức chăm sóc tinh thần, thể chất cho trẻ khuyết tật.
Em Nguyễn Trà My, lớp khuyết tật đặc biệt, Trường Tiểu học Sơn Lạc (TP Tuyên Quang) chia sẻ: "Em biết viết và nói được tốt hơn. Em vào trường học được hơn 3 năm, nay đã xóa được mặc cảm, tự ti, hòa nhập với bạn bè. Hàng năm, các em đều được các tổ chức đến thăm và tặng quà, động viên tinh thần. Những món quà đó giúp em và các bạn cùng trang lứa có điều kiện học tập trong môi trường tốt hơn nữa".
Với sự nỗ lực từ phía bản thân và sự động viên giúp đỡ, quan tâm chăm lo của toàn xã hội, những người khuyết tật đã tự tin khẳng định được bản thân, tự tìm cách vươn lên.
Thành lập từ năm 2022, Câu lạc bộ Khát vọng Tuyên Quang có 25 thành viên đều là những người khuyết tật luôn có ý chí nghị lực khát vọng vươn lên. Chị Nguyễn Thu Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khát vọng Tuyên Quang chia sẻ, câu lạc bộ là nơi để ai có kinh nghiệm kiếm thêm thu nhập, làm nghề chân chính thì chia sẻ với mọi người để trao đổi, học tập. Ví dụ người chia sẻ bán hàng Online, người chia sẻ nuôi ong, trồng hoa…
Mỗi người luôn cố gắng là một tấm gương để các thành viên còn lại noi theo. Bên cạnh động viên về tinh thần các thành viên câu lạc bộ cũng gặp gỡ chia sẻ giúp đỡ nhau để có thêm nguồn thu nhập. Mới đây, tại TP Tuyên Quang, các thành viên câu lạc bộ đã làm gian hàng hoa handmade từ kẽm nhung để tri ân ngày 20-11. Gian hàng Câu lạc bộ thu hút nhiều sự quan tâm, ủng hộ của người dân.
Với sự nỗ lực của bản thân, cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía gia đình, xã hội, những vầng trăng khuyết tự tin tỏa sáng, khẳng định bản thân theo cách riêng của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết