Cảnh giác với gian lận thương mại

- Cuối năm, khi Tết cận kề cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái các thương hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi, tuồn vào thị trường. Đây là thời gian người tiêu dùng cần cảnh giác trong mua sắm.

Bất chấp vì lợi nhuận

Liên tiếp thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm Sở hữu trí tuệ. Đáng ngại hơn, các mặt hàng vi phạm trước đây chủ yếu liên quan tới đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, đồ may mặc, gia dụng thì hiện có cả mặt hàng đặc thù như thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp, phân bón…

Lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra và phát hiện tại Cửa hàng H2, Km 27, Quốc lộ 2, xã Thái Hoà (Hàm Yên) nhiều mặt hàng có dấu hiệu giả mạo những thương hiệu lớn.

Bán hàng giả mạo nhãn hiệu là vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ nhưng thực tế, trên thị trường hiện nay tình trạng này xảy ra khá nhiều và phổ biến. Hồi đầu tháng 10, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và phát hiện 3 vụ có dấu hiệu hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Hàm Yên. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, các giấy tờ kiểm định chất lượng các lô hàng. Phần lớn các sản phẩm mang các thương hiệu lớn như: Louis Vuitton, nước hoa Chanel, Gucci, quần áo Hermes hay các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như tỏi đen, nghệ nano Curcumin, sữa trẻ em được vứt ngổn ngang. Các mặt hàng này được bán chủ yếu qua kênh livestream và được chia sẻ thông qua nhiều tài khoản Facebook, Zalo, Tiktok nhằm thu hút lượt người xem. Hàng ngày, thông qua các trang Fanpage, chủ cửa hàng đăng tải các hình ảnh, video, khách hàng có nhu cầu mua thì nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp đặt hàng. Các sản phẩm nhập lậu có giá thành rẻ, sau khi gắn mác thương hiệu sẽ được bán với giá gấp đôi, gấp 3 so với giá trị thực. Trung bình mỗi ngày, công nhân mỗi kho hàng này đóng gói trên 1.000 đơn rồi giao cho đơn vị chuyển phát. Sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã thống kê số sản phẩm giả mạo lên tới hàng chục nghìn sản phẩm. Trong đó, hộ kinh doanh Nguyễn Thu Đông, Km 25, xã Thái Hòa (Hàm Yên) với số lượng hàng giả mạo lớn đã bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền 488 triệu đồng và chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên cơ sở này bị xử phạt. Trước đó, năm 2021, hộ kinh doanh này đã bị phạt 3 lần với nhiều hành vi vi phạm về buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, tổng các lần phạt gần 70 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 100 triệu đồng.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, đây chỉ là 3 trong số 651 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay. Tổng các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước gần 1,8 tỷ đồng. Thực tế, bên cạnh các trang thương mại, Facebook cá nhân bán hàng uy tín, tạo dựng độ tin tưởng cho khách hàng thì nhiều đối tượng đã lợi dụng sự sôi động của không gian mạng để kiếm lời bằng cách tuồn số lượng lớn hàng giả, hàng lậu vào tiêu thụ. Đặc biệt, nếu như trước đây chủ yếu doanh nghiệp sử dụng trang thương mại điện tử để bán hàng thì hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức cũng sử dụng mạng xã hội để bán hàng mọi lúc, mọi nơi. Các giao dịch mua bán, thanh toán trên mạng diễn ra nhanh chóng, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng; nhiều đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản trên các sàn thương mại điện tử và thường xuyên thay đổi đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử phạt.

Khó kiểm soát

Là tỉnh không có các khu sản xuất, chế biến lớn, do vậy hàng lậu, hàng giả chủ yếu được đưa từ tỉnh khác về bằng xe khách, xe tải rồi xé lẻ đưa vào các cơ sở kinh doanh, các sạp hàng tại chợ phiên các xã vùng sâu, vùng xa.

Đội Quản lý thị trường số 1, thành phố Tuyên Quang tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Ngọc Chung, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết, hoạt động buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả đã diễn ra từ nhiều năm, dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng dẹp bỏ nhưng vẫn tồn tại. Một phần do lợi nhuận từ hoạt động này mang lại quá lớn khiến các tổ chức, cá nhân hàng ngày, hàng giờ tìm mọi thủ đoạn mới nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố như chia nhỏ, trà trộn hàng giả với hàng hóa hợp pháp; lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, ship hàng khiến hàng giả “đi” công khai thay vì chui lủi như trước đây. Hiện nay, công tác kiểm tra, phát hiện trang web vi phạm đang gặp nhiều trở ngại. Đơn cử, việc yêu cầu chủ kinh doanh thừa nhận để xử lý là rất khó do không có cơ sở chứng minh, bởi ngay tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đã cho dừng, khóa trang web, xóa trang Facebook, Zalo… Đồng thời, chủ kinh doanh thường sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách. Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất hàng hóa gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.

Thêm vào đó, quy trình đăng ký kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hiện nay rất dễ dàng. Cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp số CMND, CCCD hoặc số đăng ký DN cùng các thông tin cá nhân như tên, số điện thoại… là có thể mở gian hàng trên sàn. Trong trường hợp bị phát hiện vi phạm và bị gỡ sản phẩm, khóa tài khoản, cá nhân, doanh nghiệp có thể dễ dàng sử dụng thông tin khác để đăng ký tài khoản mới.

Cần thêm “tai  mắt”

Dự báo thời điểm cuối năm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp. Để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng dịp cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 377/KH-CQLTT về “Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023”. Theo đó, Cục QLTT sẽ mở chiến dịch kiểm soát từ ngày 15-11-2022 đến ngày 15-2-2023 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Trong đó, thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết như: nông sản, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, xăng dầu…

Dịp cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo nổ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn tại các kho hàng, chợ, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Lực lượng chức năng đặt mục tiêu loại bỏ, không để cho hàng giả len lỏi vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các mặt hàng được bán trên mạng thương mại điện tử, bán Online qua Facebook, Zalo...     

Người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ để tránh mua phải hàng giả.

Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, bên cạnh mức phạt hành chính, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm tại Điều 192 Bộ luật này. Hình thức xử lý đã có, thế nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả mỗi dịp cuối năm, cận Tết vẫn luôn tăng cao, diễn biến phức tạp và tinh vi. Do đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: Công an, Thuế, Sở Công thương… để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vi phạm Sở hữu trí tuệ. Tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong hoạt động buôn bán. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo và phát triển năng lực cán bộ quản lý thị trường, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh; đổi mới, xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn.

Trước tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ diễn ra phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng sản xuất, kinh doanh bất chính, trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với một số doanh nghiệp trao đổi về cách nhận biết hàng thật, hàng giả cho toàn bộ cán bộ công chức. Trong đó, những  kinh nghiệm, dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả, đặc điểm phân biệt hàng thật, hàng giả được đại diện doanh nghiệp hướng dẫn tới lực lượng quản lý thị trường. Từ đó giúp thuận lợi hơn trong công tác đấu tranh chống hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm Sở hữu trí tuệ và góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại hiện vẫn diễn ra dai dẳng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại bởi thế không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng mà còn cần sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp trong việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu, sáng chế; phối hợp với cơ quan chức năng trong xử lý hàng giả, hàng nhái thương hiệu của mình. Hơn ai hết, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức trong mua sắm, đồng thời là “tai mắt” để phát hiện, tố giác các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi đó, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái mới có thể được đẩy lùi.

Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục