Kỷ cương trường học

- Những vụ việc học sinh, giáo viên vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong trường học xảy ra thời gian qua đã dẫn đến những hệ lụy xấu ảnh hưởng đến môi trường giáo dục nhân văn. Ngày 14-12, UBND tỉnh có Văn bản số 6276 /UBND-THVX chỉ đạo về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học và xây dựng văn hóa học đường.

Những vụ việc Đáng tiếc

Vụ việc xảy ra vào ngày 8-12-2023 tại trường THCS Hồng Bàng ở quận 5 (TP Hồ Chí Minh) khi trong giờ học STEM thầy giáo dạy môn Công nghệ đã dùng thiết bị dạy học để đánh học sinh dẫn đến chấn thương, phải nhập viện. Hay vụ việc xảy ra tại trường THCS Văn Phú (Sơn Dương) khi nhóm học sinh lớp 7 đã có những hành động bất kính dồn ép cô giáo vào góc lớp. Rồi vụ việc xảy ra tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) khi nữ sinh văng tục và có những lời lẽ thách thức giáo viên…

 Giờ dạy học sinh lớp 1 tại trường Tiểu học Trường Thành (TP Tuyên Quang).

Trước đó, báo chí cũng đã đưa thông tin về những vụ việc học sinh bóp cổ giáo viên, học sinh đánh giáo viên xảy ra tại Hà Nội và TP Hồ chí Minh. Đến nay, tất cả những vụ việc đã được làm rõ và xử lý nghiêm, nhưng đều để lại những hệ lụy xấu làm giảm niềm tin của Nhân dân về môi trường giáo dục nhân văn. Anh Trần Văn Minh ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, khi xảy ra những vụ việc trên nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của giáo viên, giáo viên trước đó phải cư xử ra sao khiến học sinh của mình nổi loạn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi đã là học sinh thì phải biết kính thầy, vì các cụ ta thường dạy “một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy”.

Qua tìm hiểu nguyên nhân thì những vụ việc xảy ra không phải là bộc phát mà đã nhen nhóm từ trước, nhưng chưa được uốn nắn kịp thời. Chính vì thế trách nhiệm rất lớn thuộc về nhà trường, cùng với đó là phía gia đình học sinh. Để giáo dục một học sinh chăm ngoan thật khó nếu cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội không cùng vào cuộc, không cùng phối hợp để tăng cường giáo dục học sinh về đạo đức, về nhân cách, kỹ năng sống và có những biện pháp xử lý thật nghiêm khắc.

Bấy lâu nay, không ít phụ huynh đã có tư tưởng “phó mặc cho thầy”, tức việc bảo ban dạy dỗ nhờ thầy ở trường còn về nhà thì các con muốn làm gì thì làm, nhiều em cắm đầu vào điện thoại xem những trang độc hại, nội dung đầy bạo lực rồi bị tiêm nhiễm, học thói hư từ mạng ảo ra đời thật. Có phụ huynh lo cho con cái thái quá, có gia đình khi thấy con đi học về chân, tay con bị ửng đỏ, “sứt mẻ”, mặc dù cô giáo đã thông báo con chơi đùa bị ngã nhưng vẫn làm lớn chuyện, dọa kiện cô giáo, kiện nhà trường. Hay trái khoáy có những phụ huynh sợ con lao động, đến trường mà thầy cô nhờ kê hộ bàn ghế, chuyển hộ đồ… thì cho rằng nhà trường “bóc lột sức lao động” của con em mình… Nhiều thứ áp lực đã dồn nén khiến các thầy cô phải thận trọng, cảnh giác, thiếu đi tinh thần nghiêm khắc khi dạy dỗ học sinh.

Cô trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lâm Bình.

Nhà giáo Hoàng Thị Kim Ngân, cựu giáo viên trường THPT Đông Thọ (Sơn Dương) chia sẻ, nghề giáo chưa bao giờ là nghề nhàn nhã. Nó giống như “làm dâu trăm họ”, một lớp học có mấy chục học sinh thì người thầy có “ba đầu sáu tay” cũng không thể vẹn toàn mọi việc được. Vậy nên phụ huynh, xã hội cũng đừng quá khắt khe và gây quá nhiều áp lực lên nhà trường, thầy cô. Vậy nên hãy cùng chia sẻ, cùng phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường, thầy cô để giáo dục học sinh phát triển đầy đủ, toàn diện hơn.

Tăng cường kỷ luật,  kỷ cương trong  trường học

Thật đáng buồn là trong thời gian qua, những vụ việc vi phạm không chỉ xảy ra đối với học sinh mà có cả những giáo viên. Điều này cho thấy cần phải tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu trường học trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định. Khi làm công tác quản lý, quản trị trường học  cần sâu sát hơn, quyết liệt hơn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan, không nể nang, đánh giá chính xác được năng lực của mỗi thầy, cô giáo để kịp thời có sự ghi nhận, khen thưởng hoặc xử lý nghiêm những thầy, cô có những hành vi không đúng với chuẩn mực nghề giáo.

Nhà giáo Nguyễn Thế An, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay là rất quan trọng. Do vậy, phải có những giải pháp nhằm thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên có đầy đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và nhiệt huyết với nghề.

Học sinh trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) lễ phép nhận sách do cô giáo tặng.

Việc tăng cường triển khai văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục xác định trong năm học 2023 - 2024. Tuy nhiên, trong thực tế, các mối quan hệ ứng xử trong nhà trường vẫn diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều tình huống phát sinh, do vậy cần phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ trong “trứng nước”.

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học và xây dựng văn hóa học đường. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo việc tăng cường thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị chức năng theo nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về đạo đức nhà giáo, chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm không để xảy ra việc vi phạm đạo đức nhà giáo theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ trong trường học; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn trường học, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường THCS Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết, trong các cuộc họp và hoạt động giáo dục nhà trường thường xuyên nắm bắt đời sống và tư tưởng của đội ngũ cán bộ, giáo viên; cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức. Đối với học sinh, trường tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cho học sinh. Cùng với đó tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh, gia đình học sinh để quản lý, phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

Sự chung tay của toàn xã hội, mỗi gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; thực hiện nghiêm túc chuẩn mực nghề giáo chắc chắn sẽ loại bỏ những vụ việc đáng tiếc xảy ra như trong thời gian qua, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục