Chợ phiên ngày Tết

- Trong guồng quay hối hả của những ngày cuối năm, chợ phiên như một nét đẹp văn hóa độc đáo không thể thiếu của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Chợ không đơn thuần chỉ là nơi mua sắm, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để nam thanh nữ tú dập dìu đưa đón nhau vui chơi, là nơi người ta thấy được một mùa bội thu no ấm với đủ các loại nông sản quê nhà quen thuộc. Đây cũng là nơi ai ai cũng muốn ghé đến một lần để sắm sửa và mang Tết về nhà…

Niềm vui của người dân xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) trong chợ phiên truyền thống những ngày cận Tết.

Độc đáo chợ phiên ngày Tết

Chợ Bợ, xã Bình Xa (Hàm Yên) là một trong những điểm chợ lớn bởi không chỉ thu hút người dân địa phương mà bà con các xã lân cận của huyện Chiêm Hóa cũng đổ về để bán hàng, mua sắm. Ngoài những gian hàng bắt mắt với những đồ trang trí, đồ chơi trẻ em, quần áo được các thương lái miền xuôi mang lên thì những dãy hàng nông sản quê hương được bà con mang đến vừa bán, vừa trao đổi cũng là nơi hút khách. Ở chợ phiên, tiền đôi khi không còn là vật ngang giá chung cho mọi loại hàng hóa mà bà con tự trao đổi với nhau nông sản của mình theo giá trị thỏa thuận. Nhà ai có rau củ quả gì thì đem đến chợ đổi lấy rau củ quả của nhà người khác. Đó cũng là cách để mỗi người đến chợ bán hàng làm phong phú hơn giỏ hàng của mình khi trở về nhà.

Từ sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời còn chưa ló rạng và sương sớm vẫn phủ đầy trên những triền đồi, dòng người từ khắp nơi đã đổ về chợ phiên. Ai cũng muốn đi thật sớm để chọn cho mình những mặt hàng tốt nhất, sắm sửa những đồ dùng mới nhất để đón mùa xuân mới. Chợ phiên ở Trung Minh (Yên Sơn) họp bên đường. Men theo trục đường chính là cơ man lợn, gà, cá, con giống, rau củ quả và sặc sỡ sắc màu trang phục của bà con đồng bào dân tộc Mông. Trưởng thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh Triệu Thị Chuyên bảo rằng, thịt lợn đen ở đây ngon lắm, rau củ quả tươi cũng đều do bà con tự tay trồng. Những quán hàng ăn ở chợ phiên với bánh rán, kẹo bông, kem đủ sắc màu thu hút những ánh mắt trẻ thơ với niềm vui ngọt ngào quà bánh… Tất cả đã làm nên nét đẹp riêng biệt không thể thiếu khi Tết đến, xuân về.  

Bà con dân tộc Dao đỏ ở Lâm Bình thêu và giới thiệu trang phục truyền thống tại chợ phiên.

Thắm sắc màu văn hóa

Ai đó đã bảo rằng, người ta có thể tìm thấy tất cả những điều xưa cũ, những nét đẹp bình dị nhất ở chợ phiên vùng cao. Đó có thể là những cành đào rừng mộc mạc với những bông hoa đơn cánh, những bó lá dong xanh tươi, ống giang chẻ lạt gói bánh, mớ rau mùi già, nải chuối xanh, quả bưởi đỏ… Bà con vùng cao cũng không ngần ngại diện những bộ trang phục truyền thống dân tộc rực rỡ sắc màu, với túi tiền đeo ngang hông để đi sắm Tết.

Chị Vũ Phương Thu đã có 5 năm công tác tại xã Trung Minh (Yên Sơn), nên thấy chợ phiên còn là sự mong chờ, niềm háo hức của bà con sau cả một năm cố gắng, nỗ lực. Thế nên cuối năm, dù bận rộn đến mấy, các gia đình cũng gác lại công việc để xuống chợ sắm Tết. Có những cụ già đi bộ mấy cây số từ thôn xuống chợ chỉ để thưởng thức một chiếc bánh thơm ngon. Có những người đơn giản chỉ xuống chợ để ngắm người, cảm nhận sự đông vui, tấp nập, bận rộn, để thấy hương vị Tết trong cái rét mướt của những ngày cuối năm, để thấy một mùa xuân mới đang đến rất gần…  

Chợ phiên hội tụ nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, không chỉ ẩn chứa trong từng loại hàng hóa mà còn thể hiện qua cách thức mua sắm, không gian vui chơi. Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) bảo rằng, trong không gian các hội chợ phiên những ngày giáp Tết, xã cũng khuyến khích, hỗ trợ bà con nhân dân tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa như hát, múa, chơi các trò chơi dân gian như đánh cù, bịt mắt bắt vịt, kéo co, đẩy gậy… Các hoạt động này không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nhộn nhịp mà còn làm tăng tình đoàn kết, gắn bó giữa bà con nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Người dân xã Phúc Sơn (Lâm Bình) mua hàng tại chợ phiên.

Ngày nay, chợ phiên trở nên đặc sắc hơn nhưng không mất đi vẻ đẹp truyền thống bởi những sản phẩm đặc sản địa phương không chỉ được lưu giữ mà còn được nâng tầm như một loại hàng hóa, sản vật quê hương. Đó là những chiếc bánh truyền thống, chai mật ong, thịt gác bếp, chè, măng khô, các sản phẩm thổ cẩm, mây tre đan… đã được đầu tư và phát triển, trở thành sản phẩm OCOP địa phương. Mỗi mặt hàng truyền thống không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả mà còn mang theo những câu chuyện về nguồn gốc ra đời, phát triển thấm đẫm nét đặc trưng văn hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong không khí bận rộn của những ngày cuối năm, chợ phiên cũng là nơi để người xa quê hương tìm về, gặp gỡ, thăm hỏi nhau những câu thân tình. Phiên chợ những ngày cuối năm cũng vì thế mà ấm áp tình người hơn. Cảnh vật, con người, âm thanh…, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh xuân đầy màu sắc của sự sống với ngập tràn niềm vui và hy vọng về một năm mới ấm no, đủ đầy, hạnh phúc.

Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục