Mong công việc ổn định, hy vọng Tết đủ đầy
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn yêu cầu công đoàn cơ sở đề xuất với doanh nghiệp xây dựng công khai phương án trả lương và thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán 20 ngày nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm và tìm hiểu đời sống người lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hơn 2 năm làm việc trong trạng thái bấp bênh, lúc có, lúc không, đến giờ chị Phạm Thị Tình, công nhân một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) mới phần nào an tâm khi công việc đã ổn định trở lại. Chị Tình chia sẻ, hơn 2 năm, từ 2020, 2021 và đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt đoạn, có thời điểm công ty phải điều tiết, dừng, giãn sản xuất cho phù hợp với tình hình nên công nhân như chị cũng phải tạm nghỉ. Việc làm không ổn định đồng nghĩa với việc thu nhập cũng giảm sút. Bắt đầu từ tháng 3-2023, hoạt động sản xuất của công ty dần trở lại trạng thái bình thường, việc làm của chị Tình và nhiều anh, chị em công nhân dần ổn định, dù thu nhập chưa được như ý. Nói về chuyện thưởng Tết, chị Tình chia sẻ, có công việc ổn định là mong muốn số 1, còn chuyện thưởng Tết chị cũng rất hy vọng và luôn cố gắng làm việc thật tốt để cuối năm có một khoản, đủ để lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy, con cái có thêm tấm áo mới vui xuân.
Cũng chung tâm lý như chị Tình, chị Nguyễn Thu Hằng, phân xưởng gia công, Công ty TNHH Sản xuất Giày Chung Jye chi nhánh huyện Yên Sơn không mong gì hơn là công việc giữ ổn định như hiện nay và nếu có thể, lương sẽ tăng hơn để công nhân, người lao động bớt chật vật trong bối cảnh hàng hóa phục vụ đời sống đều đắt đỏ như hiện nay. Chia sẻ về tháng lương thứ 13 hay thưởng Tết, chị Hằng và đông đảo chị em công nhân của công ty cũng đang rất ngóng chờ, hy vọng Ban giám đốc cố gắng duy trì thưởng Tết như mọi năm. Theo chị Hằng, đi làm cả năm, ai cũng mong có một cái Tết đủ đầy. Thưởng Tết, ngoài ý nghĩa vật chất, đó còn là sự ghi nhận của công ty với anh em công nhân, người lao động trong cả 1 năm đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Hơn nữa đó là nguồn động viên, khích lệ để công nhân lao động cố gắng, nỗ lực, thi đua, phấn đấu cho năm tiếp theo. Chị Hằng bày tỏ.
Ghi nhận của phóng viên, tại nhiều doanh nghiệp, mặc dù rất chú trọng chăm lo Tết cho người lao động nhưng đến giờ này thưởng Tết vẫn còn là ẩn số và nhiều người lao động vẫn đang trong tâm trạng hồi hộp mong chờ.
Thưởng Tết không thấp hơn năm trước
Phân tích từ các chuyên gia kinh tế, sau nửa đầu năm 2023 kinh doanh không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khá lên trong nửa cuối năm. Song kết quả sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Công nhân Công ty TNHH MSA YB - Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) thi đua lao động hoàn thành mục tiêu sản xuất để hy vọng có khoản thưởng Tết.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Seshin VN2, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) chia sẻ, năm 2023, dù doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại song việc tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất lại không thể. Ông Nguyễn Hữu Khánh cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, công ty cũng sẽ cân đối tài chính, bên cạnh dành nguồn lực để tái đầu tư phục hồi sản xuất là chăm lo Tết cho tất cả công nhân, người lao động, cố gắng không thấp hơn năm trước. Mức thấp nhất là tháng lương, với những người có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn công ty sẽ có chính sách hỗ trợ thêm.
Không những ngành may mặc, các doanh nghiệp ngành chế biến nông, lâm sản, giày da và một số mặt hàng khác cũng chịu tác động sâu sắc từ những yếu tố bên ngoài, như: xung đột tại một số quốc gia; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao; lạm phát gia tăng... đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Ông LAI YEN LIANG Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang cho biết, duy trì được việc làm và trả lương cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của doanh nghiệp. Để khích lệ gắn kết công nhân, người lao động, công ty cũng sẽ tính toán từ đó đưa ra mức thưởng Tết hợp lý, thấp nhất là một tháng lương khoảng 6 - 6,5 triệu đồng/người và hỗ trợ thêm các hoạt động khác cho người lao động.
Theo số liệu thống kê của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 47.000 lao động đang làm việc tại 2.498 doanh nghiệp. Mức lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có báo cáo đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Riêng đối với mức thưởng Tết có biến động theo tình hình của từng năm và sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị. Cụ thể năm 2021, mức thưởng bình quân cho người lao động của doanh nghiệp là gần 3,3 triệu đồng/người; năm 2022 là gần 3,2 triệu đồng/người và năm 2023 là trên 3,4 triệu đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mức thưởng bình quân 2 triệu đồng/người; khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức thưởng bình quân trên 4,4 triệu đồng/người; khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân gần 6 triệu đồng/người; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức tiền thưởng bình quân 2,9 triệu đồng/người.
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang được quan tâm, tạo việc làm, giữ ổn định thu nhập.
Đồng chí Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo, năm nay mức thưởng Tết có thể cao hơn so với năm trước. Bởi lẽ, bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, vẫn có những doanh nghiệp, nhóm ngành phát triển, có lợi nhuận cao hơn thì chắc chắn thưởng Tết sẽ cao hơn năm trước. Tiền thưởng dịp cuối năm rất nhân văn vì hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho người lao động, song tùy vào điều kiện thực tế, từng doanh nghiệp sẽ có mức thưởng phù hợp.
Phân tích từ các chuyên gia lao động và việc làm, việc thưởng hay không phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động nhưng để giữ chân người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết. Bởi ngoài giá trị vật chất, thưởng Tết còn mang giá trị rất lớn về tinh thần, đó là nguồn động viên, khích lệ và là thứ để giữ chân người lao động. Thực tế cho thấy, sau nghỉ Tết nguồn lao động có sự xáo trộn rất lớn, nếu doanh nghiệp không chú trọng giữ lao động bằng việc động viên, khích lệ thì sau Tết, sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực.
Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết
Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố báo cáo về tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết và quan hệ lao động trong doanh nghiệp trước ngày 25-12.
Đồng chí Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, Sở đã phối hợp với cơ quan liên quan gồm: Liên đoàn Lao động, các huyện, thành phố... triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận. Các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo số liệu về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2023; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Phó Giám đốc sở Hoàng Quốc Cường khẳng định, sở cũng đề nghị phòng chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, biến động lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn; có biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.
Liên đoàn Lao động huyện Hàm Yên triển khai chương trình Siêu thị công đoàn
cho công nhân người lao động trong dịp Tết Nguyên đán.
Chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu công đoàn cơ sở đề xuất với doanh nghiệp xây dựng công khai phương án trả lương và thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán 20 ngày nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ông Trần Thanh Hải, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tại công đoàn cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở; thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024, gắn với các hoạt động tri ân, gặp gỡ đoàn viên, người lao động ngay sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng dự kiến hỗ trợ 4.500 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo đúng quy định của Tổng Liên đoàn, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người; tặng 500 suất quà cho đoàn viên, người lao động tham gia các chương trình “Tết sum vầy”; tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, xe cho đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo…
Pháp luật không quy định thưởng Tết là bắt buộc, song từ nhiều năm trở lại đây đã trở thành một nét văn hóa, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, tri ân của doanh nghiệp đối với người lao động sau một năm gắn bó, cống hiến. Câu chuyện thưởng Tết, đến thời điểm này vẫn là câu chuyện mà người lao động mong chờ những ngày cận Tết.
Gửi phản hồi
In bài viết