Tết to hay Tết lo?
Tâm lý “cả năm mới có mấy ngày Tết” vẫn là tâm lý chung của nhiều gia đình khi đi sắm Tết.
Các năm gần đây, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện, và khả năng kinh tế kết hợp nhu cầu mua sắm tăng cao góp phần kích cầu là điều đáng mừng. Song, kết quả khảo sát của TNS - Tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu thị trường và thông tin thị trường - lại cho thấy có sự không bình thường. Theo kết quả khảo sát, phần lớn người tiêu dùng ở Việt Nam lên kế hoạch tăng chi tiêu trong suốt dịp Tết lên mức trung bình là 643 USD (tương đương 14,2 triệu đồng). Lượng chi tiêu cho vật dụng gia đình, đồ ăn thức uống hay trang thiết bị cá nhân như quần áo cũng tăng đột biến trong mỗi dịp nghỉ lễ.
Các gian hàng tại Siêu thị Vincom tung chương trình giảm giá cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng.
Ðáng chú ý là người Việt Nam thường có tâm lý tiết kiệm trong năm nhưng lại sẵn sàng chi tiêu khá thoải mái vào các dịp đặc biệt như lễ, Tết. Trong báo cáo của công ty Milieu Insight (Singapore) khảo sát 4.000 người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á năm 2023 cho thấy, 52% số người được hỏi cho biết, tổng chi tiêu của họ cho dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể cao hơn năm ngoái. Người tiêu dùng Việt Nam được cho là có xu hướng chi tiêu “phóng tay” hơn.
Một báo cáo khác của Công ty Meta (Facebook) năm 2023 cũng nhận định, mức chi tiêu trung bình cho dịp Tết năm 2023 của 58% người Việt đã tăng với mức hơn 700.000 VND so với Tết 2022. Trong đó, cứ 10 người mua sắm Tết thì có 7 người đồng ý rằng Tết là thời điểm để khám phá các danh mục sản phẩm khác biệt so với các thời điểm khác trong năm.
Những ngày gần Tết, thông tin về những chậu mai tiền tỷ, địa lan Sa Pa giá trăm triệu, những cây me dáng “thác đổ mây bay”, cây khế 200 tuổi “dáng rồng bay”, gốc sưa bon-sai, cây mai cổ thụ có giá từ nửa tỷ đến vài tỷ đồng... tràn ngập. Ðã có người gọi đây là “cuộc đua Tết” dành cho các đại gia, vì chỉ họ mới dám chi tiền tỷ cho thú chơi tốn kém này. Dù rằng mua sắm, trang hoàng, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn trong dịp lễ lớn như ngày Tết là nhu cầu hết sức chính đáng, nhưng vẫn rất khó có thể giải thích được lý do vì sao lại có nhiều người chấp nhận sự đắt đỏ đến vậy.
Không chỉ lãng phí trong trang hoàng, câu chuyện mua sắm Tết lãng phí cũng không hiếm gặp.
Người dân mua sắm đồ Tết tại cửa hàng nông sản sạch Sáng Nhung.
Chị Hạnh Vân, chủ một cửa hàng tự chọn thuộc phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) rõ hơn ai hết điều này. Chị kể: Nhớ năm trước, có người đến cửa hàng sắm Tết đến cả chục lượt. Hỏi thì chị ấy bảo: Mua về rồi, kiểm đếm lại sợ thiếu…
Đấy mới là bánh mứt kẹo, nước ngọt, chưa tính đến thức ăn. Nhiều gia đình, việc mua sắm thức ăn đủ đầy cho vài ngày Tết dường như đã “ăn sâu” vào tiềm thức. Gà 5 - 6 con, thịt lợn mua cả yến, rồi nem, giò, các loại củ quả… Những chiếc tủ lạnh chật cứng, để sau Tết, lại phải bỏ đi rất nhiều đồ thừa, dù chỉ ngay sau ngày mùng 1 Tết, nhiều tiểu thương đã có mặt ở chợ để cung cấp thực phẩm xanh, tươi sống cho khách hàng.
Tiết kiệm nhưng không hà tiện
Dịp Tết Ất Tỵ sắp đến, người dân được nghỉ 9 ngày, từ 26 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng, tức là từ 25-1 đến 2-2-2025. Từ cuối tháng 12-2024, hoạt động mua sắm đã bắt đầu sôi động.
Các mặt hàng thiết yếu tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang thu hút người tiêu dùng.
Theo đánh giá của các nhà bán lẻ, năm nay, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm được các khách hàng ưu tiên.
Trước Tết Nguyên đán 2 tháng, các gian hàng Hội chợ thương mại sản phẩm OCOP được tổ chức tại các địa phương, đã thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng.
Theo Sở Công thương, cùng với các phiên chợ OCOP, trước đó, Sở Công thương tổ chức Tháng khuyến mại tập trung quốc gia, cung cấp các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với giá bán ưu đãi để người tiêu dùng lựa chọn. Theo đánh giá của Sở Công thương, hàng hóa Tết trên địa bàn dồi dào, giá tốt do các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã có kế hoạch chuẩn bị sớm, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Từ tháng 12-2024, Siêu thị Tuyên Quang đã chuẩn bị lượng hàng Tết trị giá 18 tỷ đồng để cung ứng cho người tiêu dùng. Ông Hoàng Ngọc Long, Quản lý Siêu thị cho biết: Hướng đến đối tượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình, nên từ nhiều năm nay, hàng hóa ở Siêu thị Tuyên Quang chỉ tập trung phân khúc bình dân. Tuy nhiên, nhận định thị trường năm nay có nhiều khó khăn do ảnh hưởng mưa bão nên siêu thị chủ động giảm kế hoạch trữ hàng Tết xuống 3 - 4% so với Tết năm trước. Ngay cả các phần quà gói sẵn cũng được đơn vị này ưu tiên những mặt hàng thiết yếu như mỳ chính, dầu ăn, ngũ cốc… Ông Long chia sẻ: Qua quan sát, năm nay những giỏ hàng này “đắt khách” hơn so với gói hàng bánh kẹo, chứng tỏ thị hiếu người tiêu dùng đã có sự thay đổi, hướng đến những giỏ hàng có giá trị sử dụng ngay, thay vì những giỏ hàng có giá trị thẩm mỹ.
Phụ nữ Bản Lằn, xã Sơn Phú (Na Hang) chuẩn bị rượu truyền thống đón Tết.
Tại gian hàng OCOP, những quầy hàng bán sản vật địa phương cũng rất hút khách. Chị Lý Thị Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Tân Hòa, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) vừa livestream vừa giới thiệu với những khách đến mua trực tiếp những giỏ quà thuận tiện. Chị Hồng cho biết: Các set quà Tết năm nay được hợp tác xã lựa chọn những sản phẩm thiết yếu, có giá trị sử dụng thay vì tính thẩm mỹ, trong đó đa phần là sản phẩm OCOP địa phương như chè khô, mật ong, hạt bí… Mỗi set quà Tết có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng. Theo chị Hồng, ngay tại hội chợ và qua livestream, đã có rất nhiều đơn đặt hàng các set quà tặng như này. Các sản phẩm đắt khách đều là những mặt hàng thiết yếu, đã được gắn sao OCOP và có tem nhãn đầy đủ.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hương cho biết: Ngay từ quý III-2024, Hợp tác xã đã làm việc với các hợp tác xã cung ứng sản phẩm trên địa bàn để sẵn nguồn hàng chất lượng giá tốt cung cấp cho thị trường. Ngoài hơn 2.000 suất quà tặng cho các đại biểu Quốc hội, Hợp tác xã đã chuẩn bị nguồn hàng để cung cấp cho người tiêu dùng. So với năm 2023, giá các mặt hàng không tăng nhiều.
Với người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ, việc mua sắm Tết tiết kiệm mà vẫn đầy đủ được họ ưu tiên hàng đầu với nhiều cách làm sáng tạo. Chị Phạm Hoài Phương, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết: Sau nhiều năm sắm Tết, kinh nghiệm chị rút ra là chỉ tập trung những sản phẩm thực sự cần thiết và ưu tiên chất lượng, thay vì số lượng như trước. Thực phẩm cũng được chị mua đủ dùng và được chia theo bữa, hút chân không để vừa tiện sử dụng, vừa tiết kiệm không gian dự trữ trong tủ lạnh. Theo chị Phương, cách làm này chị áp dụng 2 - 3 năm nay và gần như không năm nào bị thừa thức ăn hay bánh kẹo Tết.
Ngoài việc mua sắm tiết kiệm, thì câu chuyện biếu Tết nội, ngoại cũng là đề tài “nóng” những ngày cuối năm. Chị Lý Minh Khánh, thị trấn Na Hang cho biết: Từ khi lấy chồng, hai vợ chồng đã thống nhất biếu Tết nội ngoại bằng nhau và không vượt quá khả năng của hai vợ chồng. Sự công bằng này vừa tạo cảm giác thoải mái cho cả vợ cả chồng, vừa có cảm giác báo hiếu không phân biệt nội, ngoại.
Các bà nội trợ sắm đồ Tết tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang.
Tết là dịp để nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Chính vì vậy, việc chủ động ngân sách để mua sắm Tết là việc rất nên làm. Theo các chuyên gia kinh tế, với những gia đình cơ bản nên chia tổng thu nhập một tháng thành năm phần, lần lượt ưu tiên gồm chi phí sinh hoạt gia đình; đầu tư/chi phí giáo dục; dành cho sức khỏe, bảo hiểm, dự phòng chữa bệnh; chi phí đối ngoại và cuối cùng là tiết kiệm đầu tư phát triển kinh tế. Việc chi tiêu Tết được khuyến cáo chỉ nên gói gọn trong tháng lương thứ 13 và các khoản thưởng Tết. Những gia đình lương thưởng ít hoặc không có thì có thể trích một phần từ chi phí dành cho đối ngoại và tiết kiệm để lo cho Tết.
Tâm lý đón Tết dù háo hức đến đâu cũng phải lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Tết rồi cũng qua đi, nếu chi tiêu vượt quá ngân sách, khi đó khoản nợ sẽ ở lại. Dù dưới bất kỳ hình thức nào, nợ nần sẽ tạo nên áp lực tài chính vào những ngày đầu năm mới. Để có một cái Tết trọn vẹn, không nhất thiết là phải chi nhiều, mà việc sắp xếp ấy phải phù hợp với khả năng của mỗi người. Việc điều chỉnh từ những hành vi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày sẽ dần hình thành thói quen tiêu dùng, từ đó nâng cao ý thức tiết kiệm của cả cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết