Phía trước là bầu trời rộng mở

- Cơ thể có những khiếm khuyết khiến việc đi lại, lao động hết sức khó khăn nhưng với tinh thần vượt khó, nghị lực vươn lên họ đã gặt hái được những thành công trong cuộc sống. Họ là những "vầng trăng khuyết" đã vượt qua chông gai để tự viết nên câu chuyện đẹp của cuộc đời mình.

Viết nên câu chuyện đẹp

Ở một góc quán cà phê nhỏ gần Trường Đại học Tân Trào ở xã Trung Môn (Yên Sơn), giọng một khách nữ vang lên: "Anh Thắng ơi, cho chúng em một sinh tố xoài, một ly cà phê đen nhé!". Một lát sau bóng dáng người đàn ông trung tuổi tập tễnh bước đến với nụ cười thường trực trên môi, anh cẩn thận đặt những đồ khách gọi và không quên cảm ơn những khách "ruột" của mình. Chủ quán không ai khác đó chính là anh Vũ Thắng, người không may bị teo cơ bẩm sinh từ nhỏ. Anh Thắng lớn lên với bao khó khăn, thách thức, việc đến trường cũng đầy vất vả, học xong cấp 3 anh chọn mở quán cà phê để kiếm sống. Để biết pha chế, anh lặn lội bắt xe khách về Hà Nội rồi đi bộ ra chợ mua bộ đồ nghề với số vốn khởi nghiệp 500 nghìn đồng, có người thấy anh thế họ thương quá không đủ tiền họ cho anh nợ…

Anh Vũ Thắng ở xã Trung Môn (Yên Sơn) mở quán cà phê đem lại thu nhập ổn định.

Anh Thắng kể, lúc đầu khi bắt đầu học nghề anh cũng rất tự ti vì bản thân như vậy họ nhìn vào đã chán ai còn muốn đến quán làm gì. Nhưng sau mình mới hiểu, cứ làm việc gì thật tâm huyết, thật cố gắng thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Bản thân mình đã bị khiếm khuyết rồi nên mình càng phải cố gắng khắc phục những yếu điểm phát huy điểm mạnh của bản thân, những việc nặng nhọc mình không làm được thì mình chọn việc phù hợp, ông trời không cho ai tất nhưng cũng không triệt đường sống của ai bao giờ đâu - Anh nói.

Nhờ phát triển quán cà phê đã giúp đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, anh Thắng đã trở thành lao động chính và cũng từ nghị lực của anh đã khiến người vợ của anh bây giờ cảm phục và kết duyên với anh. Chị Đào Thị Hoàn, vợ anh Thắng cho biết: "Khi biết anh như vậy nhiều người cũng khuyên can chị "đừng có dại" nhưng con tim mình đã mách bảo và mình rất tin tưởng vào người đàn ông này và khi ở gần anh ấy cảm thất rất hạnh phúc. Giờ 2 vợ chồng cố gắng làm lụng để nuôi 2 người con ăn học đến nơi đến chốn để sau này các con mình sẽ có tương lai tươi sáng hơn…".

"Thắp sáng" tương lai

Các cụ thường bảo "giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay" thế nên với anh Nguyễn Duy Bình, ở tổ 16, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) dù bị bại liệt nửa người, cong vẹo cột sống, chân bị teo nhỏ nhưng anh vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người. Bản lĩnh và ý chí vươn lên của anh Bình được thể hiện từ nhỏ khi có những lúc anh phải dùng đôi tay của mình thay chân để đi lại. Bị di tật với chiều cao cơ thể chỉ chưa đầy 1,1 m nhưng học xong THPT, anh Bình luôn suy nghĩ phải học nghề để sau này không là gánh nặng cho gia đình và tự nuôi sống bản thân. Anh đã thuyết phục bố mẹ cho mình đi học nghề điện tử ở Sơn Tây (Hà Nội). Anh Bình chia sẻ, quãng thời gian học nghề là vất vả nhất vì lần đầu phải xa nhà, mọi sinh hoạt đều phải tự lo. Khi vào học thấy chân tay mình yếu đuối mà các thiết bị điện tử thì nhỏ vậy nên anh cứ loay hoay mãi. Có lần bố mẹ xuống thăm thấy vất quá khuyên anh dừng việc học nhưng anh vẫn quyết tâm đến cùng.

Anh Nguyễn Duy Bình ở phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) học nghề xong mở cửa hàng sửa chữa các thiết bị điện đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Với nghị lực phi thường sau 2 năm theo học, anh Bình tốt nghiệp loại khá và trở về mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử tại nhà từ năm 2001 đến nay. Cảm phục trước nghị lực của anh nên bà con hàng xóm ai có đồ gì hỏng cũng mang tới anh để sửa. Những món đồ gia dụng bị hỏng như: ấm đun nước, quạt điện, ti vi... qua bàn tay khéo léo của anh Bình đã có thể tiếp tục sử dụng. Chị Nguyễn Thị Trang ở phường Tân Hà cho biết, chị là khách quen của cửa hàng điện tử Duy Bình và cảm phục trước chủ cửa hàng đầy nghị lực vươn lên, nhiều khi có những món đồ hỏng nhẹ đem đến anh Bình chỉ sửa giúp mà nhất quyết không lấy tiền. 

Hiện nay, anh Bình còn đăng ký kinh doanh thêm các thiết bị âm thanh chuyên nghiệp. Không chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng, anh còn bán qua mạng xã hội, tự quay video chia sẻ, giới thiệu về sản phẩm rồi đăng lên Youtube, Facebook cá nhân. Nhờ đó mà nhiều khách hàng ở xa từ đó biết đến anh và đặt mua sản phẩm, có nhiều người tìm đến anh để học nghề và anh sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ. Có những người sau khi học nghề từ anh Bình và mở cửa hàng riêng như: anh Nông Văn Khuyến ở xã Trung Trực (Yên Sơn), anh Tiêu Xuân Việt ở xã Minh Khương (Hàm Yên)…  

Chị Nguyễn Thị Đào, xã Minh Thanh (Sơn Dương) - tấm gương người khuyết tật vượt khó.

Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều những tấm gương người khuyết tật với nghị lực vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tấm gương chị Nguyễn Thị Đào, xã Minh Thanh (Sơn Dương) bị tật nguyền phải chống nạng nhưng đã học nghề may để đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, nuôi các con ăn học; chị Hà Thị Dung ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) bị câm điếc bẩm sinh, khuyết một chân nhưng đã mở xưởng may để giúp đỡ những người khuyết tật khác có nghề nghiệp việc làm; em Nông Hiền Trinh ở xã Yên Thuận (Hàm Yên) bị khuyết tật bẩm sinh, cụt một chân trái từ nhỏ nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, đã nỗ lực học tập và thi đỗ vào Trường Đại học Y - Dược (ĐH Thái Nguyên)…

Vượt qua những mặc cảm, tự ti vì những khiếm khuyết của cơ thể, nhiều người khuyết tật ở Tuyên Quang đã tích cực học tập, lao động để tạo dựng cho mình cuộc sống ổn định, không chỉ đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình, người thân mà họ đang đóng góp một phần nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục