Vườn ươm quế giống của gia đình anh Lương Trung Thư.
Cây quế bén duyên
Đồng chí Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, trước đây, Cường Đạt chủ yếu trồng keo. Cây quế không biết được các hộ gia đình trồng từ bao giờ, chỉ biết có khoảng chục ha được trồng từ đời các cụ xa xưa để lại. Cây quế cứ thế tồn tại từ đời này sang đời khác, có rừng quế tuổi đời tới 30 năm tuổi. Những ngọn đồi ở thôn Cường Đạt khá dốc nên keo trồng được vài năm, gặp gió mạnh đều gãy, đổ rạp. Có hộ trồng 12 ha keo được 5 năm tuổi nhưng gặp gió quật, gãy đổ mất trắng. Trong khi những hộ có quế, chỉ cần 4 đến 5 năm là đã tỉa cành, bóc vỏ bán có thu nhập khá. Người này truyền tai người kia, vậy là quế được sinh sôi và phát triển từ đó. Hiện nay, quế được trồng nhiều nhất ở thôn Cường Đạt với diện tích trên 200 ha. Nhiều hộ gia đình trước đây trồng tre lấy măng, nhưng thấy quế có thu nhập ổn định đã bắt đầu chuyển đổi diện tích tre già cỗi sang trồng quế.
Ông Lương Văn Nghĩa, người cao tuổi ở thôn Cường Đạt cho biết, gia đình ông trước đây chỉ có 2 ha quế được trồng từ rất lâu rồi. Khi quế được 5 năm tuổi, gia đình ông bắt đầu tỉa cành, bóc vỏ bán cho thương lái thu mua với giá từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg vỏ tươi và từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/bó cành tươi. Tùy vào năm tuổi của quế, độ dày của vỏ quế mà giá thu mua sẽ cao hay thấp. Tính trung bình từ bán vỏ quế, cành quế tươi, gia đình ông cũng thu về 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ha/năm. Ông cũng vận động gia đình con, cháu, hàng xóm xung quanh nhân rộng việc trồng và chăm sóc cây quế. Ông bảo, đầu tư cho cây quế không nhiều, quế trồng đến năm thứ 3 là không phải làm cỏ. Khi quế mới đưa vào trồng có thể tận dụng đất để trồng cây màu ngắn ngày, tạo bóng mát cho quế để quế phát triển nhanh hơn. Ông Nghĩa phấn khởi cho biết thêm, đất đai, thổ nhưỡng ở nơi đây ẩm ướt, mềm nên rất thích hợp với cây quế. Lá quế cứ xanh mướt, hương vị quế thơm, cay nồng. Bởi vậy, các thành phẩm từ quế ở Cường Đạt được thương lái nhiều nơi ưa chuộng, tìm đến thu mua. Từ chỗ cây quế chỉ cho thành phẩm bán lẻ của một vài hộ gia đình, là nguồn thu phụ, đến nay, cây quế đã bén duyên, mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Cường Đạt.
Rừng quế của gia đình anh Lương Trung Thư có tuổi đời 12 năm.
“Hai không” khi trồng quế
Người dân ở Cường Đạt vẫn truyền tai nhau những bí quyết nằm lòng khi trồng quế. Đó là trồng quế không lo mất mùa, không sợ thua lỗ và ít sâu bệnh hại. Một hec-ta quế trên chục năm tuổi có thể cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng, cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần trồng keo.
Anh Lương Trung Thư, Trưởng thôn Cường Đạt cho biết, toàn thôn hiện có trên 90% hộ gia đình trồng quế. Quế mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng năm cho các hộ gia đình. Nếu không muốn bán cả rừng quế, bán gỗ quế, thì người trồng quế có thể tỉa cành hoặc bóc vỏ bán cũng được nguồn thu nhập khá hàng năm. Gia đình anh Thư có 5 ha quế, trong đó có 3 ha quế có tuổi đời trên chục năm. Cách 2 năm, gia đình anh lại tỉa cành, bóc vỏ bán 1 lần. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu nhập 100 triệu đồng từ tỉa cành, bóc vỏ quế. Anh Thư cũng có một vườn ươm cây quế giống để cung cấp cho người dân địa phương. Cách đồi quế nhà anh Thư vài chục mét là đồi quế vừa mới khai thác của gia đình ông Nguyễn Văn Năm. Ông Năm có 3 ha quế và vừa khai thác 1 ha quế với 300 cây quế có tuổi đời gần 20 năm tuổi, thu về 700 triệu đồng. Ông Năm cho biết: “Quả thật, trồng quế không lo bị thua lỗ, không lo mất mùa. Càng trồng lâu, quế càng có giá trị. Giờ đây, đường vào thôn đã được bê tông hóa lên 5 mét chiều rộng, việc thu mua các thành phẩm từ quế thuận lợi hơn rất nhiều nên giá thu mua cũng cao hơn trước”. Từ trồng quế, gia đình ông Năm có thu nhập để xây nhà cao tầng, ổn định cuộc sống.
Đồi quế 4 năm tuổi của gia đình bà Lương Thị Oanh mỗi năm cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng từ bán vỏ, cành quế.
Chúng tôi đến nhà bà Lương Thị Oanh khi bà Oanh vừa trên đồi trồng quế về. Bà Oanh có 6 ha quế có tuổi đời 8 năm. Gia đình bà cũng vừa phá bỏ 1 ha tre già cỗi để trồng thêm quế. Bà Oanh cho biết, cứ tháng 3, tháng 8 hàng năm là bắt đầu vào vụ thu hoạch cành và vỏ quế. Một năm, người trồng quế thu hoạch vỏ quế và tỉa cành quế vào hai đợt, đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5, đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 10. Đây là hai thời điểm, vỏ quế dóc, khô và dễ bóc nhất. Mỗi năm, gia đình bà Oanh thu từ 70 đến 80 triệu tiền bán vỏ quế, cành quế. Giá trị kinh tế từ cây quế sẽ cho cao hơn khi người trồng quế chịu khó chăm sóc và quế có tuổi đời lâu.
Về Cường Đạt hôm nay, hương quế thơm đưa trong gió, gương mặt người dân phấn khởi khi nói về nghề trồng quế. Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng khấm khá nếu được quan tâm nhiều hơn về kỹ thuật trồng, chăm sóc quế để cây quế trong tương lai sẽ trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết