Hiện thực giấc mơ an cư

- Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo (Đề án 308) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 là giải pháp quan trọng để Tuyên Quang thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, giải quyết cơ bản tình trạng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở và hiện thực hóa phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau".

Xóa trên 4.500 nhà tạm

Hơn 30 năm sống trong căn nhà sàn chật hẹp, xuống cấp, giờ gia đình ông Quan Văn Phát, thôn Phổ Vền, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) đã được ở trong căn nhà mới khang trang. Từ nay, cuộc sống của vợ chồng ông sẽ đỡ vất vả hơn, không còn thấp thỏm mỗi khi mưa gió. Ông Phát là CCB chống Mỹ. Cả 2 vợ chồng ông đều đã già yếu, đang sống trong căn nhà dột nát. Trước những khó khăn đó, chính quyền xã và tổ chức Hội CCB đã hỗ trợ để gia đình ông xây dựng căn nhà mới. Căn nhà mơ ước sau 2 tháng xây dựng đã hoàn thành với tổng diện tích trên 70 m2, tổng kinh phí xây dựng trên 150 triệu đồng, trong đó Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Ngày về nhà mới, ông Phát xúc động, nói: "Có được ngôi nhà mới như một giấc mơ, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Tất cả nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền và bà con lối xóm đã giúp đỡ gia đình tôi".

Cán bộ, đảng viên xã Tri Phú (Chiêm Hóa) và Nhân dân thôn Bản Sao hỗ trợ gia đình bà Bàn Thị Hồng đào móng nhà mới.

Đồng chí Triệu Đức Long, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết, xác định việc làm nhà, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo, MTTQ các cấp trong huyện đã tập trung tối đa các nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở. Không chỉ hỗ trợ về kinh phí, Mặt trận các cấp đã phối hợp với chính quyền, các tổ thành viên vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên giúp đỡ ngày công lao động, nguyên vật liệu để các hộ nghèo xóa nhà ở tạm, dột nát. 

Giai đoạn 2021 - 2025, việc vận động xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ hội viên nghèo được Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là việc đột phá được Hội CCB tỉnh xác định triển khai thực hiện cả giai đoạn. Theo đó, Hội CCB tỉnh đã phát động xây dựng Quỹ "Nghĩa tình Cựu chiến binh" xóa nhà ở tạm, dột nát cho hội viên; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng quỹ. Đến tháng 10-2023, Hội CCB tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 72 nhà ở cho hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo lan tỏa với nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực. Các cấp Công đoàn đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Mái ấm Công đoàn"; Hội Nông dân vận động đóng góp xây dựng "Mái ấm nông dân"; Hội LHPN vận động đóng góp xây dựng "Mái ấm tình thương"; Đoàn Thanh niên với những "Ngôi nhà 26-3", "Khăn quàng đỏ”... Hay như Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Yên đã ban hành Nghị quyết riêng về lãnh đạo, chỉ đạo xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, phát động, vận động mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ thôn khó khăn, hộ khó khăn, giúp đỡ, tạo điều kiện để hộ nghèo có thêm nguồn lực, khả năng để xây dựng nhà ở. Huyện Yên Sơn chủ động nguồn kinh phí ngay từ đầu năm, vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ cho người dân nghèo. MTTQ các xã, thị trấn nắm chắc hoàn cảnh cụ thể của hộ nghèo, lập danh sách hộ nghèo không có khả năng đối ứng hoặc kinh phí đối ứng ít, từ đó huy động cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn hỗ trợ ngày công dỡ nhà, đào móng, làm móng.

Lãnh đạo huyện Sơn Dương phối hợp Quỹ "Mái ấm hạnh phúc" trao tặng hộ nghèo kinh phí xây dựng nhà ở.

Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025  đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, hoàn thành việc thực hiện xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát. Theo đề án, mỗi hộ làm mới nhà ở được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, sửa chữa hỗ trợ không quá  25 triệu đồng/hộ. Riêng hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách được hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà mới và 40 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Sau 2 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có trên 4.500 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí huy động trên 568 tỷ đồng, đạt hơn 118% kế hoạch đề ra của cả giai đoạn. Đây là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy.

Những bài học 

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án 308 chính là: các hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát chủ yếu nằm ở các xã đặc biệt khó khăn, đường giao thông không thuận tiện. Một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt như không có khả năng lao động, không có thu nhập, tại thời điểm hỗ trợ không có nguồn kinh phí đối ứng để làm nhà hoặc chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có đất ở, một số ít gia đình còn tư tưởng trông chờ vào nguồn hỗ trợ. Việc xây dựng nhà ở của một số hộ chưa đúng như đăng ký ban đầu, ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có lúc chưa chặt chẽ...

Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, nổi bật là gắn thực hiện việc "3 cùng"  của cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và đoàn viên, hội viên. Vào ngày cuối tuần, các cơ quan, ban ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội duy trì hoạt động cùng với Nhân dân, hỗ trợ hộ nghèo tháo dỡ nhà ở cũ, đào móng, xây móng, vận chuyển nguyên vật liệu, lợp mái. MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Zalo, Facebook, các nhóm Zalo, trang Fanpage của các đơn vị, tổ chức và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, qua các hội nghị, họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chi đoàn, chi hội; gặp gỡ trực tiếp hộ nghèo nắm bắt tình hình... Từ đó, góp phần lan tỏa, huy động thêm nguồn lực và tinh thần tình nguyện của đoàn viên, hội viên, Nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo về ngày công, nguyên vật liệu.

Lãnh đạo MTTQ, Hội CCB huyện Sơn Dương trao kinh phí hỗ trợ hội viên CCB Hoàng Văn Viên, thôn Phú Lộc,
xã Phúc Ứng làm nhà mới.

Đồng chí Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành (Yên Sơn) cho biết, để giải quyết vướng mắc do một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền xã chỉ đạo cán bộ địa chính sâu sát, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã huy động nguồn lực tại chỗ giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở. Trong năm 2023, xã đã huy động cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân toàn xã ủng hộ được 25 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa nhà ở, nâng tổng số hộ nghèo được làm mới, sửa chữa nhà của toàn xã lên 26 nhà.

Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Đề án 308 là chương trình an sinh lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với các gia đình chính sách và hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện. MTTQ các cấp phát huy tốt vai trò chủ trì, hiệp thương, phối hợp và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên trong thực hiện đề án, gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".  Kết quả của đề án là minh chứng rõ nét của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là khơi dậy ý chí vươn lên, nỗ lực cố gắng tự xây dựng nhà ở của các hộ nghèo.

Kết quả của đề án khẳng định hiệu quả giải pháp, cách làm, đặc biệt là sự vận dụng linh hoạt các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, góp phần hiện thực hóa giấc mơ an cư của những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, tạo đà để các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".


Lồng ghép nguồn vốn để nâng cao chất lượng, hiệu quả Đề án 308

Đồng chí Hoàng Thị Thắm

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Đối với tỉnh miền núi như Tuyên Quang thì việc huy động các nguồn lực trong thực hiện chính sách dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Giải quyết tình trạng thiếu nhà ở thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Trong 2 năm 2022, 2023, từ nguồn vốn đầu tư 63,8 tỷ đồng của chương trình đã có 1.276 hộ nghèo người DTTS được hỗ trợ về nhà ở. Gắn với thực hiện Đề án 308, quá trình tổ chức thực hiện tiểu dự án, từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đúng nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị định 27/2022/NĐ-CP. Qua đó, giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đề án 308.


Linh hoạt, chủ động trong huy động nguồn lực

Đồng chí Nguyễn Duy Phượng

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan về thực hiện việc xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo gắn với thực hiện các chương trình, đề án trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát huy vai trò chủ trì, hiệp thương trong việc triển khai thực hiện, phối hợp với các tổ chức thành viên phân công nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, giúp đỡ đối với những hộ là hội viên, đoàn viên của tổ chức mình về ngày công lao động, vật liệu… để đoàn viên, hội viên làm nhà ở mới.

Huyện đã phát động, vận động mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ thôn khó khăn, hộ khó khăn, giúp đỡ tạo điều kiện để hộ nghèo có thêm nguồn lực; vận động, huy động sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các ngân hàng, nhà tài trợ, nhà hảo tâm, của đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, nguồn Quỹ "Vì người nghèo" các cấp. Tính đến tháng 10 -2023, toàn huyện đã hỗ trợ hộ nghèo làm mới và sửa chữa 1.008 nhà với kinh phí trên 189 tỷ đồng. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương.


Hỗ trợ 992 đối tượng hộ nghèo xóa nhà dột nát

Đồng chí Vũ Thế Anh

Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách tín dụng của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt là tuyên truyền các chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I từ năm 2021- 2025.

Kết quả đến tháng 10 -2023 Chi nhánh NHCSXH đã giải ngân với tổng dư nợ là 39,645 tỷ đồng cho 992 đối tượng là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo là dân tộc kinh đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh vay vốn để xây mới, cải tạo và sửa chữa nhà để ở. Kết quả đã góp phần quan trọng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngân hàng đã thực hiện chương trình an sinh hằng năm, từ 2021 đến nay hỗ trợ 7 hộ nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố xóa nhà tạm với kinh phí trên 300 triệu đồng. Tiếp tục đem vốn an sinh đến với hộ nghèo, hộ dân vùng khó, Chi nhánh NHCSXH sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận vốn làm nhà, sửa nhà, tạo việc làm…, chung tay với tỉnh Tuyên Quang xóa nghèo bền vững.


Khơi dậy sự nỗ lực, chủ động vươn lên của hộ nghèo

Đồng chí Ngô Thị Tâm Đan

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa)

Với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã đã chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nội dung của Đề án đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là các hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, các buổi sinh hoạt của các chi đoàn, chi hội. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ nghèo cần làm nhà, sửa nhà để gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu về hoàn cảnh, những khó khăn, vướng mắc của từng hộ để từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp chỉ đạo giúp đỡ phù hợp. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy sự tự thân, nỗ lực cố gắng, chủ động vươn lên của hộ nghèo. Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay trên địa bàn xã đã thực hiện làm mới 43 nhà, sửa chữa 6 nhà.

Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục khơi dậy sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, nhằm phát huy sức mạnh của toàn thể cộng đồng dân cư để từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã đạt hiệu quả thiết thực nhất.

Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục