Độc đáo những trò dân gian

- Người xưa thường có câu “Muốn ướt xem bơi, tả tơi xem hội” dường như để nói lên cái cốt lõi tạo nên những lễ hội mùa xuân hấp dẫn chính là nhờ các trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo. Đặc biệt ở mỗi nơi, các trò diễn lại mang những nét đặc sắc gắn với bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Người dân xã Hồng Quang (Lâm Bình) chơi trò chơi dân gian. Ảnh: Lý Thịnh.

Ghi nhớ nguồn cội

Trong các lễ hội đầu xuân, các trò chơi, trò diễn dân gian có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện bản sắc của mỗi cộng đồng, dân tộc. Qua các trò chơi, trò diễn dân gian thể hiện rõ nét các yếu tố về lịch sử, phong tục tập quán của nhân dân dưới các hình thức vui chơi giải trí, thi khéo đua tài, luyện tập cơ bắp, sẵn sàng chiến đấu, khuyến khích canh tác, gieo trồng... Các trò chơi, trò diễn dân gian thường được tổ chức tại di tích lịch sử - văn hóa như đình, miếu, đền, phủ, điện, trung tâm văn hóa cộng đồng... 

Từ xa xưa, ở những bản làng thưa thớt, heo hút, tiếng Then như là sợi dây kết nối cộng đồng người Tày và cũng là lời bày tỏ, cảm tạ với thần linh, bề trên. Nội dung của những làn điệu Then thường mang tính giáo dục rất cao với nhiều chủ đề khác nhau như: ghi nhớ công ơn của các vị thần, tổ tiên, cha mẹ... Bởi thế hát Then không thể thiếu trong các nghi lễ như: cầu an, cầu mùa, gọi hồn, giải hạn...

Theo dòng thời gian, hát Then của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang đã trở thành loại hình diễn xướng với đầy đủ âm, điệu, tích, trò... Với sự sáng tạo hấp dẫn, ngày nay hát Then không chỉ bó gọn trong không gian ở các buổi lễ trong gia đình, làng bản mà những làn điệu Then say đắm lòng người đã được diễn xướng ở nhiều Hội nghị, sự kiện lớn về văn hóa, du lịch, trong trường học... từ đó được nhiều người biết đến và yêu thích, coi đó là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Mỗi lời Then vang lên kèm với những điệu múa, tiếng nhạc cụ như lôi cuốn khán giả vào một câu chuyện, là lời răn dạy, nhắc nhở, giáo dục chúng ta về những đức tính quý báu của con người, không được quên nguồn cội, xây dựng tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống…

Ai đã từng đến lễ hội đình làng Giếng Tanh của đồng bào dân tộc Cao Lan ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) hoặc du xuân ở đất Đại Phú (Sơn Dương) hẳn không thể rời mắt khỏi những điệu múa “khai đèn”, “xúc tép”, “chim gâu”... Tất cả những điệu múa uyển chuyển mô phỏng lại cảnh sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt đời thường của người dân từ xa xưa đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với đó là những ca từ ý nghĩa của những làn điệu Sình ca về công lao của những người đã có công mở đất, xây làng, các vị thành hoàng làng, cầu mùa màng tươi tốt…  

Ông Lâm Văn Minh, thôn 15, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là một người am hiểu văn hóa Cao Lan cho biết, người Cao Lan có hàng trăm điệu múa khác nhau, được chia làm 2 nhóm: Múa trong các nghi lễ tín ngưỡng và múa văn nghệ kết hợp hát Sình ca. Thông qua hoạt động này đã góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đồng thời còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Hát Sình ca cùng với những điệu múa đã tạo nên sức sống trường tồn, bồi đắp thêm cho kho tàng văn hóa phong phú của người dân Cao Lan...

Đấu vật tại lễ hội đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương).

Hấp dẫn khách du lịch

Điểm qua các lễ hội được đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang tổ chức vào dịp đầu xuân như: lễ hội Cầu mùa ở Tân Trào, lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương); lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình; lễ hội đình làng Giếng Tanh (TP Tuyên Quang), lễ hội Động Tiên (Hàm Yên)… đều thấy có sự hiện diện các trò chơi, trò diễn dân gian. Các trò chơi, trò diễn rất phong phú, đa dạng bao gồm: kéo co, ném còn, đánh pam, đánh yến, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt vịt, leo cầu vồng... Tất cả những trò chơi, màn diễn xướng với nhiều màu sắc, mang những nét văn hóa riêng độc đáo đã khiến du khách tham quan đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Anh Nguyễn Quang Phúc, phóng viên ảnh của Báo Sài Gòn Giải phóng cho biết, anh từng đi nhiều lễ hội ở Tuyên Quang. Phải nói đến mỗi vùng đất thì bà con lại có những lễ hội riêng với những trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc. Anh rất ấn tượng với những trò như: bắt chạch trong chum và leo cầu vồng hay tung còn... tại lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào bởi nó đã thể hiện chân thực cuộc sống bình dị của người dân nơi đây, thể hiện khát vọng vươn lên của người dân nơi đây. 

Từng được trải nghiệm nhiều hoạt động tại lễ hội đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương), anh Hà Ngọc Sơn, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh thán phục, người dân ở đây rất sáng tạo khi đã xây dựng nên những trò diễn dân gian tái hiện lại cảnh cha ông ta đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi, cảnh khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chinh phục thiên nhiên... Điều này không chỉ mang tính chất giải trí, thu hút du khách mà còn mang tính giáo dục rất cao khi nhắc nhở chúng ta không thể quên về một giai đoạn khốn khó trước kia để thêm yêu cuộc sống hòa bình phát triển như hôm nay.

Việc sáng tạo, phát huy giá trị từ các trò chơi, trò diễn dân gian trong hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa phong phú, tạo khí thế phấn khởi để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, còn góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục