Nghệ nhân Then Hà Thuấn, xã Tân An, Chiêm Hóa truyền dạy các làn điệu Then truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Quang Hòa
Những tiềm năng bị bỏ quên
Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-9-2016 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, công nghiệp văn hóa hiểu nôm na chính là kiếm tiền từ văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, nó không chỉ đem lại giá trị kinh tế, mà còn củng cố “sức mạnh mềm” đáng kể cho các địa phương. So với nhiều địa phương khác, Tuyên Quang tiếp cận với công nghiệp văn hóa có phần hạn chế hơn, nhưng không vì thế mà không có tiềm năng. Tuyên Quang hiện có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt, 133 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 250 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó, kho tàng các câu chuyện, di sản về âm nhạc, ẩm thực, kỹ thuật chế tác... tồn tại trong dân gian vẫn còn tương đối phong phú, chưa được khai thác tương xứng với vị thế.
Theo đánh giá của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sau 6 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã tác động tích cực đến tư duy và nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Tuyên Quang. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống... Quá trình thực hiện đã góp phần quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, con người Tuyên Quang, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa có uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong điều kiện thực tế của Tuyên Quang, ngành công nghiệp có khả năng phát triển nhất là du lịch văn hóa. Đặc biệt, là du lịch dựa trên di sản. Tỉnh đã bước đầu có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa, nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa.
Lễ hội Thành Tuyên từ chỗ tự phát đã được tổ chức bài bản hơn, gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp khu vực và toàn quốc, như chương trình du lịch Qua những miền Di sản Việt Bắc (2016), Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc (2017), Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2018, 2019)... Qua đó không chỉ giới thiệu những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng - Trung tâm Thủ đô Kháng chiến, trọng tâm là tiếp tục từng bước xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày càng phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Lễ hội Thành Tuyên thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Quang Lê
Khai thác kho tàng tiềm ẩn
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Văn hóa, Tuyên Quang là tỉnh miền núi, hạ tầng cơ sở còn thiếu, đời sống còn nhiều khó khăn, một số ngành công nghiệp văn hóa chưa phát triển mạnh như điện ảnh, thiết kế thời trang, kiến trúc, nên nguồn thu từ các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh còn thấp. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về vị trí và tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, đặc sắc còn rất ít. Công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế, các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng phòng Quản lý văn hóa cho biết, khi chuyển từ văn hóa truyền thống sang sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn thì cần đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các ngành chức năng và cộng đồng sở hữu văn hóa cần tạo ra sự cân bằng giữa khai thác tạo giá trị kinh tế và văn hóa, phát triển để cộng đồng có được lợi nhuận từ vốn tài nguyên đang có nhưng cũng phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản trong không gian vốn có... Trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực du lịch văn hóa, ngành du lịch xác định tập trung xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Tuyên Quang dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản về lịch sử, thiên nhiên, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. Tỉnh xây dựng cơ chế thu hút đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như Dự án khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Khu đô thị sinh thái và dịch vụ thương mại Tình Húc...
Tập trung nguồn lực phát triển những sản phẩm, thương hiệu du lịch có tính đặc trưng, nổi trội và là thế mạnh của tỉnh để trở thành những sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia và khu vực trên cơ sở khai thác, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường như Du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội và tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Đồng thời, khôi phục một số ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan và làm ra một số sản phẩm đặc trưng của địa phương để trưng bày, làm quà tặng lưu niệm phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết